Chuyên gia quân sự Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam: 'Hãy làm theo tôi!'

0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia tên lửa Liên Xô và bộ đội Việt Nam ở Trại Cau, Thái Nguyên
Các chuyên gia tên lửa Liên Xô và bộ đội Việt Nam ở Trại Cau, Thái Nguyên
TP - Nhiệm vụ chủ yếu của các chuyên gia quân sự là huấn luyện, đào tạo cho bộ đội Việt Nam sử dụng các vũ khí, khí tài Liên Xô viện trợ. Để trong thời gian ngắn nhất bộ đội Việt Nam có thể độc lập tác chiến, các chuyên gia Liên Xô áp dụng cách “Hãy làm theo tôi!”.

Mỗi ngày huấn luyện bay tập 12 giờ

Tháng 4/1966, tại sân bay Nội Bài, các chuyên gia không quân Liên Xô bắt đầu huấn luyện cho bộ đội không quân Việt Nam nắm vững kỹ thuật hàng không và kỹ thuật lái máy bay. Đội ngũ phi công và đội ngũ kỹ thuật viên này từng học tại các trường không quân ở Liên Xô trong khuôn khổ các chương trình đào tạo rút ngắn nên chưa được thực hành. Phụ trách nhóm chuyên gia huấn luyện máy bay MIG-17 là Thiếu tá Manxép còn nhóm chuyên gia về máy bay MIG-21 do Thiếu tá Anchiukhin đứng đầu.Hàng ngày các chuyên gia làm việc 12 giờ và có khi còn nhiều hơn. Ngay cả thời gian nghỉ ngơi họ cũng phải trả lời các câu hỏi hoặc dạy thêm các môn toán, hóa, kỹ thuật điện… cho các học viên. Vì thiếu trầm trọng phiên dịch và một số phiên dịch lại chưa thông thạo thuật ngữ chuyên môn vì thế công tác huấn luyện vô cùng vất vả. Những chuyến hướng dẫn bay tập hàng đêm do hai đội bay Liên Xô thực hiện, đó là các đội bay của Đại úy V. M. Cavêrin và Đại úy V. N. Vaghin. Vì sân bay Nội Bài là mục tiêu bắn phá trọng điểm của không quân Mỹ trong khi máy bay huấn luyện IL-28 lại không được trang bị vũ khí, vận tốc bay cũng chậm nên mỗi chuyến bay tập vô cùng nguy hiểm. Nguy hiểm nhưng vẫn phải luyện tập, thông thường một đêm các phi công Liên Xô đã tìm cách thực hiện xoay vòng được 20 chuyến bay cho các học viên, có đêm còn nhiều hơn. Đầu tháng 5/1966, trong một chuyến bay đêm quanh sân bay do các Đại úy Vlađimia Mikhailôvích Cavarin và Vlađimia Nicôlaiêvích Vaghin bay mẫu, bất ngờ máy bay Mỹ xuất hiện và truy đuổi. Trong tình huống cực kỳ hiểm nguy đó, phi công V.M.Cavarin và V.N.Vaghin đã bình tĩnh hạ cánh thẳng xuống sân bay dù không có các thiết bị định hướng.

Trong 2 năm 1965,1966, các chuyên gia quân sự Liên Xô đã huấn luyện 2 trung đoàn không quân tiêm kích cho QĐND Việt Nam.

Chuyên gia quân sự Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam: 'Hãy làm theo tôi!' ảnh 1

Trận địa tên lửa. Ảnh tư liệu của Chuyên gia Liên Xô

Trực tiếp chiến đấu

Từ năm 1965 đến đầu năm 1968, số lần máy bay Mỹ đánh phá các mục tiêu ở miền Bắc có ngày lên đến hàng nghìn phi vụ. Chỉ tính riêng năm1966 không quân Mỹ đã xuất kích 47.910 lần từ các sân bay ở Thái Lan, Nhật Bản, Hạm đội 7 và đảo Guam thực hiện 6.810 vụ bắn phá vào 5.596 cơ sở ở miền Bắc. Các phi đội máy bay chiến đấu của Mỹ có nhiều loại như F-111A. F-4, F-105, pháo đài bay B52… với các phi công Mỹ có kinh nghiệm tác chiến và phối hợp với nhau rất ăn ý. Nhiều loại máy bay được trang bị tên lửa không đối đất Sraicơ (tiếng Anh là Shirke, ký hiệu AGM-45) uy lực, hệ thống gây nhiễu nên nhiều khi khí tài điều khiển tên lửa X-75 không thể phát hiện ra mục tiêu. Hệ thống tên lửa phòng không SA-75 (còn gọi là SAM) đã tham gia chiến đấu từ năm 1965 nhưng lực lượng còn khá mỏng.

