Chứng khoán tuần mới: Chưa rũ bỏ được cơn buồn ngủ

Chứng khoán tuần mới: Chưa rũ bỏ được cơn buồn ngủ
Thị trường đang rơi vào xu hướng đóng băng cục bộ? Liệu một vài phiên có khối lượng giao dịch thấp kỷ lục trong tuần trước có phải là "điềm báo" cho sự chuyển giai đoạn của thị trường sang thời kỳ "ngủ đông" kéo dài?

Chứng khoán tuần mới: Chưa rũ bỏ được cơn buồn ngủ

> Cổ phiếu 'vua' đã hấp dẫn?
> Cạnh tranh môi giới và hiện tượng GBVS

Thị trường đang rơi vào xu hướng đóng băng cục bộ? Liệu một vài phiên có khối lượng giao dịch thấp kỷ lục trong tuần trước có phải là "điềm báo" cho sự chuyển giai đoạn của thị trường sang thời kỳ "ngủ đông" kéo dài?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Quốc hội vẫn chưa đồng ý miễn hoàn toàn thuế thu nhập cá nhân đối với nhà đầu tư chứng khoán - đó là thông tin không mấy tích cực đối với thị trường, cho dù trước đó việc Bộ Tài chính trình phương án thuế đã được nhiều nhà đầu tư hy vọng sẽ tạo ra một bước chuyển mình đối với thị trường đang quá buồn ngủ này.

Chiều hướng tăng lại của CPI càng làm cho nhà đầu tư thất vọng hơn.

Trong tuần trước, một bộ phận nhà đầu tư đã phải chuyển về trạng thái tâm lý trông đợi vào sự tăng điểm của TTCK Mỹ, ít ra cũng như một sự nâng đỡ về tinh thần. Tuy vậy, có vẻ như các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn chưa thật sự ổn định, còn những phiên tăng điểm chỉ mang tính phục hồi kỹ thuật. Dù trần nợ có được nâng lên đến trên 14.000 tỷ USD, nhưng đó chỉ đơn thuần là động tác làm dịu bớt khó khăn cho nền kinh tế Mỹ chứ không thực sự là một liều thuốc kích thích kinh tế.

Mặt khác, không phải cả Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ đều có chung một quan điểm đối với việc nâng trần nợ và xử lý nợ công của Mỹ. Sự việc này cũng có tính hai mặt như vụ việc gói tài trợ của Cộng đồng châu Âu cho nền kinh tế Hy Lạp.

Trong quá khứ, nhiều lần người ta đã chứng kiến sau khi động thái kích thích kinh tế được tung ra, TTCK đã có một số phiên phục hồi đáng kể. Nhưng cũng sau đó, thị trường lại quay trở về điểm xuất phát, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào sự phục hồi kinh tế là không bền vững.

Niềm tin trong TTCK Mỹ càng trở nên khó có cơ sở khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chưa tỏ rõ ý định về việc tung ra một Chương trình nới lỏng định lượng (QE3) nữa hay không. Bởi thế, đồ thị dao động lên xuống khá thất thường của chứng khoán Mỹ trong thời gian gần đây đã chỉ chứng tỏ khả năng tốt nhất là đi ngang, trong khi giá vàng thế giới đã bất thần lập những mốc đỉnh mới.

Hiện nay, TTCK Việt Nam đang trong tình trạng không những thiếu bền vững mà còn khá vô vọng. Tính từ đỉnh phục hồi tạm thời vào giữa tháng 6-2011, đến nay thị trường đã trải qua hơn 5 tuần lễ và dường như đang lặp lại chu kỳ kéo ngang vào tháng 4-2011. Quá trình đi ngang này gây buồn ngủ trên nhiều phương diện và cũng có thể được kết thúc bằng một cú lao dốc thẳng đứng.

Nhà đầu tư cũng đang quen dần với những phiên giao dịch buồn ngủ, niềm tin của họ giảm sút trông thấy khi những phiên bất ngờ tăng điểm của thị trường cũng không cuốn hút được lực cầu nhiệt tình tham gia. Quá nhiều bài học đã được nhà đầu tư nằm lòng, phần lớn nhà đầu tư giờ đây tâm niệm chỉ yên tâm vào lại thị trường khi đã nhìn thấy tín hiệu tăng trưởng rõ ràng.

Mà tín hiệu tăng trưởng giờ đây hầu như không có. Có chăng, chỉ là những cú đánh ngược bất ngờ của nhóm tạo lập thị trường và càng làm cho người ta nghi ngờ hơn về tính trung thực của việc tăng điểm. Trong khi đó, trái ngược với sự kiên nhẫn bền bỉ của một số nhà đầu tư giữ cổ phiếu, nhóm cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ của họ vẫn tiếp tục giảm đều, cho dù thanh khoản đã xuống dưới cả mức báo động từ lâu.

