Chung một mái nhà

Chung một mái nhà
TP - Nhiều vẻ đẹp, nhiều trang phục độc đáo, cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2007 ngày càng hấp dẫn chính bởi sự đa dạng về quốc tịch của các thí sinh. Sự gặp gỡ của những tâm hồn Việt từ bốn phương trời đã tạo nên một vẻ đẹp mang nhiều xúc cảm nguồn cội.
Chung một mái nhà ảnh 1
Từ trái qua phải  Nguyễn Bình Phương (Mỹ), Natalia Trần (LB Nga), Chu Vân Anh (Hà Nội), Teresa Sam (Anh) và Võ Thị Lệ Thu (Cần Thơ). Ảnh : Hồng Vĩnh

Ngẫu nhiên mà gặp, thử mời một cô gái miền Bắc, một cô gái phương Nam, một vẻ đẹp Đông Âu, một phong cách Tây Âu và một gương mặt đến từ châu Mỹ chụp chung bức ảnh giữa cảnh sắc Vinpearl- Nha Trang, khoảnh khắc chung một mái nhà thật là đáng nhớ.

Võ Thị Lệ Thu - vẻ dịu dàng Tây Đô trong “Thế giới Việt”

Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về. Nhìn Lệ Thu, rõ ràng thấy xứ gạo trắng nước trong này đã quá ưu ái cô gái Kiên Giang: Da trắng mịn, eo thon, chân dài. Lệ Thu cũng là người có chiều cao thứ nhì tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt với số đo: 1,73m, nặng 51 kg, 78- 61- 88 (đứng sau Bùi Thị Hiên với chiều cao 1,75m).

Chung một mái nhà ảnh 2
Võ Thị Lệ Thu

Sinh ra trong một gia đình làm nghề nông ở huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), nhà có tới hơn 20 công ruộng, nhưng ba hầu như không bắt 2 cô con gái phải chân lấm tay bùn, việc nặng mình ba và anh Hai gánh hết. Mẹ cũng chỉ ở nhà lo việc bếp núc.

Chính vì thấu hiểu nỗi cực nhọc trên từng thửa ruộng nên ba mong muốn Lệ Thu phải học giỏi, sau này làm việc gì hợp sức con gái. Thu vẫn nhớ cái ngày người ta gửi giấy về thông báo cô trượt ĐH, ba buồn không ngủ được, nhưng rồi xét nguyện vọng 2 lại đỗ Khoa Luật của ĐH Cần Thơ, ba mừng khôn tả, đưa con gái lên tận trường nhập học.

Chung một mái nhà ảnh 3

3 năm sống ở Cần Thơ, Lệ Thu yêu mảnh đất này từ khi nào không hay, cứ học bài xong cô thường rủ bạn bè ra bến Ninh Kiều mua đậu phộng, trái cây, vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả: “Em muốn sau này tìm việc làm ở Cần Thơ. Cuộc sống thanh bình, yên ả ở đây hợp với em hơn là sự ồn ào của Sài Gòn. Cứ mỗi lần lên Sài Gòn thăm ngoại, về lại Cần Thơ em có cảm giác mừng như được về nhà”.

Chung một mái nhà ảnh 4

ảnh: Hồng Vĩnh

Được đến Nha Trang lần này cũng là một dịp “mở rộng tầm mắt”, Thu kể: “Các bạn thí sinh từ nước ngoài về thật hoạt bát, vui vẻ, đúng là cơ hội để em tiếp xúc và học được nhiều điều. Ấn tượng nhất về Nha Trang là biển đẹp”. Trò chuyện với các bạn ở nước ngoài về, Thu khen Bình Phương dễ thương. Tối 2/8 vừa qua, Thu đăng quang Hoa hậu Hậu Giang 2007 cũng là lúc chị Hai sinh cháu trai, anh Hai nói vui: “Nhờ chị Hai sanh mà em đậu Hoa hậu đó”. Cũng ngày mùng 2 của một tháng sau, 2/9 - đêm chung kết Hoa hậu Thế giới người Việt sắp tới gần, biết đâu đứa cháu trai sinh đúng năm Heo Vàng lại tiếp tục đem lại vận "hên" cho dì?

Natalia Trần - Mong bắc nhịp cầu Nga - Việt

Chung một mái nhà ảnh 5
Natalia Trần

Tiếng Nga thì khỏi phải bàn, nhưng khả năng giao tiếp tiếng Việt rất tốt của Natalia Trần khiến nhiều phóng viên ngỡ ngàng, rồi cảm mến. Cùng với Nguyễn Hoài Milena, Natalia Trần mang nét đẹp pha trộn Á- Âu, vẻ đẹp lạ của họ lập tức thu hút nhiều ống kính phóng viên.

Natalia Trần có tên Việt là Trần Thị Nga, vừa đoạt danh hiệu Hoa hậu người Việt tại SNG. Những ngày tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt tại Vinpearl (Nha Trang), mẹ của Natalia là bà Tatiana luôn theo sát con gái để chăm sóc và nhắc nhở cách đi đứng sao cho khoan thai, đẹp mắt. Bố của Natalia (quê ở Nam Định) bận việc kinh doanh ở Nga không về được nhưng ngày nào cũng gọi điện động viên con gái.

Natalia kể mẹ cô mở một công ty có tên gọi thoạt tưởng Nga nhưng hóa ra rất Việt Nam: Công ty Sapa.  Gia đình cô thường xuyên dùng món ăn Việt: “Cứ hai ngày ăn món Nga là cả nhà lại thèm cơm”. Bà Tatiana nấu món Việt rất ngon, bà phân tích: “Món ăn Việt rất tốt cho sức khỏe, không bị béo”.

Hôm thi Hoa hậu Ảnh, Natalia diện áo dài trắng, tóc xõa ngang vai trông thật rực rỡ, nhưng trong các giải phụ, cô lại hy vọng nhất cuộc thi Hoa hậu Du lịch vì “Em chuẩn bị rất kỹ cho phần thi này”. Đi tìm bộ trang phục dân tộc Nga bây giờ cũng không dễ dàng vì kích cỡ thường rộng, không hợp vóc người Natalia. Mất mấy ngày săn lùng, cuối cùng cô mua được một bộ may theo kích cỡ của diễn viên múa, chiếc váy Natalia gọi là sarafan, chiếc mũ thì gọi kokoshnik.

Ngoài trang phục dân tộc Nga rực rỡ, Natalia còn mang theo chiếc ấm Samova: “Người Nga rất thích uống trà, có thể ngồi 3- 4 tiếng đồng hồ để trò chuyện bên ấm trà Samova nóng. Họ rót trà vào cốc, nhưng khi uống lại đổ ra đĩa nhỏ cho bớt nóng rồi thưởng thức kèm những viên kẹo hoặc mứt hoa quả. Ở Việt Nam mọi người thường uống trà với kẹo lạc phải không, em cũng thích kẹo lạc”.

Những ngày ở Nha Trang, các thí sinh trong và ngoài nước được Natalia “đãi” một bài hát gợi cho các phóng viên từng học ở Nga nhiều cảm xúc: Chiều Matxcơva. Có tác phẩm văn học Việt nào Natalia yêu thích không? Natalia cười: “Có nhiều ngữ nghĩa trong văn chương Việt em chưa thể lĩnh hội hết”. Thế còn tác phẩm của Nga? “Dĩ nhiên hầu như ai cũng đọc Lev Tolstoi, em rất thích Anna Karenina. Em cũng đọc Dostoevsky, thoạt đầu rất khó vào, nhưng rồi càng đọc càng thú vị…”.

Sau cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt, Natalia dự định về Hà Nội để học tiếng Việt khoảng 10 tháng tại ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Trở thành một phiên dịch tiếng Việt và tiếng Nga dĩ nhiên là khả năng trong tầm tay của Natalia Trần. Với nghề này, Natalia sẽ có nhiều cơ hội được làm việc cả ở hai quê hương: Việt Nam và Nga. 

Chu Vân Anh: Cố gắng hết sức để có mặt ở Vinpearl

Chung một mái nhà ảnh 6
Chu Vân Anh

Cô gái này đã quá nổi tiếng trong giới người mẫu Hà Nội. Năm 2003, cô từng thi Hoa hậu Liên lục địa ở Malaysia, lọt Top Ten và giành giải Người mặc trang phục dạ hội đẹp nhất.  Lý do Vân Anh tham gia Hoa hậu Thế giới người Việt lần này: “Tôi muốn đánh dấu lần đầu mình tham dự cuộc thi sắc đẹp mang tầm cỡ quốc tế tại VN. Cùng với cuộc Hoa hậu Liên lục địa, tôi muốn có hai sự kiện quan trọng trong sự nghiệp của mình”.

Vân Anh thừa nhận Hoa hậu Thế giới người Việt mang tính chất quốc tế nên để được góp mặt trong vòng chung kết cũng phải nỗ lực hơn, nhiều thử thách hơn. Vậy tính chất quốc tế ấy có làm Vân Anh lo lắng không? “Nếu lo lắng tôi đã không tham dự. Tôi xác định tinh thần trước khi đi: Tham gia để được học hỏi, có thêm nhiều bạn bè. Điều tôi lo lắng nhất khi đến đây là thời gian vừa qua sức khỏe của tôi không được tốt. Và rồi tôi đã cố gắng hết sức để có mặt tại Vinpearl cho nên may mắn có đến với mình hay không tôi cũng đều hài lòng”.

Hiện Vân Anh là nhân viên marketing cho một công ty chuyên tổ chức sự kiện, cô cho rằng việc này rất hợp với mình. 25 tuổi, chững chạc nhất trong các thí sinh dự thi, hỏi Vân Anh tự thấy lợi thế và bất lợi gì, cô mỉm cười: “Các thí sinh gọi tôi là chị già, cũng có người xưng chị với tôi, đến khi biết tuổi thì tròn mắt ngạc nhiên. Đó là những kỷ niệm vui. Trong cuộc sống, cái gì cũng có hai mặt, được và mất. Điều bất lợi của tôi là không trẻ trung như các bạn, nhưng tôi lại trưởng thành hơn”. Vậy Vân Anh thích vẻ đẹp của ai trong số 37 thí sinh? “Tôi bao giờ cũng đòi hỏi sự hoàn mỹ. Dĩ nhiên mỗi người một vẻ, tôi thích nét đẹp Hà Nội ở Ngô Phương Lan, còn gương mặt Teresa Sam gây nhiều thiện cảm”.

Teresa Sam: Muốn về cống hiến cho quê hương

Chung một mái nhà ảnh 7
Teresa Sam

Mẹ của Teresa kể rằng sức khỏe của Teresa không được tốt, chuyến từ Anh trở về quê hương dự thi Hoa hậu Thế giới người Việt bà hơi lo, chẳng biết con có quen với khí hậu, múi giờ thay đổi không. Giờ đây hỏi Teresa đã quen Vinpearl chưa, cô cười: “Tôi đã thích nghi với cuộc sống ở vùng biển dễ thương này. Thực sự lúc đầu tôi không nghĩ để tham gia cuộc thi này phải cần nhiều sức khỏe đến thế. Những buổi trước, chưa quen khí hậu lắm nên tôi thấy hơi buồn. Giờ tôi cảm thấy khỏe hơn, tự tin hơn, có nhiều bạn bè hơn”.

Chưa bao giờ xa nhà lâu như thế này nên Teresa rất nhớ bố mẹ, ngày nào cô cũng gọi điện về nhà. Hiện bố mẹ và em trai của Teresa đã tới Nha Trang để động viên con gái. Teresa đang học chuyên ngành Tâm lý năm thứ 3, cô tâm sự: “Từ nhỏ tôi đã thích trở thành cô giáo và muốn tìm hiểu về tâm lý con người”.

