Xói mòn lòng tin
Thời gian vừa qua, một số nghệ sĩ có ảnh hưởng đến công chúng vướng vào hàng loạt “lùm xùm” khi có những phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội như công kích, tố cáo, bôi nhọ người khác và đặc biệt là câu chuyện “đấu tố” nhau xung quanh hoạt động từ thiện.
Cụ thể, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cùng các đơn vị nghiệp vụ đã vào cuộc điều tra và có văn bản yêu cầu cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước rà soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với tài khoản của một số cá nhân liên quan đến hoạt động từ thiện cũng như xác minh thông tin tố cáo của các nghệ sĩ đối với phát ngôn của một nữ doanh nhân.
Nói về vấn đề này, chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng, mỗi người có quyền đăng tải thông tin lên mạng xã hội nhưng phải chịu trách nhiệm nếu các thông tin này gây ra hậu quả xấu.
Cụ thể, từ những vụ việc xảy ra trên mạng gần đây, đặc biệt là việc một nữ doanh nhân livestream (phát trực tiếp) “bóc phốt”, cáo buộc một số ca sĩ, nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện và màn phản pháo “đấu tố” nhau gây sự chú ý, tò mò rất lớn của cộng đồng. Bởi những nội dung trên liên quan đến người nổi tiếng, những thông tin giật gân và các khoảng tối, góc khuất trong hoạt động xã hội.
Theo ông Hiếu, từ những phát ngôn mang tính “bóc phốt”, tố cáo, vạch trần những khuất tất trên thì nay cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh làm rõ có hay không vi phạm.
“Điều đáng nói, một số người gây ra tiêu cực, hệ lụy khi dùng những ngôn từ phản cảm, chửi bới, cãi cọ như ngoài chợ đã tác động xấu đến khán giả, đặc biệt là trẻ em. Nhiều gia đình không dám cho con xem các nội dung của họ vì sợ lây nhiễm cách ăn nói kiểu chợ búa, đường xá và làm không gian văn hóa trên mạng bị đầu độc” – ông Hiếu cho biết.
Ông Hiếu nói thêm, từ những câu chuyện tố cáo, ăn chặn tiền từ thiện dẫn đến sự xói mòn về lòng tin, những người có lòng hảo tâm lại e ngại và lo sợ đồng tiền của họ không đến được đúng đối tượng cần giúp đỡ, không tham gia vào các hoạt động từ thiện. Sự “khủng hoảng” niềm tin này khiến những người cần được trợ giúp trở thành nạn nhân và không nhận được sự giúp đỡ.
Vị chuyên gia tội phạm học cho rằng, câu chuyện hiện nay không dừng lại việc ở việc đấu tố, ăn chặn, “bóc phốt” nhau trên mạng thông thường mà những cáo buộc này đã mang tính chất pháp lý vì đã “vạch mặt, chỉ tên” đích danh một số cá nhân.
Nếu những cáo buộc là sai thì người tố cáo có dấu hiệu của tội Vu khống, tội Làm nhục người khác hoặc tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Nếu những thông tin phản ánh là đúng thì người bị tố cáo có thể bị khởi tố về tội Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chế tài nào đủ răn đe?
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh, đề nghị cần sớm ban hành “Bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ” và có chế tài xử phạt thật nặng các hành vi vi phạm trên không gian mạng.
“Trong “Bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ” nên nhắc lại những hành vi vi phạm và hình thức xử lý từ hành chính đến hình sự để làm cơ sở để xử lý sau này. Bởi nói đến văn nghệ sĩ là nói đến người của công chúng và sự chuẩn mực đạo đức, do đó, cần phải nghiêm túc xử lý những người có hành vi nói xấu, vu khống, xúc phạm… hoặc các vi phạm nếu có trong hoạt động từ thiện” – luật sư Hậu nêu quan điểm.
Theo luật sư Hậu, đã có rất nhiều chuyên gia góp ý về “Bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ”, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được ban hành là quá chậm. Ở một số nước trên thế giới, các hành vi vi phạm của văn nghệ sĩ bị xử lý rất nghiêm như “cắt sóng” không cho lên truyền hình. Tương tự, ở Việt Nam những quy định pháp luật đã có, thì các hành vi vi phạm không chuẩn mực trên không gian mạng cần được tăng cường xử lý và xử lý nghiêm.
“Tại khoản 2 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị xử phạt từ 20-30 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt trên là quá nhẹ dẫn đến việc người vi phạm có thể sẵn sàng nộp phạt để chia sẻ những thông tin xấu gây ảnh hưởng, thiệt hại đến người khác. Do đó, cần áp dụng “xử nặng tội nhẹ”, nâng mức phạt hành chính lên hàng trăm triệu đồng để răn đe và có làm như vậy mới giảm được vi phạm” – luật sư Hậu nêu quan điểm.
Cũng theo luật sư Hậu, khi có đơn thư tố cáo thì cơ quan chức năng cần vào cuộc sớm để điều tra xác minh và đưa ra kết luận ai đúng, ai sai. “Các cơ quan có thẩm quyền với tinh thần trách nhiệm và làm quyết liệt thì những hành vi vi phạm trên không gian mạng sẽ được hạn chế rất nhiều” – luật sư Hậu nói.
Vừa qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Dự thảo "Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật". Trong dự thảo có một số quy tắc như: Trung thực, có trách nhiệm trong phát ngôn, bày tỏ, chia sẻ quan điểm, không gây mâu thuẫn, cạnh tranh lành mạnh, không gây tổn hại đến uy tín, quyền lợi hợp pháp của đồng nghiệp; Không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cho cá nhân; Không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, vi phạm bản quyền, thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân…