Tài liệu của chương trình mang tên Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) cho biết chương trình này muốn phân phối khoảng 1 tỷ bộ xét nghiệm COVID-19 cho các nước nghèo, mua thuốc để điều trị cho 120 triệu bệnh nhân trên toàn cầu trong 12 tháng tới.
Kế hoạch này nêu ra cách WHO sẽ tập hợp nguồn cung thuốc và thiết bị xét nghiệm với giá rẻ sau khi đã thua các nước giàu trong cuộc đua vắc-xin, khiến nhiều nước nghèo trên thế giới bị thiệt thòi.
Một phát ngôn viên của ACT-A cho biết, tài liệu đề ngày 13/10 mới chỉ là bản thảo đang được tham vấn, vì thế từ chối bình luận về nội dung trước khi được hoàn tất. Tài liệu sẽ được gửi tới các lãnh đạo thế giới trước hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome (Ý) vào cuối tháng này.
ACT-A đề nghị G20 và các nhà tài trợ khác tài trợ 22,8 tỷ USD từ nay đến tháng 9/2022 để mua và phân phối vắc-xin, thuốc và dụng cụ xét nghiệm cho nước nghèo và thu hẹp khoảng cách về phân phối giữa các nước giàu với các nước nghèo. Các nhà tài trợ đến nay đã cam kết dành 18,5 tỷ USD cho chương trình.
Kiến nghị tài chính được đưa ra dựa trên ước tính về giá thuốc và dụng cụ xét nghiệm, cộng thêm những chi phí khác như chi phí phân phối.
Dù không nêu tên thuốc molnupiravir, nhưng tài liệu của ACT-A đề cập tới việc sẽ trả 10USD/liều cho “các loại thuốc kháng virus qua đường uống dành cho những bệnh nhân thể nhẹ và trung bình”.
ACT-A đang đàm phán với Merck và các hãng sản xuất thuốc tương đương khác để mua.
Mức giá đó là rất thấp so với mức 700USD/liều mà Mỹ đã đồng ý trả để mua 1,7 triệu liều của Merck.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của ĐH Havard ước tính mỗi liều molnupiravir tốn khoảng 20USD nếu được các hãng sản xuất thuốc làm ra, nhưng giá có thể xuống tới 7,7USD nếu tối ưu hoá sản xuất.
Merck đã ký thoả thuận nhượng quyền với 7 hãng dược Ấn Độ để sản xuất thuốc tương đương.
Tài liệu của ACT-A nói rằng chương trình này đặt mục tiêu ký thoả thuận vào cuối tháng 11 để bảo đảm nguồn cung “một loại thuốc uống dành cho điều trị ngoại trú”, để có thể sẵn sàng cung cấp từ quý 1 năm sau.