Chuyện cậu bé sáu năm đeo ống thở

Huy và bố mẹ trong niềm hạnh phúc vô biên vì khỏi bệnh
Huy và bố mẹ trong niềm hạnh phúc vô biên vì khỏi bệnh
TP - Căn bệnh hẹp khí quản bẩm sinh khiến Phan Thế Huy phải đeo ống thở ở cổ từ năm hai tuổi. Dịp Tết vừa qua là những ngày hạnh phúc nhất với cậu bé Huy tám tuổi và gia đình khi được các bác sĩ chữa khỏi bệnh.

> Đổi đời sau 6 năm sống bằng ống thở

Huy và bố mẹ trong niềm hạnh phúc vô biên vì khỏi bệnh
Huy và bố mẹ trong niềm hạnh phúc vô biên vì khỏi bệnh.

Những tháng năm không lời

Chị Tạ Thị Miền (thôn Phú Thiện, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), mẹ bé Huy cho biết, năm 2 tuổi khi bị bệnh hẹp khí quản bẩm sinh gia đình đã đưa Huy đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi bệnh.

Nghe tin ở TPHCM có thể chữa được bệnh cho con, chị lại đưa con vào đó. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) đã cắt bỏ ống thanh quản bị hẹp rồi đặt ống thở ngay dưới cổ. Cũng từ đó, Huy không thể nói cười thành tiếng như trước nữa.

Chưa hết, trong năm đầu tiên Huy được gắn ống thở, cứ chừng một tháng, chị Miền mẹ của Huy lại phải đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị, vì chỗ đeo ống thở bị nhiễm trùng.

Hằng ngày, chứng kiến cảnh con trai phải chịu những bất tiện và nỗi đau bệnh tật, chị Miền nhẫn nại đưa con đi tìm thầy giỏi chữa trị mong con có được cuộc sống bình thường như chúng bạn. Nhưng tất cả bác sĩ khi thấy tình cảnh của Huy đều lắc đầu chịu thua.

Đi đâu Huy cũng kề kề cái ống thở ở cổ. Bởi nếu không có nó, Huy sẽ rơi vào cơn khó thở, vì cậu bé không thể thở bằng mũi. Huy cũng không thể trò chuyện được với mọi người, khi dây thanh quản đã bị liệt. Muốn nói gì đó với bố mẹ, Huy lại gắng hết sức, nhưng chỉ phát ra được những âm thanh không ai hiểu nổi.

Vì thế, khi muốn mọi người hiểu mình, Huy chỉ có thể gật hoặc lắc đầu để ra hiệu. Những năm đầu mới đeo ống thở, nhiều phen chị Miền hốt hoảng khi thấy con trai giật tung ống thở ra khỏi cổ vì khó chịu. Những lần đó, nếu không đi bệnh viện tỉnh cấp cứu kịp thời, Huy không còn sống đến ngày hôm nay.

Việc vệ sinh ống thở mỗi ngày là rất quan trọng đối với sự sống của cậu bé, nếu không đờm dãi, nước bọt sẽ dồn ứ, chặn đường thở. Trong nhà chỉ có chị Miền mới đủ sự khéo léo để làm vệ sinh cho con trai. Cuộc sống gia đình khó khăn chồng chất, khi món nợ sau những lần đưa con đi khắp nơi tìm thầy thuốc chữa bệnh tăng dần, đè nặng lên vai hai vợ chồng trẻ.

Nhưng chị Miền không thể tiếp tục đi làm thuê được bởi phải ở nhà săn sóc từng li, từng tí cho cậu con bệnh tật.

Chị Miền nhớ lại những ngày tháng gian truân đã qua, suốt 6 năm khi đứa con trai đầu lòng mắc bệnh, đêm nào chị cũng chỉ ngủ được 15 đến 20 phút. Giấc ngủ của Huy rất khó nhọc, tiếng thở rít trong đêm của Huy khiến người mẹ phải thức để canh chừng những cơn khó thở.

Những lo âu và tình thương con giăng mắc trong lòng chị Miền. Năm nào Huy cũng phải đi bệnh viện 4 hoặc 5 lần do viêm phổi, nhất là khi trời trở lạnh. Vất vả nhất là những lần tắm gội cho Huy, làm sao để nước không rơi vào ống thở, nếu không cậu bé sẽ chết.

Chị Miền bảo Huy không có sức khoẻ nhưng là đứa bé thông minh, dù không nói được nhưng chị nhận thấy trong ánh mắt con trai khát khao được chơi với bạn, được cắp sách tới trường. Huy không thể tham gia các trò chơi với bạn, vì chỉ cần sơ ý đùa nghịch, cậu bé có thể bị lên cơn đau và khó thở gây tím tái cả người.

