Chuyển đổi số trong doanh nghiệp - Cơ hội và thách thức

0:00 / 0:00
0:00
Hiện nay, ở Việt Nam, chuyển đổi số đã diễn ra trong hầu hết các loại hình doanh nghiệp và ở nhiều cấp độ khác nhau, nhất là trong những ngành như tài chính, y tế, giáo dục, du lịch... Tuy nhiên, việc chuyển đối số trong một số doanh nghiệp vẫn diễn ra chậm và gặp không ít thách thức, đòi hỏi cần có sự nhận thức, đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp, cũng như sự đồng hành của Chính phủ trong việc hoàn thiện khung pháp lý, tạo cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số.

Vậy, thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt hiện nay như thế nào? Đâu là giải pháp để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công và hiệu quả? Những phân tích, chia sẻ của Ông Lê Văn Khương - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV phía Bắc, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.

Trước tiên, xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Có thể thấy việc chuyển đổi số đang trở thành một xu hướng tất yếu, vậy chuyển đổi số có ý nghĩa, tác động như thế nào đối với hoạt động cũng như sự thành công của doanh nghiệp? Ông có thể phân tích bằng những minh chứng cụ thể để độc giả hiểu rõ hơn?

Ông Lê Văn Khương:

Nghiên cứu về chuyển đổi số của IBM năm 2021 cho thấy, 87% doanh nghiệp thành công thu hút được số lượng khách hàng tiềm năng kỷ lục; 92% doanh nghiệp đã ghi nhận hiệu suất lao động được nâng cao; 85% không còn gặp trở ngại trong việc giữ chân khách hàng so với trước đây. Nhiều khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường cũng chỉ ra rằng, chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh…

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp - Cơ hội và thách thức ảnh 1

Có thể nói, lợi ích chuyển đổi số mang lại cho các doanh nghiệp rất khác nhau, nhưng có thể kể đến những lợi ích điển hình như mở rộng tập khách hàng và thị trường tiềm năng, gia tăng trải nghiệm khách hàng, sáng tạo sản phẩm mới phù hợp hơn với nhu cầu khách hàng, tối ưu hóa chi phí vận hành doanh nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, ra quyết định chính xác nhanh chóng... Nếu hiểu đúng bản chất của chuyển đổi số, là việc chuyển đổi mô hình kinh doanh một cách toàn diện, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp. Với ý nghĩa này, chuyển đổi số sẽ mang lại khả năng thành công cao hơn cho doanh nghiệp từ việc tạo ra những lợi thế cạnh tranh mới trong kinh doanh, tạo ra thêm giá trị mới cho doanh nghiệp để đáp ứng những kỳ vọng thay đổi của thị trường.

Tôi lấy ví dụ, việc sử dụng dữ liệu từ chuyển đổi số mang lại giúp các nhà quản lý doanh nghiệp ra quyết định (data-driven decision making) nhanh và chính xác hơn là dựa vào trực giác hay cảm tính đơn thuần hoặc sử dụng dữ liệu phân tích nhu cầu tiềm ẩn, hành vi của khách hàng trong tương lai, gia tăng trải nghiệm khách hàng... Theo tôi, đây là một trong những lợi ích lớn từ chuyển đổi số mang lại, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu và nhận thức được và là lợi thế cạnh tranh lớn so với mô hình doanh nghiệp truyền thống.

Như chia sẻ của ông, các doanh đã quan tâm đến chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và đạt được nhiều thành công, tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp vẫn còn những khó khăn, thách thức. Vậy, đó là những khó khăn thách thức gì, thưa ông?

Ông Lê Văn Khương:

Thứ nhất, chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ số (chiếm 60,10%): đây là đầu tư để thay đổi, từ nhận thức, chiến lược, nhân lực, giải pháp công nghệ..., đòi hỏi các khoản đầu tư lớn đối với các doanh nghiệp có hạn chế về tài chính. Bên cạnh đó, còn phát sinh cả chi phí thay đổi quy trình, đào tạo nhân sự để thích ứng với quy trình mới… Các doanh nghiệp thường phân bổ không đủ ngân sách cho quá trình chuyển đổi, gây cản trở việc chuyển đổi số ở thời điểm hiện tại và cả trong tương lai.

