Vì sao Liên Xô không thể dùng máy bay không người lái trong Chiến tranh Vệ quốc?

0:00 / 0:00
0:00
Chiếc tàu lượn chuyên dụng PSN-2 được Liên Xô nghiên cứu chế tạo. Nguồn: airwar.ru
Chiếc tàu lượn chuyên dụng PSN-2 được Liên Xô nghiên cứu chế tạo. Nguồn: airwar.ru
Việc sử dụng máy bay không người lái (UAV) được coi là phổ biến trong các cuộc chiến tranh hiện đại ngày nay, cũng như trong tương lai gần.

Tuy nhiên ít ai biết rằng, ngay từ những năm 1930, để chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể diễn ra trong tương lai, Liên Xô đã thử nghiệm máy bay điều khiển bằng sóng vô tuyến có khả năng mang theo hàng tấn thuốc nổ đến các vị trí của đối phương.

Những chiếc tàu lượn chuyên dụng

Cơ quan của Liên Xô đi đầu trong việc phát triển các phương tiện bay không người lái khi đó là một tổ chức dường như không liên quan đến ngành hàng không, đó là Viện nghiên cứu mìn và ngư lôi có trụ sở tại Leningrad (nay là Saint Petersburg).

Từ năm 1933, tại Phòng thí nghiệm đặc biệt số 22 của viện này, một chiếc tàu lượn chuyên dụng đã được chế tạo dưới sự giám sát của công trình sư Solomon Valk. Theo thiết kế, phương tiện bay này được dùng để tấn công các công sự ven biển và tàu hải quân. Bởi lẽ, việc điều máy bay ném bom có người lái đến những vị trí đó là rất nguy hiểm trước pháo phòng không của kẻ địch.

Năm 1935, theo đơn đặt hàng của Viện nghiên cứu mìn và ngư lôi, Phòng thiết kế và chế tạo đặc biệt (công trình sư trưởng Pavel Grokhovsky) đã cho ra đời mẫu phương tiện bay PSN-1, cụ thể là các mẫu thử nghiệm. Theo đó, một chiếc tàu lượn có gắn ngư lôi hoặc đạn nổ được treo vào cánh của máy bay ném bom hạng nặng TB-3. Khi máy bay đang ở trên không, người ta cho tách chiếc tàu lượn ra. Sau đó, tàu lượn được dẫn hướng bay đến mục tiêu bằng tia hồng ngoại.

Các cuộc thử nghiệm toàn diện tàu lượn không người lái được khởi động vào tháng 8/1935 trên một hồ nước tại làng Krechevitsy ở ngoại ô thành phố Novgorod của Nga. Tuy nhiên, việc bắt giữ các nhân viên Phòng thiết kế thử nghiệm vào năm 1937 đã khiến các cuộc thử nghiệm bị đình trệ và nhiều tàu lượn không thể ra đời.

Trong năm đầu tiên nổ ra Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Liên Xô đã quyết định cho ra đời một mẫu tàu lượn mới, đó là chiếc PSN-2 do công trình sư Vasily Nikitin thiết kế.

“PSN-2 có thể mang theo bom FAB-1000 nặng 1.000 kg hoặc ngư lôi có trọng lượng tương tự. Ban đầu, người ta dự định sử dụng các máy bay TB-3 làm máy bay mang tàu lượn PSN-2, sau đó là DB-3, nhưng việc sản xuất hàng loạt chiếc cuối cùng đã bị hoãn đi hoãn lại nhiều lần”, tác giả Mikhail Kozyrev viết trong cuốn sách của mình có tựa đề “Không quân của Hồng quân”.

Tháng 7/1940, những công trình nghiên cứu chế tạo tàu lượn chuyên dụng bất ngờ bị hủy bỏ theo lệnh của Dân ủy Hải quân Liên Xô Nikolai Kuznetsov. Vì vậy, đã không có một cuộc xuất kích nào diễn ra bằng phương tiện bay không người lái này.

Thiết bị điện tử gặp trục trặc

Cùng lúc đó, Cục kỹ thuật đặc biệt về những phát minh quân sự chuyên dụng của Liên Xô tiến hành việc hoán cải máy bay ném bom TB-3 và mẫu TB-1 thế hệ trước đó thành máy bay điều khiển bằng sóng vô tuyến. Bộ phận chính được thêm vào những chiếc máy bay này là hệ thống điều khiển từ xa Dedal. Hệ thống này có thể điều khiển máy bay ném bom ở trên không, mà không phải khi cất cánh. Khi sắp tiếp cận mục tiêu, phi công phải liều mình nhảy sang chiếc tiêm kích I-15. Trong khi đó, chiếc máy bay điều khiển bay theo sau thực thi nhiệm vụ chiến đấu cho đến khi hoàn thành.

Năm 1940, những nghiên cứu và phát triển này cuối cùng đã được ứng dụng cho bộ đôi chiến đấu này. Bay cùng với máy bay phóng ngư lôi điều khiển bằng sóng vô tuyến TB-3 là chiếc máy bay ném bom SB-2 hoặc DB-3.

Mãi đến năm thứ hai của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, thì những thử nghiệm thực tế mới được tiến hành. Với sự hỗ trợ của máy bay không người lái, người ta dự kiến sử dụng 4 tấn thuốc nổ để phá hủy ga đầu mối đường sắt ở thành phố Vyazma khi đó bị quân Đức chiếm giữ.

Nhưng vào thời điểm quyết định, thiết bị điện tử đã bị hỏng (một mảnh đạn pháo phòng không bắn trúng ăng ten của máy phát vô tuyến điện trên máy bay DB-3F). Kết quả là chiếc máy bay TB-3 không bay được đến mục tiêu. Trong khi đó, số phận của bộ đôi chiến đấu thứ hai còn tồi tệ hơn, bởi cả hai chiếc máy bay đều bị phá hủy ngay tại sân bay.

Sau đó, chủ đề về máy bay không người lái đã không được Liên Xô đề cập đến nữa. Mãi đến năm 1944, công trình sư hàng không Vladimir Vakhmistrov mới đề xuất dự án tàu lượn chiến đấu được trang bị hệ thống lái tự động con quay hồi chuyển. Trong khi đó, người Đức đã lắp đặt hệ thống tương tự trên những chiếc máy bay phóng tên lửa V-1 (Fau-1) vốn được họ sử dụng để ném bom London vào mùa hè năm 1944. Tuy nhiên, ý tưởng của Vakhmistrov sau đó vẫn chỉ nằm trên giấy.

Như vậy, chương trình nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái tốn kém của Liên Xô đã không mang lại kết quả thiết thực nào trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Những ý tưởng táo bạo nhất của các công trình sư nước này đã không trở thành hiện thực do trình độ kỹ thuật khi đó còn hạn chế.


Link gốc:

https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/vi-sao-lien-xo-khong-the-dung-may-bay-khong-nguoi-lai-trong-chien-tranh-ve-quoc-vi-dai-673830

Theo Quân đội Nhân dân
MỚI - NÓNG