Sao Diêm Vương, hành tinh lùn cách Mặt Trời 4,8 tỷ km, từng va chạm với một sao chổi khổng lồ trong quá khứ, theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature hôm 16/11.
Bên dưới bề mặt băng đá và và nitơ đông lạnh của nó chứa một đại dương nước lỏng trộn lẫn với rượu, amoniac và nhiều hóa chất chống đông khác.
Các nhà khoa học đưa ra kết luận trên qua xem xét hình ảnh sao Diêm Vương gửi về từ tàu vũ trụ New Horizons của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), sau khi tàu thăm dò này tiếp cận sao Diêm Vương vào tháng 7/2015.
Kết quả cho thấy sao Diêm Vương có một khu vực lòng chảo hình trái tim rộng 841.000 km2 gọi là Sputnik Planitia, chứa băng nitơ và vô số vết nứt. Khu vực này có thể đã hình thành sau khi một sao chổi đâm vào bề mặt sao Diêm Vương cách đây khoảng 4 tỷ năm.
Phân tích máy tính về quỹ đạo, đặc điểm của sao Diêm Vương cũng như sự tương tác của hành tinh lùn này với mặt trăng Charon chỉ ra có rất nhiều vật chất tại khu vực Sputnik Planitia.
"Lòng chảo này là một lỗ hỗng lớn hình elip nên trọng lượng dư thừa phải nằm ẩn giấu ở đâu đó bên dưới bề mặt. Sự tồn tại của một đại dương là cách tự nhiên để có được điều đó", Francis Nimmo, đồng tác giả nghiên cứu tại Đại học California, Santa Cruz, Mỹ, cho biết.
Steven Vance, nhà sinh vật và địa vật lý tại NASA, đồng tình với kết luận sao Diêm Vương có một đại dương nước lỏng khổng lồ bên dưới bề mặt. Vance cho rằng nhiệt độ đại dương phải rất lạnh do chứa nhiều amoniac.
"Đại dương trên sao Diêm Vương có thể chứa cồn (methanol, ethanol) hydrocarbon (methane, ethane), và các phân tử phức tạp hơn được tạo thành từ nguyên tố cacbon, nitơ, hydro và oxy", Vance nói.