Trong tuần trước, ấn tượng nổi bật nhất có lẽ là vấn đề thanh khoản. Có phiên, khối lượng giao dịch trên sàn HOSE đã giảm dưới cả mức thấp kỷ lục vào tháng 3-2009. Giá trị giao dịch trên cả hai sàn cũng cứ thế mà giảm dần đều theo thời gian. Vậy mức thanh khoản như thế nói lên điều gì? Phải chăng đây là một giai đoạn tích lũy của các tổ chức lớn để sau đó thị trường sẽ bước vào một đợt tăng trưởng cao?

Không phủ nhận là vẫn có khá nhiều nhà đầu tư mong mỏi vào khả năng tích lũy. Nhưng kỳ vọng là một chuyện, còn tham gia bắt đáy lại là chuyện khác. Nếu quả thực đây là quá trình tích lũy cổ phiếu thì ít ra thị trường cũng phải có được mức giao dịch tương đương giai đoạn cuối năm 2008 - đầu năm 2009, tức thời kỳ suy giảm cuối cùng trước khi thị trường phục hồi trở lại sau khủng hoảng.

Nhưng trong thời gian qua, cái gọi là quá trình tích lũy lại đã kéo dài quá lâu, trong khi thanh khoản cứ còm cõi dần. Cho đến nay, một sự thật quá khó chịu là tại khá nhiều cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ, nhà đầu tư khó có thể bán được 5.000 - 10.000 cổ phiếu chỉ trong một phiên. Còn nếu muốn bán khoảng 50.000 đơn vị, người bán phải trải qua thậm chí hàng chục phiên chỉ với giá thấp.

Cuối các phiên giao dịch, không hiếm hiện tượng một số cổ phiếu lặp lại tình trạng không có giao dịch, không tăng không giảm trong suốt phiên. Điều đó nói lên cái gì? Phải chăng thị trường đang rơi vào xu hướng đóng băng cục bộ? Liệu một vài phiên có khối lượng giao dịch thấp kỷ lục trong tuần trước có phải là "điềm báo" cho sự chuyển giai đoạn của thị trường sang thời kỳ "ngủ đông" kéo dài?

Tình trạng này cũng làm chúng ta liên tưởng đến thị trường bất động sản thời khủng hoảng kinh tế hay ngay hiện nay đối với phân khúc căn hộ cao cấp. Chỉ có điều khác là trong một giai đoạn nào đó, nhà đất ít được giao dịch do giá còn treo cao; còn với cổ phiếu thì cho dù giá đã giảm đến bằng ly trà đá nhưng người mua vẫn không nhiệt tình hơn.

Nếu không phải là tích lũy để tăng thì chỉ còn lại khả năng là kéo ngang để tiếp tục bán. Mà như vậy thì tình hình hiện nay vẫn không khác gì so với tháng 3 đến 4-2011. Hình như đâu đây vẫn còn nhu cầu xả dần cổ phiếu, dù lượng hàng cần giải chấp đã được tiêu hóa từ trước đó. Phải chăng đó là hiện tượng các tổ chức lớn đang thực hiện chiến dịch thoái vốn dần trên sàn? Nếu đúng như vậy, viễn cảnh một số quỹ đầu tư nước ngoài bắt đầu đóng quỹ từ đầu năm 2012 trở đi lại có vẻ đang được hiện thực hóa và càng làm cho thị trường này khó nhìn thấy tương lai.

So với tuần trước nữa, trong tuần qua tỷ lệ giảm của VNI và HNX gần như tương đương, hay nói cách khác là VNI vẫn chưa được "cho" giảm cùng tốc độ với HNX tính từ đỉnh phục hồi giữa tháng 6-2011. Do vậy, vẫn chưa có sự đồng dạng giữa hai chỉ số này để ít ra cũng có được một cơ sở về việc thị trường sắp lập đáy ngắn hạn.

Ngược lại, cái kiểu giảm mòn mỏi đang "chiết khấu" dần sức bền mỏi của nhà đầu tư. Nhiều công ty chứng khoán khẳng định sẽ có, hoặc phải có những phiên giảm mạnh để thị trường rũ bỏ cơn buồn ngủ của nó.

Nhận định này có lẽ không sai, nếu không xảy ra trong tuần này thì cũng trong tuần sau. Có vẻ như thời gian kéo ngang được "lập trình" của thị trường đã gần hết.

Theo Việt Thắng
Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.