Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu kết luận hội nghị. |
Hội nghị tổ chức theo thể thức vừa trực tuyến, vừa trực tiếp với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan, Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố và 19 đơn vị báo chí tham gia chương trình.
Đồng chí Hầu A Lềnh – Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, và các Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh (Ủy ban Dân tộc), Phạm Anh Tuấn (Bộ TT&TT) chủ trì hội nghị.
Sau báo cáo tổng kết của Ủy ban Dân tộc, đại diện của nhiều Ban Dân tộc các tỉnh, thành đã phát biểu khẳng định tính thiết thực và hiệu quả của chương trình cấp phát báo, đánh giá cao chất lượng của chương trình.
Các đại biểu cũng đồng thời chỉ ra một số nhược điểm như việc vận chuyển các ấn phẩm đến đối tượng thụ hưởng chưa kịp thời; một bộ phận bài vở chưa phù hợp với đối tượng bạn đọc là đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa như bài còn dài, chữ còn nhỏ, ít tranh ảnh minh hoạ.
Tất cả các đại biểu đều mong muốn chương trình được tiếp tục.
Chủ toạ hội nghị, từ trái qua: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh; Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn. |
Một số cơ quan báo chí tham gia chương trình cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục chương trình, quyết tâm cải tiến nâng cao chất lượng ấn phẩm, đồng thời đề nghị có những điều chỉnh về đảm bảo kinh phí phù hợp với biến động của giá giấy, vật tư in v.v...
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn phân tích khá sâu các ưu, nhược điểm của chương trình và khẳng định tới đây, cần rà soát đánh giá chất lượng của các ấn phẩm tham gia chương trình; chỉ đặt hàng tiếp, tăng số lượng cho các ấn phẩm có chất lượng cao, được bà con ưa thích, đọc nhiều; giảm số lượng, thậm chí cắt các ấn phẩm chất lượng thấp.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, những thành tựu nổi bật của chương trình trong 3 năm qua, đó là việc phối hợp ban hành đồng bộ các quy định, tiêu chí để chương trình triển khai, đưa các ấn phẩm phong phú đến đồng bào đối tượng đích; thanh, kiểm tra để chương trình thực hiện nghiêm túc, có chất lượng.
Kết quả nổi bật nhất là thấy rõ việc đồng bào nắm vững hơn chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các kiến thức áp dụng vào sản xuất và đời sống, dẫn đến thay đổi nhận thức, hành vi theo hướng tích cực một cách rõ nét.
Đây là hiệu quả vừa hữu hình vừa vô hình khó có thể đo đếm hết. Bên cạnh đó là một số nhược điểm.
Hội nghị nghe Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Lề trình bày báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chỉ đạo cần đánh giá khách quan, sát thực tế nhất để đưa ra những giải pháp, biện pháp thực hiện chương trình tốt hơn trong thời gian tới.
Trong tình hình hiện nay, đồng bào vùng đối tượng đích của chương trình còn gặp rất nhiều khó khăn, báo in còn có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để sử dụng báo in hiệu quả nhất. Quan trọng nhất là nâng cao chất lượng cả về hình thức và nội dung, đưa những nội dung người dân cần, lắng nghe ý kiến của địa phương để biết đồng bào cần gì, để sản xuất tin bài đảm bảo thời sự và phù hợp với đối tượng.
Cần đưa tin bài có trọng tâm, trọng điểm, chính xác nhất, ngắn gọn nhất nhưng không sa vào khô khan. Muốn vậy, bên cạnh tính chủ động của các cơ quan báo chí, các cơ quan chỉ đạo, quản lý cần tăng cường định hướng, đặt hàng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh các cơ quan tham gia thực hiện chương trình cần tăng cường phối hợp, cần phối hợp với cả các cơ quan chủ quản các báo. Ngoài ra, cần tổ chức thật tốt khâu đưa báo chí đến với đồng bào sao cho kịp thời, đầy đủ.
Các báo, tạp chí thực hiện Quyết định 45/QĐ-TTg đã bám sát và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và của Ủy ban Dân tộc; thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin đầy đủ, kịp thời về các sự kiện quan trọng, những vấn đề được bạn đọc quan tâm. Trên 1.100 tin, bài tập trung tuyên truyền thành công của Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; trên 10.000 tin, bài tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tuyên truyền về cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; tuyên truyền Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020; tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền những nội dung khác liên quan đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc…