Nhà thơ C.M.Ximônốp |
Khu chuyên gia Kim Liên và “góc đỏ”
Tháng 4/1965 các chuyên gia quân sự Liên Xô sang Việt Nam được bố trí ở đây nên người Hà Nội không gọi là khách sạn mà gọi là Khu chuyên gia Kim Liên. Nhưng ở đây chỉ có các chuyên gia làm việc tại Hà Nội. Tùy theo cấp bậc, chức vụ có phòng 2 người, có phòng 3 người. Trong phòng có những chiếc giường gỗ thô sơ, 2 chiếc ghế và 2 tủ con ở đầu giường. Để tiết kiệm tiền các chuyên gia không thuê nhân viên khách sạn giặt mà họ tự giặt lấy.Hạ sĩ quan và chiến sĩ ở ngay tại đơn vị họ công tác. Nhưng ở khách sạn Kim Liên còn có các chuyên gia quân sự trong khối Vác-sa-va và Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Có một sự khác biệt là các chuyên gia quân sự Triều Tiên lúc nào cũng mặc đồng phục màu đen, đeo huy hiệu hình Kim Nhật Thành trên ve áo. Sáng nào họ cũng xếp hàng tập thể dục dưới sự chỉ huy của người đứng đầu. Sau khi ăn sáng tại nhà ăn lớn họ lên xe tỏa đi các nơi làm việc.
Khách sạn Kim Liên cũng là chỗ ở của các sĩ quan đóng quân ở các tỉnh khi về Hà Nội họp hành, nghỉ ngơi và chuyên gia hết nhiệm kỳ chờ về nước. Trong hồi ký, bà Liubov Rosllakova chuyên gia quân sự sang Việt Nam tháng 3/1967 kể rằng, lúc vào phòng bà ngạc nhiên vì thấy 4 góc giường có 4 cọc sắt bên trên có “rèm”. Chuyến bay từ Liên Xô sang Nội Bài kéo dài mười mấy tiếng khiến bà bã người nên thiếp đi, sáng hôm sau tỉnh dậy soi gương bà không nhận ra mình vì các nốt muỗi đốt đầy mặt. Hỏi nhân viên bà mới biết 4 cái cọc sắt đó để mắc màn còn cái “rèm” là cái màn ngăn muỗi. Côn trùng và muỗi xứ nhiệt đới là nỗi kinh hoàng với người dân da trắng xứ lạnh.
Đại tá Cônacốp Víchto Iacốplêvích sang Việt Nam tháng 10/1971 viết trong hồi ký: “Tôi và đồng chí phó của tôi được bố trí trong một phòng đôi. Không có màn thì không thể ngủ được. Những con muỗi dữ tợn như lũ chó. Chúng tôi lên giường, vào trong màn và dùng đèn pin soi kỹ, giắt màn cẩn thận xuống đệm, ít phút sau cảm nhận thấy có vài con muỗi đã bằng cách nào đó lọt được vào trong màn. Buộc phải thức dậy, bật đèn pin và tìm kiếm, rồi giết những con vật ghê tởm ấy. Mỗi đêm phải mất vài lần như vậy”. Trên tường khách sạn có người treo ảnh vợ con, có người chép thơ do họ sáng tác bằng bút chì. Tối tối vẫn có vài ba người ngồi uống rượu vốt-ca thì thầm chuyện chiến tranh Việt Nam, tin tức nước Liên Xô.
Năm 1966, Mỹ đánh bom Hà Nội nhưng khách sạn chỉ có các hầm trú ẩn cá nhân. Cũng trong hồi ký bà Liubov Rosllakova kể, khi có báo động máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, bà nhảy xuống hầm song nó quá bé với bà nên bà đành chạy vào trong nhà. Hầm luôn có nước dù nhân viên khách sạn dùng xô tát hàng ngày. Không khí trong hố cá nhân chật hẹp oi bức ngột ngạt nên họ chơi bài cùn “Muốn đến đâu thì đến, biết đâu mọi chuyện sẽ ổn”.
Vì tất cả các sĩ quan Liên Xô đều là đảng viên Đảng cộng sản nên ngoài công việc chuyên môn họ vẫn phải thường xuyên sinh hoạt chi bộ, có khi sinh hoạt ngay sau trận đánh. Và khi có hội nghị quán triệt nghị quyết của Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô, phổ biến tình hình thế giới, tình hình Liên Xô thì thường diễn ra tại khách sạn Kim Liên.
Vào những dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của Liên Xô như quốc khánh, ngày thành lập lực lượng vũ trang, nhà ăn lớn của khách sạn trở thành nơi tổ chức và không bao giờ thiếu các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn. Có tiết mục đồng ca tới gần 100 chuyên gia tham gia với các giai điệu Nga, các bài hát Việt Nam và không bao giờ thiếu bài “Lê Nin sống mãi”. Trong bữa tiệc không thể thiếu những chai vốt-ca “Lúa Mới”, bánh mì đen, trứng cá muối… Và trong lễ kỷ niệm đó bao giờ cũng có đại sứ Liên Xô L.X Sécbacốp tới dự, ông rất thích nghe dàn đồng ca và không bỏ qua một tiết mục nào. Ở khách sạn này có một căn phòng gọi là “Góc Lê Nin” trong đó các báo, tạp chí, và lúc nào cũng đầy đủ các số của tạp chí “Người cộng sản”, “Đảng viên cộng sản trong các lực lượng vũ trang”. Trong phòng còn có máy chiếu phim do Liên Xô sản xuất, các chuyên gia không gọi là “Góc Lê Nin” mà gọi là “Góc đỏ”.
C.M.Ximônốp và Épghênhi Éptusencô đọc thơ
Cuối tháng 12/1970, nhà thơ được nhân dân Liên Xô yêu mến là Cônxtantin Mikhailôvích Ximônốp sang Việt Nam. Nhiều bài của ông được dịch sang tiếng Việt và bài “Đợi anh về” có trong sổ tay của nhiều thanh niên thời đó. Trong chuyến công tác ông đã đến nhiều nơi ở miền Bắc, vào thị xã Đồng Hới của tỉnh Quảng Bình. Ông có các cuộc gặp gỡ với các chuyên gia quân sự Liên Xô đang công tác tại Việt Nam.
Nhà thơ E. Éptusencô |
Thiếu tướng Blagôđêrốp Antôli Vaxiliêvích sang Việt Nam ngày 28/8/1970 làm Trưởng nhóm chuyên gia tại Trường kỹ thuật quân sự Phòng không-Không quân của QĐND Việt Nam ở Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ kể rằng, ngày 20/12/1970 C.M. Ximônốp đã đến thăm trường. Trong khoảng 2 giờ liền ông kể về hoạt động sáng tác, về những khó khăn, trở ngại mà ông gặp phải trên đường đời. Ông đã nói nhiều và sôi nổi về chiến tranh, về tình đồng đội trong quân ngũ, về Tổ quốc và lòng trung thành với nghĩa vụ, về những nỗi niềm của mình sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô. Ông đã chia sẻ về những dự định văn chương của mình. Ông nói rằng đã thôi làm thơ. Sau buổi chuyện trò hết sức lý thú, bổ ích và thú vị với nhà văn Ximônốp, chúng tôi đã tổ chức bữa liên hoan ăn trưa để chào mừng ông. Trên bàn có rượu cô nhắc thượng hạng của xứ Ácmênia.
Trong thời gian ngắn ngủi có mặt tại Việt Nam, E. Éptusencô đã viết được một số bài thơ trong đó có bài “Bánh mì đen”. Ông ví chuyên gia quân sự như bánh mì đen-một đặc sản quí của Liên Xô và dù quí nhưng vẫn trao tặng cho Việt Nam.
Khi mọi người ngồi vào bàn C.M.Ximônốp chỉ trông thấy các chai rượu cô nhắc, ông liền hỏi: “Vậy ở chỗ các đồng chí không có rượu vốtca?”. Một người phục vụ vội lấy vốtca và ông uống rất hồ hởi.Trong bữa liên hoan, các chuyên gia kể về cuộc sống, về khó khăn, gian khổ, về chiến đấu ở Việt Nam cho nhà thơ nghe. Rồi ông trả lời câu hỏi: “Trong số những bài thơ của ông bài thơ nào được yêu mến nhất, bài nào nghiêm túc nhất và bài nào không nghiêm túc nhất?”.Và C.M.Ximônốp trả lời: “Bài thơ được yêu mến nhất là bài “Đợi anh về”, bài nghiêm túc nhất là bài thơ “Aliôsa, anh còn nhớ chăng những con đường về Xmôlenxcơ”, bài thơ không nghiêm túc nhất là bài “Truyện cổ tích về thành phố Prôpôixcơ”.
Ngày 22/12, C.M.Ximônốp có cuộc gặp gỡ với các chuyên gia quân sự ở khách sạn Kim Liên.
Cuối năm 1971 nhà thơ lừng danh Liên Xô Épghênhi Éptusencô có chuyến công tác sang Việt Nam. Ông cũng đã có buổi đến đại bản doanh của các chuyên gia quân sự Liên Xô. Trong hồi ký, Đại tá Cônacốp Víchto Iacốplêvích đã viết: “Cuộc gặp mặt này đã để lại ấn tượng lớn và có tác động tình cảm mạnh mẽ đối với các chuyên gia. Nhà thơ E. Éptusencô rất hào hứng đọc các bài thơ của mình. Ông đã kể về những sự truy bức mà ông đã phải gánh chịu vì những phát biểu chân thành, về những trở ngại trong việc in ấn những bài thơ của ông”...