Chuyên gia truyền nhiễm cảnh báo COVID-19 có thể giết chết 200.000 người Mỹ

Ông bố và cô con gái dự đám tang người thân của mình ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 28/3. (Ảnh: AP)
Ông bố và cô con gái dự đám tang người thân của mình ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 28/3. (Ảnh: AP)
TPO - Đại dịch COVID-19 có thể giết chết 100.000-200.000 người Mỹ, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của chính phủ Mỹ cảnh báo ngày 29/3, trong lúc giới chức nước này thúc giục người dân quanh tâm dịch là TP New York hạn chế đi lại để kìm hãm virus lây lan. 

TS Anthony Fauci, Giám đốc Viện nghiên cứu quốc gia về dị ứng và bệnh truyền nhiễm, đưa ra con số dự báo ảm đạm này trên chương trình “State of the Union” của đài CNN. Ông cũng dự báo hàng triệu người Mỹ có thể mắc bệnh.

Tính đến sáng 29/3, Mỹ có khoảng 125.000 ca nhiễm và 2.200 người tử vong vì COVID-19, theo số liệu tổng hợp của ĐH Johns Hopkins. Nhưng số lượng người nhiễm thực sự có thể còn cao hơn vì hiện nay đang xảy ra tình trạng thiếu dụng cụ xét nghiệm và các ca nhẹ có thể không được phát hiện hoặc báo cáo. 

Trên khắp thế giới, các bác sĩ buộc phải lựa chọn cứu bệnh nhân nào vì số lượng máy thở có hạn. Tây Ban Nha và Italy tiếp tục cầu cứu EU giúp đỡ khi họ phải đối mặt với số lượng bệnh nhân tiếp tục tăng vọt, gây nên cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến 2.

Số ca nhiễm được xác nhận trên toàn cầu đã vượt mốc 32.000 và tâm dịch mới đang nổi lên ở nhiều thành phố khác của Mỹ như Detroit, New Orleán và Chicago. Ngay cả vùng nông thôn trung tây nước Mỹ hay vùng núi Rocky cũng không tránh được. 

Tây Ban Nha và Italy đã chiếm hơn một nửa số ca tử vong của thế giới, và vẫn tiếp tục ghi nhận hơn 800 trường hợp tử vong mỗi ngày. 

Nhưng các chuyên gia cho rằng những con số đó thấp hơn nhiều so với thực tế vì công tác xét nghiệm hiện nay vẫn hạn chế cũng như phụ thuộc vào quyết định chính trị ở từng nước. Khác với Mỹ, Pháp và Italy không tính những ca tử vong ở nhà hoặc viện dưỡng lão, dù nhiều viện dưỡng lão khắp thế giới đang là lò ấp virus corona.

EU chia rẽ 

“Châu Âu phải thể hiện rằng chúng ta có thể trả lời tiếng gọi lịch sử này”, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nói trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Italy cuối ngày 28/3. “Tôi sẽ chiến đấu đến giọt mồ hôi cuối cùng, đến chút năng lượng cuối cùng, để có được một phản ứng mạnh mẽ và gắn kết của châu Âu”, ông Conte nói. 

Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa quyết định không cách ly New York và các bang lân cận khi phải đối diện với những chỉ trích và hoài nghi về tính hợp pháp của bước đi này. 

Nhưng Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ đưa ra khuyến cáo thúc giục tất cả người dân ở TP New York và tiểu bang New York, New Jersey và Connecticut tránh đi lại không cần thiết trong 14 ngày. 

Trong khi đó, người dân nhiều nước châu Âu hay nhiều nơi khác đang phải chịu hạn chế nghiêm ngặt. Người dân Paris sẽ bị phạt nếu cố rời khỏi thành phố. Người dân Nam Phi không thể mua được rượu, còn người Serbia thất vọng trước lệnh cấm cả việc đi dạo cùng chó. Tại Italy, các lễ tang đang được tổ chức với chỉ có 1 người thân được tham dự. 

Tây Ban Nha vừa tiếp tục siết các biện pháp phong toả khi cấm người dân làm tất cả những việc không thiết yếu, khi số lượng người tử vong tiếp tục thiết lập mức kỷ lục mới với 838 ca tử vong trong ngày 29/3. Nước này đã có tổng số 6.500 người chết vì COVID-19. 

Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Fernando Simón cho biết tỷ lệ lây nhiễm ở nước này trong ngày 29/3 là 9%, giảm từ mức 18% trong 3 ngày trước đó. Nhưng ông cũng cho biết số người đang phải hồi sức cấp cứu vẫn tăng lên và bệnh viện ở nhiều vùng đã hết khả năng tiếp nhận thêm. 

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez kêu gọi EU cần có phản ứng mạnh mẽ hơn. 

Tây Ban Nha, Ý, Pháp và 6 nước thành viên EU khác đang đề nghị khối này chia sẻ gánh nặng bằng cách cho phát hành trái phiếu corona để có thêm tiền chống dịch bệnh. Nhưng ý tưởng này bị Đức và Hà Lan phản đối. 

Các nước châu Âu cũng lưỡng lự chuyện chia sẻ khẩu trang với láng giềng vì sợ nước mình rơi vào tình cảnh tương tự. Nhiều nước EU giờ quay sang Trung Quốc để mua đồ dùng và thiết bị y tế. 

Những căng thẳng đó làm dấy lên lo ngại liệu EU có thể sống sót sau cuộc khủng hoảng này. 

Ba Lan đang cân nhắc hoãn cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 10/5. Nga đóng cửa biên giới từ ngày mai. Một chính trị gia nổi tiếng của Pháp vừa thiệt mạng vì COVID-19. Đang phải cách ly vì mắc bệnh, Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa cảnh báo: “Mọi thứ sẽ tồi tệ hơn rồi mới khá lên”. 

Giáo hoàng Francis ngày 29/3 kêu gọi ngừng bắn trên toàn cầu để “tập trung sát cánh cùng nhau trong cuộc chiến thực sự để cứu mạng sống này”. Ông kêu gọi các chính quyền chăm lo cho những người đang sống trong các nhà dưỡng lão, doanh trại quân đội và nhà lao.

Theo Theo AP
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.