Kỳ 1: Từ chuyên gia đến cố vấn quân sự
Khi Mỹ đánh bom miền Bắc bằng không quân, từ 5/1965-1974, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam máy bay MIG 17, MIG 21, 158 tổ hợp tên lửa, 7.658 quả tên lửa SAM và cử hàng vạn chuyên gia quân sự sang huấn luyện, đào tạo và trực tiếp chiến đấu. Nhưng cuộc sống và vai trò của họ trong cuộc chiến chống không quân Mỹ ở miền Bắc Việt Nam vẫn ít được biết.
Đầu thập niên 60 thế kỷ 20, do không đồng quan điểm 3 hòa với Mỹ (cùng chung sống hòa bình, cùng thi đua hòa bình và cùng tồn tại hòa bình) của Liên Xô nên quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô đã xuống đến mức thấp nhất. Liên Xô “cắt giảm viện trợ kinh tế cho Việt Nam tới 30% và đòi Việt Nam gấp rút thanh toán những món nợ hiện có”. Nhưng cuối năm 1964, ban lãnh đạo cấp cao Liên Xô thay đổi, các nhà lãnh đạo mới đã nhìn nhận lại mối quan hệ với Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.N. Côxưghin và Thủ tướng Phạm Văn Đồng |
Những chuyên gia tên lửa phòng không đầu tiên
Sau khi gây ra sự kiện vịnh Bắc Bộ, ngày 5/8/1964, không quân Mỹ bắt đầu đánh bom miền Bắc Việt Nam. Từ ngày này chiến tranh đã diễn ra trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Việc Mỹ mở rộng cuộc chiến khiến các nhà lãnh đạo mới của Liên Xô nhận thấy phải cấp thiết viện trợ quân sự cho Việt Nam chống Mỹ để bảo vệ phe xã hội chủ nghĩavàcũng vì “Liên Xô là một dân tộc vĩ đại nên cần phải có những hành động vĩ đại”.
Tháng 2/1965, đoàn đại biểu cấp cao Liên Xô do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng A.N. Côxưghin dẫn đầu sang thăm Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từ ngày 6/2-10/2/1965 với mục đích hướng đến mục tiêu xây dựng nền tảng mới cho quan hệ đồng minh. Nội dung thảo luận chính giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước là “làm rõ các chi tiết trong quan hệ” gắn với “vấn đề quân sự”. Kết quả là Liên Xô cam kết sẽ cung cấp vũ khí chống lại sự tấn công miền Bắc Việt Nam bằng không quân của Mỹ và củng cố khả năng phòng thủ của Việt Nam. Liên Xô sẽ thỏa thuận với Trung Quốc về kế hoạch phối hợp hành động giúp đỡ Việt Nam. Có chi tiết rất đáng chú ý là sau buổi sáng hội đàm đầu tiên, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng A.N. Côxưghin đã dạo bộ trên đường Thanh Niên, sau đó cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, mỗi người một thuyền tự chèo trên Hồ Tây.
Một bữa ăn của chuyên gia quân sự Liên Xô ở khách sạn Kim Liên. Ảnh tư liệu |
Cuối tháng 2/1965, Liên Xô quyết định tăng số lượng hàng viện trợ, các chủng loại vũ khí trong đó có khí tài, tên lửa phòng không, máy bay quân sự cho Việt Nam. Đồng thời Liên Xô cũng đề nghị gửi “1 lữ đoàn tên lửa, 2 trung đoàn phòng không và các đơn vị kỹ thuật, một phân đội máy bay MiG-21 (trong đó có 12 máy bay chiến đấu), 1 tiểu đoàn địa cầu, 1 tiểu đoàn trinh sát kỹ thuật” sang bảo vệ khu vực Hà Nội, Hải Phòng.
Do tình hình thế giới lúc đó, Việt Nam quyết định không nhận các đơn vị chiến đấu, đề nghị Liên Xô chỉ cử chuyên gia quân sự và xin viện trợ vũ khí. Đáp lại chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng A.N.Côxưghin, tháng 4-1965, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam gồm Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh thăm Liên Xô. Hai nước đã nhất trí “Tiến một bước xa hơn nhằm bảo vệ chủ quyền và an ninh của VNDCCH và triển khai những biện pháp thích hợp để thực hiện mục đích”. Hai bên đã ký thỏa thuận về viện trợ quân sự, về việc gửi các chuyên gia quân sự Liên Xô sang Việt Nam.
Thượng tướng Khiupênen Anatôli Ivanôvích, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam từ 12/1972-1/1975 và phi công Phạm Tuân (chụp ngày 28-12-1972). Ảnh tư liệu |
Trong hồi ký, Thượng tướng Khiupênen Anatôli Ivanôvích, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại VNDCCH từ 12/1972-1/1975 kể rằng, ngay sau chuyến thăm của đoàn Việt Nam, trung tuần tháng 4-1965, 100 chuyên gia quân sự đầu tiên trong đó có các chuyên gia về tên lửa phòng không cùng khí tài tên lửa X-75 (còn gọi là Đvina) có mặt ở Hà Nội dưới sự chỉ huy của Đại tá A.M. Dưza.
