Chung tay vì biển đảo quê hương

TP - "Từ ngày nghe tin Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của mình, tôi ăn ngủ không yên nên muốn góp chút sức mọn của mình gửi đến các anh cảnh sát biển" , anh Nguyễn Văn Phúc, làm việc tại cửa hàng sửa xe trên đường Phạm Hùng, phường 5, quận 8, TPHCM chia sẻ với PV Tiền Phong.

Vận động dòng họ

Biết tin có chương trình vận động quyên góp ủng hộ các chiến sĩ đang ngày đêm bám biển, bảo vệ Tổ quốc, anh Phúc liền vận động người trong dòng họ quyên góp được gần 80 triệu đồng ủng hộ các chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam. Thêm vào đó, anh quyết định trích tiền từ tiệm sửa xe của mình ủng hộ thêm mỗi tháng 2 triệu đồng. "Số tiền tuy nhỏ nhưng mình quyên góp bằng cả tấm lòng gửi đến các anh. Tôi sẽ ủng hộ các chiến sĩ từ nay đến khi không còn khả năng làm ra tiền nữa mới thôi", anh Phúc nói.

Để kêu gọi mọi người cùng tham gia ủng hộ các chiến sĩ, anh Phúc làm một tấm biển dựng trước tiệm sửa xe để ai đi qua cũng nhìn thấy và hi vọng ngày càng có nhiều người làm giống mình. "Tôi nghĩ một mình làm thì không đáng bao nhiêu nhưng nếu cả xã hội cùng góp sức, mỗi người một ít, nhiều người góp lại sẽ thành một khối lớn để các anh giảm đi một phần lo lắng, có thêm chi phí sửa chữa tàu thuyền bị đâm, mua sắm các thiết bị mới".

Lấy tiền học phí ủng hộ

Tuy mới 10 tuổi nhưng khi nghe người lớn nói chuyện biển Đông, bé Châu Mỹ Tâm (học sinh lớp 4, trường tiểu học Mê Linh, quận 3, TPHCM) đã nghĩ đến chuyện góp sức. Được người quen cho 3 triệu đồng để đóng học phí, bé Tâm xin bố mẹ mang toàn bộ số tiền ủng hộ chương trình Hướng về biển Đông, bên ngoài bao thư em ghi dòng chữ màu đỏ "Kính gởi các chú cảnh sát biển...". Tâm sinh ra trong gia đình có ba chị em, bố làm nghề chở hàng thuê, mẹ ở nhà nội trợ.

Câu chuyện biển Đông luôn là chủ đề nóng của bà con tiểu thương ở chợ An Đông, TPHCM. "Nghe biển Đông dậy sóng mà lòng mình nôn nao lắm, muốn góp một chút gì đó cho các anh ở ngoài khơi xa", chị Vân Trang, tiểu thương ở chợ An Đông nói. Chị đã cùng các tiểu thương trong chợ góp được 15 triệu đồng ủng hộ các lực lượng làm nhiệm vụ ở ngoài biển. Chưa dừng lại ở đó, chị Trang còn tiếp tục vận động bạn bè và nhóm của chị quyên góp thêm được gần 103 triệu đồng.

Nhận xét về nhiệt huyết của người dân, PGS.TS Hà Minh Hồng, nguyên trưởng khoa Lịch sử, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM nói: "Đó chính là lòng yêu nước, là tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết của dân tộc ta. Tinh thần này lúc nào cũng thường trực, có sẵn trong mạch máu của mỗi người Việt Nam”.

GS Vũ Gia Hiền, giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hoá Du lịch đánh giá: "Lòng yêu nước của những con người bình dị ấy không chỉ tác động đến toàn thể người dân trong nước mà cả bạn bè trên thế giới, tạo nên một làn sóng đấu tranh cho chính nghĩa, hòa bình và toàn vẹn dân tộc".

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.