Để cấp bách chống lại đội quân khổng lồ hùng mạnh trên không của Mỹ, tháng 7/1966, Bộ chỉ huy quân đội Liên Xô quyết định thành lập tại thành phố Đusanbe (nay là thủ đô của nước Cộng hòa Tajikistan) một trung đoàn tên lửa phòng không dưới quyền chỉ huy của Đại tá Alếchxây Đmitơriêvích Iarôxlápxép với mục đích sẽ đưa sang Việt Nam. Trung đoàn gồm 4 tiểu đoàn tên lửa, 1 tiểu đoàn kỹ thuật, 1 đài chỉ huy và ban tham mưu. Tất cả các đơn vị được biên chế sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ có trình độ chuyên môn cao. Ngày 17/9/1966, 200 cán bộ chiến sĩ trên 3 máy bay đã hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm. Nhóm còn lại đã bay sang Hà Nội ngày 1/2/1967. Các phương tiện chiến đấu của trung đoàn được chuyển bằng xe lửa qua Trung Quốc. Ngay khi đến Việt Nam, các đơn vị triển khai trong các khu rừng rậm của xã Trại Cau (nay thuộc Thái Nguyên) và cải tổ thành “Trung tâm huấn luyện số 8” huấn luyện về bắn tên lửa SA-75, kỹ thuật và đài chỉ huy cho các đơn vị tên lửa phòng không của QĐND Việt Nam…

Huấn luyện trong điều kiện chiến tranh vô cùng khó khăn, nhưng trong 2 năm 1965,1966, các chuyên gia quân sự Liên Xô đã đào tạo được 10 trung đoàn tên lửa phòng không, 3 trung đoàn kỹ thuật vô tuyến cho quân đội Việt Nam.

Tên lửa phòng không của Liên Xô ra đời vào đầu những năm 1950 (ban đầu có ký hiệu V-750 sau cải tiến đổi thành SA-75) được triển khai nhằm bảo vệ thủ đô Mátxcơva. Vào nửa cuối những năm 1950, Binh chủng tên lửa phòng không của Liên Xô được trang bị bộ khí tài tên lửa X-75, ban đầu khí tài này có 6 cabin sau cải tiến thành 3 cabin. Bộ khí tài này vô cùng quan trọng, có vai trò xác định tọa độ mục tiêu, kết nối tín hiệu với “bộ não” điện tử FR-15, nằm trong thân tên lửa có nhiệm vụ dẫn đường cho tên lửa bắn trúng mục tiêu. Đầu đạn một quả tên lửa SA-75 nặng 196 kg được nhồi chất nổ hecsogen. Thành phần nguyên liệu lỏng có những chất cực kỳ dễ phát nổ. Trong các quả tên lửa sử dụng khí nén áp suất tới 350 át-mốt-phe. Có máy phát điện riêng với hiệu điện thế rất cao cung cấp điện cho các trạm điều khiển. Vì kỹ thuật tên lửa của bộ đội Việt Nam khi đó bằng 0 nên việc huấn luyện rất vất vả, chỉ cần thao tác không đúng qui trình tên lửa có thể sẽ phát nổ ngay trên bệ phóng. Nạp nguyên liệu là công việc khó khăn nhất. Chiến sĩ này phải mặc quần áo bảo vệ 2 lớp, bên trong là dạ bên ngoài bằng cao su, phải đi ủng và đeo găng tay cao su, đeo mặt nạ phòng độc, đầu đội mũ cao su che kín mặt. Chiễn sĩ nạp nhiên liệu phải thao tác bằng dụng cụ trong khoảng 40 phút và sau 1 lần nạp nhiên liệu sẽ sụt khoảng 1kg thịt. Huấn luyện radar dẫn đường khi tên lửa rời bệ phóng hay tìm mục tiêu trong điều kiện màn hình vô tuyến bị máy bay Mỹ gây nhiễu càng khó khăn hơn.

Vì huấn luyện theo kiểu cầm tay chỉ việc nên giai đoạn đầu bộ đội tên lửa Việt Nam chưa thể tự thao tác, điều khiển nên khi máy bay Mỹ oanh tạc, các chuyên gia Liên Xô phải vào các vị trí, trực tiếp chiến đấu. Trong hồi ký, Thượng úy Viachépxlap Anđrêêvích Manxốp kể, tháng 5/1965, anh đang ở trong ca bin điều khiển chữ U huấn luyện cho bộ đội Việt Nam thì bất ngờ máy bay Mỹ xuất hiện trên trận địa. Anh vừa dò tìm mục tiêu trên màn hình vừa chỉ bảo cho học viên thì máy bay Mỹ bắn tên lửa Sraicơ khiến các học viên hy sinh nhưng Manxốp may mắn thoát chết. Ngày 24/10/1967, khi các chuyên gia đang huấn luyện cho tiểu đoàn tên lửa phòng không thứ nhất thuộc trung đoàn 274 thì máy bay Mỹ ập đến buộc các chuyên gia phải chiến đấu. Rất nhanh chóng Trung tá Êphimencô ngồi ngay vào vị trí chỉ huy, Thượng úy A. A. Pôsnhép vào vị trí điều khiển tên lửa, vận hành thiết bị bám sát mục tiêu bằng tay là các binh sĩ Iu. M. Bêdukhốp, M. Iu. Ivansích, N. G. Pêrêpêlixa và trắc thủ theo dõi bản đồ hỏa lực là binh nhất Tikhônốp đã cùng với bộ đội Việt Nam bắn rơi 1 máy bay F-4…

MỚI - NÓNG