Khi trò chuyện cùng Hoa hậu người Việt tại Anh, lúc nào cũng cảm nhận từ cô sự chân thành, trong sáng. “Trông Teresa có vẻ yếu đuối, mong manh, lẽ ra học Tâm lý phải mạnh bạo hơn mới phải?”, cô không đồng ý với nhận định này: “Ngành học Tâm lý đang giúp tôi tự tin hơn đấy chứ. Tôi được học nhiều về ngoại giao, marketing, vô cùng thú vị. Đêm chung kết 2/9, các bạn sẽ thấy Teresa không hề yếu đuối chút nào”.

Mẹ của Teresa quê gốc ở Uông Bí (Quảng Ninh), chưa được về đây nhưng Teresa nghe mẹ kể nhiều về vịnh Hạ Long. Tất nhiên nhân chuyến về VN lần này cô sẽ được cùng bố mẹ và em trai về thăm Quảng Ninh. Nếu trở thành Hoa hậu Thế giới người Việt, Teresa sẽ làm gì? “Tôi sẽ đi cùng mẹ về nước làm từ thiện và tôi cũng muốn sau này làm việc tại quê hương VN”.

Nguyễn Bình Phương: Ước mơ đẹp từ đôi tay khéo

Chung một mái nhà ảnh 8
Nguyễn Bình Phương

Hai thí sinh đến muộn nhất chính là Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Cao Thu Vân (Mỹ). Nước da trắng, gương mặt trái xoan có nhiều nét “lai” của Bình Phương bổ sung cho sự phong phú về nhan sắc tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt.

Nguyễn Bình Phương đang theo học ngành Y năm thứ tư, lý do đơn giản: “Em muốn giúp đỡ người khác”. Chuyên ngành của cô là phẫu thuật thẩm mỹ, mong muốn sau này trở về Việt Nam để giúp đỡ những trẻ em là nạn nhân của chất độc da cam: “Em đã về Việt Nam tổng cộng 7 lần, rất thích những vùng đất mình từng qua như Vũng Tàu, núi Bà Đen, Hạ Long, Nha Trang, Hà Nội, Tây Ninh, Sài Gòn… Nếu ba mẹ bận không về cùng thì hai chị em tự rủ nhau về”. Phương kể các cô, dì ở Việt Nam thường xuyên gửi sách tiếng Việt sang Mỹ cho các cháu học, ông bà nội cũng tích cực rèn cặp. Ra ngoài học thì thôi chứ cứ về nhà bố mẹ lại muốn các con nói chuyện bằng tiếng Việt.

Từ khi đăng quang Hoa hậu áo dài tại Dallas, Bình Phương tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng người Việt tại Mỹ như tổ chức hội chợ Tết Việt Nam và Mỹ, xin học bổng cho những học sinh giỏi gặp hoàn cảnh khó khăn…

Những ngày ở Nha Trang này, Bình Phương có dịp kết bạn với nhiều thí sinh đến từ Anh, Đức, Nga…, trò chuyện ríu ran, hòa đồng ngay lập tức. Tâm sự của Bình Phương: “Nếu có nhiều tiền, em sẽ dùng để giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Thủ Đức (TPHCM) và Huế, đây là quê ngoại và quê nội của em. Em biết tin trận lụt vừa qua đã gây nhiều thiệt hại cho người dân ở Huế”.

MỚI - NÓNG
Tác phẩm dự thi Vẽ bìa Quyển sách tôi yêu của em Phan Phương Linh, lớp 11K, THPT chuyên Long An
Một thoáng tranh luận về 'dâm thư' của Ocean Vương
TP - Gần đây các vị phụ huynh đã chịu khó đọc cùng con hơn. Thể hiện qua vụ bài thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh được đưa vào sách giáo khoa bị chê hồi tháng 10/2023. Và mới đây là "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" bị một phụ huynh có con học trường quốc tế ở TPHCM cho là “dâm thư”.
Học sinh bậc THPT thường gặp nhiều khó khăn, áp lựcẢnh: PV
Học sinh bối rối chọn ngành nghề
TP - Học sinh THPT ở độ tuổi nhạy cảm, dễ tổn thương và gặp khó khăn khi định hướng nghề nghiệp cũng như chịu nhiều áp lực từ học tập, thi cử. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chưa được phát hiện và hỗ trợ tư vấn, điều trị kịp thời.