Tăng trưởng GDP 2022 vượt 8%, cao nhất 12 năm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết, GDP năm 2022 ước tính tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại .

Đây là thông tin được đưa ra tại họp báo công bố thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2022 Tổng cục Thống kê tổ chức sáng nay (29/12).

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, tăng trưởng GDP 8,02% là kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, giá cả nhiều mặt hàng hoá, trong đó có năng lượng tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tăng trưởng GDP 2022 vượt 8%, cao nhất 12 năm ảnh 1

GDP năm 2022 ước tính tăng 8,02% so với năm trước

Đóng góp nhiều nhất vào mức tăng chung là khu vực dịch vụ (chiếm 56,65%). Kế tiếp, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11%;

Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: bán buôn, bán lẻ, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, thông tin và truyền thông. Riêng ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 7,6%, làm giảm 0,13 điểm phần trăm do dịch COVID-19 đã được kiểm soát nên chi cho phòng, chống dịch bệnh giảm so với năm 2021.

Riêng quý IV/2022, GDP ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021, nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,22%; khu vực dịch vụ tăng 8,12%.

Về sử dụng GDP quý IV/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,12% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 5,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 6,14%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,83%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Bình quân năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, năm 2022 mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên áp lực lạm phát năm 2023 là rất lớn. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại nhưng rủi ro tăng trở lại khá cao do xung đột giữa Nga – Ukraina vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng.

"Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023 do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng cùng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Chính vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện thận trọng, chủ động và linh hoạt để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2023", bà Hương nêu.

MỚI - NÓNG