Thứ Ba (12/12), đợt rút quân đầu tiên của lực lượng Nga tại Syria đã được tiến hành, một ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin ra mệnh lệnh.
Động thái nhanh gọn của Nga đẩy sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào sự hiện diện của Mỹ tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá. Theo báo cáo hàng quý của Trung tâm Dữ liệu Nhân lực Quốc phòng, Mỹ có 1.720 lính ở Syria, gấp 3 lần so với báo cáo trước đó.
Được biết, ngay sau yêu cầu rút quân của ông Putin, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Eric Pahon tuyên bố, các hành động của Nga không ảnh hưởng đến những ưu tiên tại Syria của chính quyền Washington.
Trong khi Mỹ kiên quyết bám trụ tại quốc gia Trung Đông này, giới chuyên gia lại có những nhận định không mấy tích cực về quyết định này.
Gia tăng nguy cơ xung đột
“Việc tìm cách duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ tiếp tục làm tăng nguy cơ va chạm với người Nga. Nguy cơ này mang lại rủi ro vượt xa mọi lợi ích mà Mỹ có thể nhận được”, Sputnik dẫn lời ông Jim Jatras, cựu cố vấn về chính sách đối ngoại của các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ.
Theo ông Jatras, sự thất bại của khủng bố IS mang đến cho chính quyền của Tổng thống Donald Trump cơ hội chấm dứt sự hiện diện quân sự tốn kém và có khả năng gây xung đột tại Syria của Mỹ. Chưa kể, sự hiện diện này không có bất kỳ sự lý giải hợp lý nào theo pháp luật quốc tế.
Vị cựu cố vấn chỉ ra, trong khi ông Trump luôn cam kết sử dụng sức mạnh quân sự để tiêu diệt IS, ông lại luôn mập mờ về việc giữ quân đội ở Syria để hỗ trợ phe nổi dậy chiến đấu chống chính quyền Damascus.
Trên thực tế, trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, liên minh do Mỹ lãnh đạo lựa chọn ủng hộ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) của người Kurd. Khi cuộc chiến dần đi vào hồi kết, Mỹ lựa chọn từ bỏ một số nhóm nổi dậy, nhưng vẫn duy trì sự ủng hộ với người Kurd.
Nhưng, lực lượng này lại dần cho thấy sự yếu thế khi ngày càng bị cô lập bởi quân đội chính phủ, cũng như sự phản đối từ các nước láng giềng, đại diện là Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Không có gì đảm bảo rằng, lực lượng này sẽ tiếp tục nhận sự hậu thuẫn từ Mỹ, mà không quay sang đàm phán với Syria và Nga, Jatras nhận định.
Mỹ thiếu chính sách thực tế hậu IS
Paolo von Schirach, Chủ tịch Viện Chính sách Toàn cầu kiêm giáo sư các vấn đề quốc tế tại Đại học Quốc tế BAU (Mỹ), nhận định, chính phủ Mỹ vẫn thiếu chính sách thực tế về cách đối phó với Syria sau khi khủng bố IS thất bại.
Theo vị cựu cố vấn Liên minh châu Âu (EU), đây là bất lợi lớn cho Mỹ. Tầm ảnh hưởng của Mỹ chỉ giới hạn ở đông bắc Syria, nơi tập trung đồng minh của họ - lực lượng người Kurd, nhưng lại không giúp ích gì cho các vấn đề xảy ra ở Damascus.
Trong khi đó, Assad phục hồi sức mạnh với sự ủng hộ vững chắc từ Nga, và việc khả năng cao vị lãnh đạo Syria có thể tồn tại lâu hơn ông Trump trên chiếc ghế quyền lực, như cách mà ông này bám trụ qua hai thời Tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama.
Ông Schirach kết luận, Trump và chính quyền của ông cần phải thừa nhận thực tế rằng họ thiếu quyền lực quân sự trực tiếp, cũng như tầm ảnh hưởng ngoại giao để tạo áp lực đáng kể đến cuộc xung đột Syria.
Tạp chí New Yorker ngày 11/12 dẫn lời các quan chức cho biết, chính quyền Trump sẽ chấp nhận các quyết định của Tổng thống Syria Bashar Assad cho đến cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2021.
Một ngày sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố, Mỹ vẫn cam kết với tiến trình hòa bình Geneva, nhưng tin rằng tương lai của Syria sẽ không bao gồm Tổng thống Bashar Assad.