Nhiệm vụ của đoàn là trong thời hạn ngắn nhất huấn luyện và đưa vào chiến đấu 2 trung đoàn phòng không cho QĐND Việt Nam. Khi sĩ quan, chiến sĩ của 2 đơn vị tên lửa này có thể tác chiến độc lập thì họ sẽ chuyển sang huấn luyện cho đơn vị khác. Sẽ chỉ để lại một số chuyên gia xử lý những tình huống phát sinh trong chiến đấu. Tại khu vực đồn điền Mỏ Chén (nay thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội), một trung tâm huấn luyện vũ khí tên lửa hình thành với sự chỉ dẫn của các chuyên gia Liên Xô. Ngày 1/5/1965, tại đây đã diễn ra lễ công bố quyết định của Bộ Quốc phòng thành lập Trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên 236.
Điều kiện để sang Việt Nam
Sau đoàn chuyên gia quân sự gồm 100 người đầu tiên, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô đã sẵn sàng đưa các đoàn tiếp theo sang Việt Nam. Và để sang Việt Nam công tác, các sĩ quan, hạ sĩ quan và chiến sĩ Liên Xô phải có bản lĩnh chính trị Xô Viết, phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn và được kiểm tra sức khỏe. Các sĩ quan vào các vị trí chỉ huy được lựa chọn gắt gao hơn, bắt buộc phải qua được “cửa ải” khắt khe của Tổng cục 10 (thuộc Bộ Tổng tham mưu Liên Xô), sau đó là cuộc phỏng vấn, thẩm định của Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Xô-viết. Những sĩ quan đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ 2 và chiến tranh Triều Tiên sẽ được ưu tiên. Thời gian công tác của chuyên gia ở Việt Nam là 1 năm, và người này về thì người khác lại sang thay thế.
Tên lửa SA-75 rời bệ phóng. Ảnh tư liệu |
Sau khi được lựa chọn, họ sẽ phải luyện tập để sử dụng vũ khí, khí tài, phải rèn luyện thể lực. Việc này được tiến hành rất bí mật, và chuyến đi chỉ được thông báo vào phút chót. Trong suốt thời gian công tác ở Việt Nam, họ phải tuân thủ nghiêm kỷ luật về bảo mật thông tin cho đến khi về nước. Trước khi lên máy bay họ mới được phát hộ chiếu và tất cả đều được quán triệt “hoạt động chiến đấu của họ tại các trận địa, số lượng máy bay Mỹ bị bắn rơi, quan hệ công việc cụ thể với các chiến sĩ Việt Nam sẽ là hòn đá tảng cho việc cải thiện các quan hệ chính trị, ngoại giao và tăng cường quan hệ hữu nghị với VNDCCH”.
Họ được tiêm chủng theo các quy định của y tế thế giới, được phát quần áo thường phục. Trong hồi ký, Đại tá Platôép Taunô Phêđêrôvích sang Việt Nam từ tháng 7/1971 làm trưởng nhóm chuyên gia tên lửa Trung đoàn 236 và 275 của QĐND Việt Nam viết: “Tất cả chúng tôi mặc complê thắt cravát tuyệt đối theo hướng dẫn, chúng tôi giống như những chú gà con từ trong lò ấp ra”. Họ được hưởng 100% lương do nhà nước Liên Xô trả, số tiền này được chuyển về gia đình. Còn tại Việt Nam, các chuyên gia được trả lương theo quân hàm và chức vụ.
Trước ngày lên đường, thẻ Đảng của họ được gửi lại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, mọi giấy tờ công vụ được chuyển về Tổng cục 10, khi đặt chân đến Việt Nam, các giấy tờ còn lại sẽ được lưu giữ tại Đại sứ quán Liên Xô. Sang Việt Nam là nguy hiểm tính mạng nên có sĩ quan phút cuối đã từ chối. Thiếu tướng Đemsencô Iuri Alếchxêêvích sang Việt Nam tháng 3/1965 làm chỉ huy trưởng khẩu đội bệ phóng Tiểu đoàn hỏa lực số 82, Trung đoàn tên lửa 238 kể rằng, đoàn của ông trước khi lên tầu hỏa, Trung tướng V.N. Gôđun hỏi: “Có ai nhát gan không?”, không ai trả lời. Nhưng khi ông hỏi: “Có ai không muốn đi không?” thì 2 sĩ quan xin ở lại với lý do sức khỏe dù họ đã được kiểm tra kỹ càng trước đó.
Tính từ 4/1965 đến ngày 31/12/1974 Liên Xô đã đưa sang Việt Nam 6.359 sĩ quan các cấp, hơn 4.500 hạ sĩ quan, binh sĩ nghĩa vụ trong các lĩnh vực quân sự trong đó có 5 sĩ quan từ cấp tướng. Trong từng ấy năm, 13 chuyên gia quân sự đã hy sinh. Ban đầu họ được gọi với cái tên chung là “chuyên gia quân sự” nhưng đến cuối năm 1974 được đổi thành “cố vấn quân sự”.
-------
Tài liệu tham khảo của loạt bài dài kỳ này:
1-Chiến tranh Việt Nam là thế đó (1965-1973) - NXB Chính trị Quốc gia - 2007 2-Chuyên gia Liên Xô trong Chiến tranh VN (1954-1975) - Nguyễn Mai Hoa, Đại học quốc gia HN- Tạp chí Khoa học xã hội nhân văn 3-Sự giúp đỡ của Liên Xô đối với VN về lĩnh vực quân sự (1945-1975) - PGS,TS Nguyễn Manh Hà, Ths Vũ Thị Hồng Dung, Viện lịch sử Đảng, Học Viện chính trị quốc gia- Tạp chí xây dựng Đảng
Đón đọc Kỳ 2 trên số báo ra thứ Hai 1/11/21: “Hãy làm theo tôi”