Liên Xô chuẩn bị và tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên dưới lòng đất 60 năm trước như nào?

0:00 / 0:00
0:00
Tròn 60 năm trước, vào tháng 10/1961, Liên Xô đã tiến hành vụ thử hạt nhân dưới lòng đất đầu tiên trong lịch sử nước này. Địa điểm tiến hành thử nghiệm là bãi thử hạt nhân Semipalatinsk tại nước Cộng hòa Kazakhstan.

Công chúng mới biết đến sự tồn tại của bãi thử hạt nhân Semipalatinsk sau khi Liên Xô tan rã. Bãi thử này nằm trên lãnh thổ Cộng hòa Kazakhstan, cách thành phố Semipalatinsk 130km về phía Tây Bắc, trên tả ngạn sông Irtysh. Tại khu vực bãi thử có thị trấn Kurchatov trước đây từng bị đóng cửa, được đặt theo tên của nhà vật lý lừng danh Liên Xô Igor Kurchatov.

Bãi thử hạt nhân Semipalatinsk được sử dụng thường xuyên từ năm 1949 đến năm 1989. Trong suốt thời gian đó, có ít nhất 456 vụ thử hạt nhân dưới lòng đất và 122 vụ thử trong khí quyển đã được tiến hành tại đây. Tuy nhiên, thông tin về số vụ thử nghiệm được các nguồn tin đưa ra khác nhau.

Liên Xô chuẩn bị và tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên dưới lòng đất 60 năm trước như nào? ảnh 1

Núi đá Degelen tạibãi thử hạt nhân Semipalatinsk ở Kazakhstan. Ảnh: silkadv.com.

Theo đó, có nguồn tin cho rằng, tại bãi thử này người ta đã tiến hành 715 vụ thử vũ khí hạt nhân và vụ nổ vì mục đích hòa bình, trong khi tổng số đầu đạn hạt nhân được kích nổ là 969 đơn vị. Phần lớn những vụ nổ này được thực hiện trong khuôn khổ chương trình quy mô lớn nhằm đạt được nguyên tắc đồng đẳng hạt nhân với Mỹ.

Trước khi Liên Xô tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên dưới lòng đất

Bãi thử hạt nhân Semipalatinsk được khởi công xây dựng vào năm 1947. Ngày 29/8/1949, Liên Xô cho nổ tại đây quả bom hạt nhân đầu tiên RDS-1 có sức công phá 22 kiloton.

Những gì xảy ra sau đó cho thấy, địa điểm thử nghiệm được tạo ra trong khuôn khổ dự án nguyên tử quy mô lớn của Liên Xô nằm ở vị trí cực kỳ tốt. Địa hình bên trong khu vực bãi thử Semipalatinsk cho phép quân đội thực hiện cả những vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất. Vì vậy, Liên Xô đã quyết định tiến hành tại đây những vụ thử hạt nhân đầu tiên dưới lòng đất vào ngày 11/10/1961.

Trong khi đó, đi đầu trong những vụ nổ như vậy là quân đội Mỹ. Ngày 19/11/1951, Mỹ đã thực hiện các vụ thử nghiệm tại bãi thử Nevada với mật danh là “Uncle”. Vụ nổ hạt nhân diễn ra ở độ sâu chỉ 5,5m. Công suất của đầu đạn phát nổ là 1,2 kiloton. Mục đích của những cuộc thử nghiệm này là nhằm giúp quân đội Mỹ xác định các yếu tố gây sát thương khi tiến hành các vụ nổ theo hình thức này.

Một vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất được tiến hành 6 năm sau đó, ngày 19/9/1957, có thể được coi là thực sự thành công. Cũng tại bãi thử này ở Nevada, quân đội Mỹ đã tiến hành những vụ thử nghiệm mang tên “Rainier”. Lần này, một đầu đạn hạt nhân có sức công phá 1,7 kiloton được kích nổ trong một đường hầm nằm sâu 275m dưới lớp đất đá.

Các vụ thử hạt nhân này diễn ra nhằm mục đích cải tiến phương pháp tiến hành những vụ nổ hạt nhân trong lòng đất. Ngoài ra, người Mỹ còn thử nghiệm trên thực tế khả năng và cách thức phát hiện sớm các vụ nổ theo hình thức này. Sau khi đặt nền móng cho việc thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất, người Mỹ đã đảm bảo cho chúng có thể tiếp tục được thực hiện trong tương lai.

Sau khi ký kết Hiệp ước Moscow năm 1963 về việc cấm thử hạt nhân trong khí quyển, dưới nước và ngoài vũ trụ, thì những vụ thử hạt nhân dưới lòng đất trở thành lựa chọn duy nhất cho kho vũ khí của quân đội hai nước. Liên Xô, quốc gia bắt đầu tham gia chạy đua hạt nhân, đã tiến hành các vụ thử hạt nhân đầu tiên dưới lòng đất muộn hơn so với Mỹ.

Liên Xô chuẩn bị và tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên dưới lòng đất 60 năm trước như nào? ảnh 2

Vụ nổ quả bom hạt nhân đầu tiên RDS-1 của Liên Xô năm 1949. Ảnh: wikimedia.org.

Chuẩn bị vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất

Giới quân sự Liên Xô, cũng như phía Mỹ, đều đặt ra những mục tiêu giống nhau khi tiến hành các vụ thử hạt nhân đầu tiên dưới lòng đất. Trước hết, họ quan tâm đến cách thức và phương tiện phát hiện sớm những vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất đang diễn ra. Trong khi đó, Liên Xô đã bắt đầu chuẩn bị vụ thử hạt nhân đầu tiên dưới lòng đất vài năm trước khi tiến hành.

Công tác chuẩn bị cho vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất đầu tiên của Liên Xô được khởi động từ năm 1958. Nước này đã đào riêng một căn hầm thử nghiệm có tên là V-1, được đặt bên trong núi đá Degelen tại khu vực bãi thử Semipalatinsk.

Tổng chiều dài của căn hầm là 380m, trong khi vụ nổ xảy ra ở độ sâu 125m. Sau khi hoàn thành xây dựng căn hầm, một thùng đựng bên trong có đầu đạn hạt nhân với tổng công suất khoảng 1 kiloton đã được đưa vào buồng nổ bằng xe đẩy chuyên dụng.

Để ngăn bụi phóng xạ phát tán lên bề mặt đất, căn hầm đã được bịt kín lại. Vì vậy, các chuyên gia đã chia ra ba khu vực. Khu vực thứ nhất dài 40m, được rải lớp đá dăm và xây tường bê tông cốt thép. Tại đây có một đường ống, dùng để xuất thông lượng bức xạ neutron và tia gamma sau vụ nổ hạt nhân tới các cảm biến của những thiết bị theo dõi toàn bộ quá trình thử nghiệm.

Khu vực thứ hai dài 30m, bao gồm nhiều chiếc nêm làm bằng bê tông cốt thép. Còn khu vực thứ ba dài 10m, nằm cách buồng nổ hạt nhân 200m. Tại đây có lắp 3 hộp dụng cụ, trong đó chứa rất nhiều thiết bị đo lường. Đồng thời, các chuyên gia cũng đặt thêm các dụng cụ đo dọc theo toàn bộ chiều dài của căn hầm.

Tâm chấn của vụ nổ sẽ được bố trí trên bề mặt ngọn núi ngay phía trên buồng nổ hạt nhân. Để đảm bảo nhìn thấy rõ, ở trên cùng có cắm một lá cờ màu đỏ. Ngoài ra, các nhà khoa học còn đặt những con vật thí nghiệm tại nơi xảy ra vụ nổ.

Thử nghiệm hạt nhân số 117

Những vụ “thử nghiệm hạt nhân số 117” được tiến hành vào ngày 11/10/1961. Hôm đó, tín hiệu vô tuyến đã được truyền đi từ bàn điều khiển nằm cách căn hầm thử hạt nhân 5km. Trong khu vực đài chỉ huy cũng có lắp đặt các thiết bị phức tạp, dùng để quan sát và ghi lại địa chấn và sóng điện từ của vụ nổ.

Tín hiệu vô tuyến đã kích hoạt nhiều thiết bị khoa học và dụng cụ đo lường, đồng thời cũng tạo ra vụ nổ của chính đầu đạn hạt nhân. Vụ nổ đủ mạnh để nâng toàn bộ quả núi phía trên tâm chấn lên độ cao 4m. Nó cũng ngay lập tức phá hủy nghiêm trọng những lớp bề mặt đất đá, làm xuất hiện đám mây bụi dày đặc chứa cả những hạt đất đá nhỏ, đồng thời gây ra một vụ lở đá được ghi nhận.

Liên Xô chuẩn bị và tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên dưới lòng đất 60 năm trước như nào? ảnh 3

Mặt đất bị sụt lún sau vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất tại bãi thử Semipalatinsk. Ảnh: voxpopuli.kz.

Điểm tích cực của các cuộc thử nghiệm này là không có sản phẩm phóng xạ nào bị tung lên bề mặt đất, và không phát hiện thấy quả cầu lửa đặc trưng nào của một vụ nổ hạt nhân. Căn hầm do các kỹ sư Liên Xô tạo ra đã chịu được sức công phá của vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất.

Theo lời kể lại của những người chứng kiến vụ thử nghiệm, tại thời điểm xảy ra vụ nổ, ngọn núi đã nhô lên vài mét, nhưng sau đó nhanh chóng trở về trạng thái ban đầu. Đồng thời, ngay cả khi ở khoảng cách khá xa tâm chấn của vụ nổ, người ta vẫn cảm nhận rõ sự rung chuyển mạnh của mặt đất. Sau khi bụi từ vụ nổ lắng xuống, các nhà khoa học và công nhân đã đến khu vực căn hầm. Họ nhanh chóng xác định rằng, toàn bộ khu vực tại căn hầm thử hạt nhân vẫn trong tình trạng tốt. Những chiếc hộp chứa thiết bị khoa học được lắp đặt ở đây vẫn còn nguyên vẹn.

Các nhân viên định lượng làm việc trong căn hầm khẳng định rằng, khu vực thứ ba không bị ô nhiễm phóng xạ. Mãi đến năm 1964, các nhà khoa học mới trực tiếp đi đến tâm chấn vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất đầu tiên của Liên Xô. Để vào được buồng nổ ngổn ngang đất đá đổ sập, người ta đã phải tổ chức tiến hành các công việc khai đào tại đây.

Những vụ thử nghiệm được thực hiện vào tháng 10/1961 được coi là thành công. Đồng thời, chúng mở ra khả năng tiếp tục tiến hành thêm các vụ nổ hạt nhân nữa dưới lòng đất. Sau khi Liên Xô, Mỹ và Anh ký kết thỏa thuận ba bên về việc cấm thử hạt nhân trong khí quyển, dưới nước và trong vũ trụ vào năm 1963, thì các vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất được coi là cách thức quân sự duy nhất để thử nghiệm các loại vũ khí hạt nhân mới.


Link gốc: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/lien-xo-chuan-bi-va-tien-hanh-vu-thu-hat-nhan-dau-tien-duoi-long-dat-60-nam-truoc-nhu-the-nao-674407

Theo Quân đội Nhân dân
MỚI - NÓNG