Chuyên gia quân sự Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam: Những hiểu lầm và một cuộc thí nghiệm

0:00 / 0:00
0:00
Máy bay F-4 của không quân Mỹ
Máy bay F-4 của không quân Mỹ
TP - Lúc 12 giờ 30 phút ngày 14/12/1967, hai đợt máy bay đánh vào Hà Nội. Lúc 13 giờ 15 phút máy bay Mỹ lại xuất hiện đánh bom cầu Long Biên. Một thông báo gây náo động cho các chuyên gia quân sự Liên Xô và các đơn vị tên lửa là ngày 15/12, Trung đoàn 236 (Trung đoàn Hà Nội) đã phóng 8 quả nhưng tất cả đều mất điều khiển, rơi ngay sau khi phóng.

Nghi ngại

Ngày 16/12/1967, Trung tá Vinh, Phó kỹ sư trưởng Binh chủng tên lửa phòng không Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã thông báo với Trung tướng Vôrôbiép Mác Ivannôvích, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam là các đơn vị đã phóng 29 quả tên lửa nhưng chỉ tiêu diệt được 2 chiếc máy bay, 11 quả bị mất điều khiển rơi ngay sau khi phóng. Trước đó chiều ngày 15/12, trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 đã nói với Đại tá N. I. Cunbacốp, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại trung đoàn rằng: “Liên Xô đã cung cấp cho chúng tôi những tên lửa xấu. Chỉ có như vậy thôi”. Thậm chí ngày 17/12 Trung đoàn phó Trung đoàn 236, một sĩ quan am hiểu về kỹ thuật cũng nói với Đại tá Gôncharốp: “Các đồng chí cho chúng tôi những tên lửa cũ, quá thời hạn sử dụng. Các tên lửa này được đưa tới từ Ba Lan, Tiệp Khắc, Đức, được sơn lại ở trong kho tại thành phố Iếccút và chuyển sang đây cho chúng tôi”.

Chuyên gia quân sự Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam: Những hiểu lầm và một cuộc thí nghiệm  ảnh 1

Các chuyên gia chụp ảnh tại công viên Lenin (nay là công viên Thống Nhất, Hà Nội)

Đại tá Gônchacốp đã nói với V.M. Ivannôvích: “Họ còn bóc được sơn từ một số quả tên lửa, như họ nói, dưới lớp sơn còn thấy cả các khuôn trổ cũ, nhưng họ không chỉ cho chúng tôi”. Lúc đó Anatôli Mikhailôvích Elixêép, Phó tổng công trình sư của phòng thiết kế đặc biệt thuộc Nhà máy kỹ thuật vô tuyến điện Mátxcơva, Épghênhi Vaxilêvích Épxicốp, đại diện quân sự của phòng thiết kế đặc biệt, Vlađimia Alếchxêêvích Rưbin, Tổng công trình sư của Nhà máy tên lửa “Avangarđ” đang có mặt ở Việt Nam đã cùng với các chuyên gia ở các trung đoàn tiến hành phân tích khẩn cấp các lần tên lửa bị rơi sau khi phóng và đi đến kết luận, nguyên nhân là do bị nhiễu vô tuyến điện đối với kênh điều khiển tên lửa. Thế nhưng kết luận này cũng không làm cán bộ chiến sĩ ở các đơn vị tên lửa Việt Nam yên tâm.

Sở dĩ người Mỹ có thể chế tạo được thiết bị gây nhiễu vô tuyến điện đánh vào kênh tên lửa là do họ đã nghiên cứu kỹ bộ khí tài tên lửa X-75.

Cấp tốc thí nghiệm

Trong hồi ký, Trung tướng V.M. Ivannôvích, sang Việt Nam từ năm 1967 đến năm 1969 kể rằng, đây là vấn đề rất lớn nên ông đã tổ chức một đoàn gồm chuyên gia Liên Xô và Việt Nam do Đại tá N. I. Cunbacốp phụ trách để làm rõ việc này. Cùng với việc lập tổ điều tra hỗn hợp, V.M. Ivannôvích đã báo cáo với Đại sứ L. X. Sécbacốp về sự cố. Được sự đồng ý của đại sứ, ông có cuộc trao đổi thẳng thắn với Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam về những ý kiến liên quan đến việc Liên Xô đưa sang Việt Nam những “tên lửa xấu” và đề nghị cho được gặp gấp.

Ngày 21/12/1967, Đại tá Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam mời V.M. Ivannôvích đến gặp. Trong buổi làm việc V.M. Ivannôvích đề nghị chuyển giao cho đoàn chuyên gia máy gây nhiễu thu được khi máy bay Mỹ bị bắn rơi gần nhất; hỏi thêm phi công Mỹ bị bắt sống và dùng một bộ khí tài làm các thí nghiệm khi không quân Mỹ đánh phá.