Chưa kể nếu không may nô đùa làm vấy bẩn ống thở sẽ gây nhiễm trùng đường thở, khi đó mạng sống của Huy còn khó giữ hơn. Biết con thích học, khi đủ 6 tuổi, bố mẹ Huy đăng ký cho con trai vào lớp 1 gần nhà. Hiểu rõ bệnh của Huy nên cô giáo không bao giờ gọi Huy phát biểu ý kiến.

Cô chỉ kiểm tra kiến thức Huy làm trong vở bài tập. Vốn là cậu bé thông minh nên Huy tiếp thu và làm bài tập rất tốt. Vì thế, 2 năm đi học, Huy đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Biết chữ rồi, việc giao tiếp với mọi người cũng đỡ gian nan hơn. Muốn diễn đạt ý của mình, Huy lại lấy giấy bút viết ra điều mình muốn nói.

Vợ chồng chị Miền, anh Ban làm nông nghiệp với vài sào ruộng, lại gánh nặng vay mượn cho con chữa bệnh từng ấy năm, kinh tế nhà chị ngày càng cạn. Gia đình chị được xếp vào diện hộ nghèo. Huy là con trai đầu của anh chị, dù cháu ngoan và chịu khó học như thế, nhưng cả anh lẫn chị vẫn đau đáu nỗi đau và cả nỗi lo.

Vì thế, dù đã có 2 con trai, hai vợ chồng quyết định sinh thêm một cháu bé nữa. Mỗi lần đưa Huy đi chữa bệnh, hai vợ chồng chị lại để 2 đứa con nhỏ cho ông bà chăm với nỗi xót xa: Khổ cả anh lẫn em.

Câu nói “Con yêu mẹ” sau 2.000 ngày im lặng

Huy đã có thể cười nói trở lại
Huy đã có thể cười nói trở lại.

Đến một ngày cuối năm 2011, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư vô tình biết về tình trạng của Huy. Phòng Công tác xã hội của bệnh viện đã đón cậu bé ra Hà Nội chữa bệnh. Nhận được cuộc điện thoại của bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư thông báo có thể chữa khỏi bệnh cho Huy, chị Miền bảo, chị như không tin vào tai mình, vì đi khắp nơi người ta đều nói bệnh tình của con chị đã hết cách chữa.

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết, sau khi khám sàng lọc và hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật mở khí quản, ghép sụn tự thân để phục hồi ống thanh quản cho bệnh nhi đặc biệt này. GS Liêm cho hay, năm nào bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị hẹp khí quản bẩm sinh, nhưng các cháu đều đến điều trị khi còn nhỏ nên dễ chữa.

Riêng trường hợp của Huy rất đặc biệt, vì độ dài đường thanh quản hẹp lớn, vết sẹo do quá trình xơ hóa lâu ngày rất dày. Do đó, để điều trị cho Huy, lần đầu tiên tại bệnh viện, các bác sĩ đã phải sử dụng tới 2 đoạn sụn sườn để ghép làm khí quản cho cậu bé.

Nửa tháng sau ca mổ đặc biệt, cả bác sĩ và gia đình bé Huy đều không ít lần lặng người khi thấy Huy có biểu hiện ngưng thở. Thời gian ấy, vợ chồng chị Miền chỉ có thể được nhìn thấy con trai qua cửa kính, bởi cậu bé phải sống trong môi trường vô trùng tuyệt đối với dây dợ, máy móc quanh người.

Ngày Huy được đưa ra phòng hậu phẫu, để ổn định sức khoẻ, chị Miền lại bật khóc. Nhưng lần này là những giọt nước mắt mừng vui, hạnh phúc, bởi bao lo lắng về mạng sống của con đã lui về phía sau.

Giờ đây, Huy có thể nói được tròn vành rõ chữ những câu nói ngắn. Nhìn cậu bé nhỏ nhắn hơn so với tuổi lên 8, có đôi mắt thông minh đang miệt mài tập nói để phục hồi dây thanh quản, tôi thấy trên gương mặt chị Miền niềm hạnh phúc tràn bờ.

Vẫn theo thói quen của 6 năm dùng ngôn ngữ cử chỉ, khi tôi hỏi chuyện, Huy lại gật và lắc. Chị Miền nạt yêu cậu con trai: “Nào Huy, con nói được rồi cơ mà”. Cậu bé cười bẽn lẽn rồi trả lời câu hỏi của người đối diện. Quay sang mẹ, Huy khẽ khàng nói: “Con yêu mẹ”.

Giọng nói trẻ thơ vang lên sau hơn 2.000 ngày im lặng, mọi người trong phòng bệnh vui lây niềm vui của hai mẹ con Huy. Chị Miền cười tươi mà những giọt nước mắt lăn dài trên má…

Giờ đây, Huy đã được các bác sĩ cho xuất viện trở về nhà. Từ nay, Huy sẽ bắt đầu một cuộc đời mới với những trò chơi bên chúng bạn, có thể hát ca và nói những lời yêu thương với cha mẹ, người thân…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.