Chuyên gia quân sự Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam, Kỳ 3: 'Người Mỹ đã khám phá ra bí mật đó rồi'

0:00 / 0:00
0:00
Phi công Liên Xô đang lên lớp cho phi công Việt Nam
Phi công Liên Xô đang lên lớp cho phi công Việt Nam
TP - Việc chiếc F-4 bị tên lửa phòng không Việt Nam bắn hạ và bắt sống viên phi công ngày 24/7/1965 khiến quân đội Hoa Kỳ hiểu rằng vũ khí và kỹ thuật tên lửa của Liên Xô đã đe dọa an toàn máy bay Mỹ. Và máy bay Mỹ không còn tự do bay trên bầu trời miền Bắc để bắn phá mục tiêu dưới đất. Nhưng người Mỹ đâu dễ chịu thua, họ đã nghiên cứu ra cách phá sóng dẫn đường của bộ khí tài X-75, tiếp tục gây nhiễu.

Cuộc chiến tranh điện tử

Đại tá Môixêép Anatôli Pêtrôvích sang Việt Nam tháng 9/1967 làm trưởng đoàn chuyên gia quân sự các tiểu đoàn kỹ thuật thuộc binh chủng tên lửa của QĐND Việt Nam. Trong hồi ký ông kể rằng, tháng 9 và 10/1967 khi máy bay Mỹ oanh tạc, trên các màn hình của các đài điều khiển tên lửa X-75 đã phát hiện thấy những trường hợp cá biệt xuất hiện nhiễu tích cực cường độ yếu của máy bay Mỹ đối với kênh vô tuyến ngắm mục tiêu.

Nhưng khi đó các chuyên gia chưa thực sự quan tâm đến hiện tượng này vì đại diện của tổng công trình sư Liên Xô ở Việt Nam giải thích “về lý thuyết, việc sử dụng các dạng nhiễu này đánh vào kênh vô tuyến ngắm mục tiêu là có thể, song xác suất thực tế của việc gây các loại nhiễu này là không đáng kể”. Và thực tế, đến đầu tháng 12, không thấy xuất hiện các loại nhiễu đó. Tuy nhiên ngày 15/12/1967, mọi sự đã đảo lộn. Ngày hôm đó một tốp máy bay Mỹ bay như diễu binh, đánh phá Hà Nội và các vùng lân cận. Khi chúng bay vào vùng hỏa lực có hiệu quả của các tiểu đoàn tên lửa phòng không và như thường lệ, các đơn vị đã phóng tên lửa để tiêu diệt. Trong số 29 quả tên lửa được phóng thì một số quả tự rơi do các trạm điều khiển không bắt được tên lửa. Nguyên nhân là người Mỹ lần đầu tiên sử dụng phương thức mới là gây nhiễu đối với kênh vô tuyến ngắm mục tiêu của các bệ phóng tên lửa. Kênh này bị nhiễu khống chế hoàn toàn, do vậy các đài điều khiển bị “mù”, không nhìn thấy tên lửa của mình. Còn kênh thứ hai là kênh vô tuyến cũng không thể điều khiển được đường bay của quả tên lửa vì không có tọa độ. Các tên lửa SA-75 mất điều khiển có động năng rất lớn đã rơi xuống đất. Sự kiện này gây sốc với các chuyên gia quân sự Liên Xô và làm tổn thương tinh thần của cán bộ chiến sĩ tên lửa Việt Nam.

Trước sự việc cực kỳ nghiêm trọng này Việt Nam đã đề nghị Đại sứ quán Liên Xô giúp đỡ. Đại sứ L.X Sécbacốp lập tức báo cáo tình hình cho Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Liên Xô và ông nhận được chỉ đạo ngành công nghiệp Liên Xô phải có những biện pháp cấp thiết nhằm khôi phục lại khả năng chiến đấu của các bộ khí tài tên lửa phòng không ở Việt Nam. Đồng thời Mátxcơva đã giao cho đại sứ chỉ đạo các chuyên gia đang công tác tại Việt Nam tiến hành nghiên cứu và đưa ra ngay biện pháp bổ sung cần thiết nhằm làm thất bại các biện pháp chống trả của không quân Mỹ đối với các bộ khí tài X-75 của Liên Xô.

Đích thân đại sứ Liên Xô vào cuộc

Ngay sau nhận chỉ thị, Đại sứ L.X Sécbacốp gấp rút tổ chức một cuộc họp. Tham dự có Trung tướng V. N. Abramốp, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô, Thiếu tướng N. I. Cunbacốp, Trưởng đoàn chuyên gia tên lửa phòng không, A. M. Elixép, đại diện Tổng công trình sư đài chỉ huy tên lửa và một số chuyên gia. Cuộc thảo luận kéo dài trong không khí căng thẳng, cuối cùng các chuyên gia đi đến kết luận, lối thoát duy nhất là tiến hành thí nghiệm nhằm chỉnh lại các tần số của đài điều khiển tên lửa và các thiết bị phản hồi, đồng thời nâng cao công suất các máy phát tín hiệu phản hồi của tên lửa.

Chuyên gia quân sự Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam, Kỳ 3: 'Người Mỹ đã khám phá ra bí mật đó rồi' ảnh 1

Đuôi tên lửa Sraicơ

A. M. Elixêép, đại điện Tổng công trình sư đài điều khiển tên lửa nói rằng, việc chỉnh lại tần số của đài điều khiển tên lửa không khó khăn và có thể hoàn thành trong một thời gian tương đối ngắn. Để xác định thí nghiệm các thông số và những khả năng chỉnh khối điều khiển tên lửa, A. M. Elixêép đề nghị mở riêng các khối FR-15 trong ruột tên lửa, sau đó ghi thành văn bản những kết quả thu được. Người Mỹ đã áp dụng cách gây nhiễu tích cực đối với kênh vô tuyến ngắm mục tiêu của tên lửa. Trong khối FR-15 có hai kênh: vô tuyến điều khiển và vô tuyến ngắm mục tiêu. Kênh này cho phép liên tục “thông báo” bằng tín hiệu trả lời về tọa độ của tên lửa đối với tín hiệu hỏi của đài chỉ huy, nhờ đó đài điều khiển đưa ra và phát lệnh điều khiển tên lửa.

Mátxcơva đã giao cho đại sứ chỉ đạo các chuyên gia đang công tác tại Việt Nam tiến hành nghiên cứu và đưa ra ngay biện pháp bổ sung cần thiết nhằm làm thất bại các biện pháp chống trả của không quân Mỹ đối với các bộ khí tài X-75 của Liên Xô.

Đại sứ L.X Sécbacốp hỏi A. M. Elixêép: “Làm việc đó để làm gì và cần bao nhiêu thời gian?” A. M. Elixêép trả lời rằng, muốn thu được những số liệu thí nghiệm cần lấy ra bộ phụ tùng dự trữ của khối FR-15, lập một trạm kiểm tra thử nghiệm di động để tiến hành kiểm tra từng phần và tổng hợp các khối của tên lửa, công việc chỉ cần 3 ngày. Tuy nhiên ý kiến mở khối FR-15 bị một số chuyên gia phản đối vì khối này “tuyệt mật quốc gia” nhưng Đại sứ L. X. Sécbacốp đảm bảo sẽ nhận toàn bộ trách nhiệm về cuộc thí nghiệm sắp tới. Ông nói: “Cần gì phải bí mật nữa? Người Mỹ đã khám phá ra bí mật đó rồi, họ đã sử dụng nhiễu và dùng nhiễu phá các tần số điều khiển tên lửa của ta. Tôi cho phép tiến hành các thí nghiệm này”.

Ngay sau cuộc họp, Đại tá I. Séctôbitốp, Đại úy V. Gôncharencô, các Thượng úy B. Axlamốp, V. Béclốt, A. Gôncharencô, N. Chirơcốp... đã bắt tay vào công việc. Họ làm việc liên tục, không ngủ, không nghỉ 3 ngày đêm trong rừng. May thay, trong các khối FR-15 đã có một chút độ tự cảm và dung lượng nên cho phép chỉnh được tần số vì thế tăng được công suất của máy trả lời. Nhưng dải tần số của việc chỉnh các khối có sự khác nhau. Vì vậy, sau khi kết thúc công việc thí nghiệm, nhóm này đã quyết định: “một số bộ khí tài tên lửa phòng không ở các trung đoàn sẽ được chỉnh tần số dưới 3 mê-ga-héc, một số được chỉnh 1,5 mê-ga-héc, số còn lại không thay đổi gì”. Và việc có ba dải tần số khác nhau đã làm cho không quân Mỹ trong một thời gian nhất định bị lầm lẫn và lúng túng giúp các đơn vị trong một thời gian ngắn tổ chức được một bộ khí tài và chỉnh được một cơ số tên lửa.

Đầu tháng 1/1968 máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội, chúng lại sử dụng các loại nhiễu phá kênh vô tuyến bắt mục tiêu nhưng đã thất bại. Tất cả các đài chỉ huy điều khiển của các đơn vị tên lửa làm việc ở ba chế độ. Các bộ khí tài tên lửa phòng không chưa chỉnh sẽ không phóng. Và ngay từ loạt phóng đầu tiên, bộ khí tài đã chỉnh 3 mê-ga-héc nằm trong đội hình phục kích đã điều khiển được tên lửa bắn rơi chiếc máy bay dẫn đầu. Kể từ ngày 1/1 đến ngày 15/8/1968 các đơn vị đã phóng 20 quả, kết quả bắn rơi 5 máy bay F-105 và tiếp tục phóng 27 quả hạ được 9 máy bay.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.