Trong lời đáp, Đại tá Phùng Thế Tài nói rằng: “Việc sản xuất tên lửa có thể chưa chất lượng, bảo quản chưa tốt, kiểm tra chưa đúng, chưa đầy đủ, sai sót của các kíp trắc thủ…và cũng có thể do nhiễu vô tuyến điện. Vì vậy, không nên vội vã kết luận mà phải nghiên cứu vấn đề này một cách toàn diện và sâu sắc”. Trong hồi ký V.M. Ivannôvích kể lại: “Tôi đã nói với đồng chí Phùng Thế Tài là cần phải làm gấp, nếu không các bộ khí tài tên lửa sẽ bị nhiễu “bóp chết” và tôi tiếp tục đề nghị phải dùng một bộ khí tài để làm các thí nghiệm và khai thác thêm phi công tù binh”. Về việc nghi ngờ chất lượng sản xuất tên lửa hoặc tăng thêm thời gian bảo quản tên lửa, V.M.Ivannôvích nhất quyết loại trừ. Ông cho rằng điều đó “không thể xảy ra”, bởi “trong cùng một lúc, không phải ở một bộ khí tài mà ở một số bộ khí tài tới 20 quả tên lửa bị rơi theo một kiểu”. V.M.Ivannôvích cũng khẳng định, ở Liên Xô, việc bảo quản tên lửa đúng theo các tiêu chuẩn, có nạp sẵn nhiên liệu trong 10 năm, rồi sau đó mới đưa ra thử nghiệm tại trường bắn. Ông nói thêm, cũng có xảy ra những trục trặc cá biệt, nhưng tính chất của sự trục trặc đó khác nhau, nhưng ở đây chỉ có một tính chất đồng nhất.

Theo yêu cầu của V.M. Ivannôvích, Đại tá Phùng Thế Tài đã chỉ thị cho cấp dưới hỏi cung các phi công tù binh. Về việc dùng một bộ khí tài để làm thí nghiệm, Đại tá Phùng Thế Tài chia sẻ: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu vấn đề này, sẽ trao đổi và trả lời sau”. Như đã hứa lấy khẩu cung của các phi công tù binh, 16 giờ ngày hôm sau (22/12), Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam lại mời V.M. Ivannôvích đến cơ quan và trợ lý của Đại tá Phùng Thế Tài báo cáo kết quả lấy khẩu cung 4 phi công bị bắn rơi trong những ngày gần đây. Các phi công này không hề giữ bí mật, họ khai khá tỉ mỉ về các thiết bị gây nhiễu được đặt trên máy bay, về các bản hướng dẫn cho phi công chiến thuật tác chiến trong các vùng sát thương của tên lửa, rồi vẽ lại đồ thị phương hướng của thiết bị gây nhiễu. Nhưng một trong những thông tin quan trọng nhất viên phi công Mỹ khai là đã nhận được thông báo, cuối tháng 11, đầu tháng 12 người Mỹ sẽ đặt lên các máy bay máy gây nhiễu mới “chống lại việc phát hiện và chống lại tên lửa khi nó đang bay”.

Ngày 24/12/1967, Tư lệnh binh chủng tên lửa phòng không của QĐND Việt Nam thông báo đã tiếp thu tất cả các đề nghị và dành một bộ khí tài để làm các thí nghiệm. Ngay trong trận đánh phá đầu tiên của máy bay Mỹ đã xác định được có nhiễu “chống tên lửa khi nó đang bay”. Lúc đầu các kíp trắc thủ được hướng dẫn những thao tác trong điều kiện có nhiễu, sau đó đại diện của các tổ thiết kế, các chuyên gia đã linh hoạt giải quyết nhiệm vụ “trung lập hóa” sự tác động của nhiễu bằng cách điều chỉnh một cách thích hợp thiết bị trong đài điều khiển và tên lửa. Sở dĩ người Mỹ có thể chế tạo được thiết bị gây nhiễu vô tuyến điện đánh vào kênh tên lửa là do họ đã nghiên cứu kỹ bộ khí tài tên lửa X-75. Các chuyên gia kết luận, nguyên nhân là do bị nhiễu vô tuyến điện đối với kênh điều khiển tên lửa

Nhưng để chống lại nhiễu của không quân Mỹ hiệu quả hơn, ngày 8/6/1968, chiếc tàu biển Pôrônaixcơ đã đưa một nhóm các chuyên gia quân sự Liên Xô cập cảng Hải Phòng. Họ là các chuyên gia về kỹ thuật radar, có nhiệm vụ đưa ra những biện pháp nâng cao hiệu quả của các bộ khí tài X-75 trong điều kiện không quân Mỹ sử dụng các biện pháp gây nhiễu vô tuyến điện tử và các tên lửa chống radar kiểu Sraicơ. Nhờ sự hợp tác của các đơn vị, các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đã thu thập được những dữ liệu quan trọng từ thực tế để trên cơ sở đó đưa ra những khuyến cáo nhà sản xuất nhằm tăng khả năng của các bộ khí tài chống lại các thủ đoạn gây nhiễu xét về phương diện chiến thuật, cũng như về phương diện kỹ thuật. Ngoài ra còn đề ra những biện pháp bảo vệ các tổ hợp tên lửa chống lại các tên lửa chống radar. (Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.