Thứ hai, thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh của doanh nghiệp (chiếm 52,30%): Chuyển đổi số cần bắt đầu từ sự thay đổi tư duy của người lãnh đạo, thay đổi từ chiến lược, tư duy kinh doanh truyền thống sang tư duy kinh doanh công nghệ số. Đây là vấn đề không hề đơn giản đối với đa số doanh nghiệp, gây nhiều áp lực cho quản trị của doanh nghiệp, thậm chí rủi ro cho mô hình kinh doanh hiện tại.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp - Cơ hội và thách thức ảnh 2

Thứ ba, thiếu nguồn nhân lực nội bộ ứng dụng công nghệ số (chiếm 52,30%): Chuyển đổi số cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ năng lực làm chủ công nghệ mới, phục vụ triển khai chuyển đổi số hiệu quả. Rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm, thu hút các nhân viên, kỹ sư có trình độ chuyên môn cho quá trình chuyển đổi số.

Ngoài ra, còn có một số khó khăn đối với các doanh nghiệp như thiếu thông tin về công nghệ số (chiếm 40,40%), việc tích hợp các giải pháp công nghệ trong doanh nghiệp (chiếm 38,50%), thiếu cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp (chiếm 32,10%), hiểu biết của người lao động (26,60%), lo sợ rò rỉ thông tin của doanh nghiệp/cá nhân (chiếm 23,40%)...

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp - Cơ hội và thách thức ảnh 3

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số hiện đang là xu hướng tất yếu, là vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp. Vậy, Ông có khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp trong việc tận dụng cơ hội của chuyển đổi số để đẩy nhanh quá trình này trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Lê Văn Khương:

Khó có khuyến nghị nào tốt nhất, mà theo tôi đó là “sự phù hợp” với mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải xuất phát từ chính nhu cầu, mục tiêu kinh doanh và điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Về khía cạnh đầu tư, doanh nghiệp hãy đặt câu hỏi rằng, chuyển đổi số tạo ra bao nhiều tiền? mang lại lợi ích gì? Với doanh nghiệp, doanh thu và lợi nhuận luôn nằm trong số những vấn đề cần quan tâm. Chuyển đổi số chỉ thành công nếu tạo ra thêm doanh thu, tạo ra thêm lợi nhuận và xa hơn nữa là tạo ra không gian phát triển mới cho doanh nghiệp.

Chìa khóa cho một chiến lược chuyển đổi số thành công chính là nhờ các nguồn lực hỗ trợ. Hãy tìm các chuyên gia về chuyển đổi số có hiểu biết sâu sắc, cung cấp cho doanh nghiệp các tư vấn về công cụ và quy trình kỹ thuật số phù hợp với chính doanh nghiệp của mình. Hiện nay, nhiều bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, dự án tổ chức quốc tế tại Việt Nam, tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn và giải pháp chuyển đổi số... đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số. Trong đó, phải kể đến chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (doanh nghiệp có thể tìm hiểu tại địa chỉ: https://digital.business.gov.vn) với sự tài trợ của USAID (dự án IPSC, LinkSME...) đang cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Đáng lưu ý là các doanh nghiệp có thể tham khảo tài liệu sổ tay hướng dẫn chuyển đổi số, đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu để doanh nghiệp lựa chọn các công nghệ giải pháp chuyển đổi số, tìm kiếm các chuyên gia tư vấn chuyển đổi số phù hợp, đăng ký các gói hỗ trợ chuyển đổi số, xây dựng chiến lược, lộ trình chuyển đổi số... Đây là nguồn tài nguyên khá hữu ích cho các doanh nghiệp tham khảo để định hình chiến lược chuyển đổi số trong thời gian tới.

Xin cảm ơn Ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG