Chứng khoán hết thời “chống lưng” bởi ngân hàng mẹ

Không có dòng tiền từ ngân hàng, chứng khoán sẽ lao dốc?. Ảnh: Như Ý.
Không có dòng tiền từ ngân hàng, chứng khoán sẽ lao dốc?. Ảnh: Như Ý.
TP - Quy định của Thông tư số 36 NHNN mới ban hành, NHTM chỉ được cho vay đầu tư cổ phiếu tối đa là 5% vốn điều lệ. Như vậy, những ngân hàng (NH) đang cho vay trên 5% vốn điều lệ sẽ phải điều chỉnh về mức quy định. Đặc biệt, những công ty chứng khoán được NH mẹ “chống lưng” sẽ không còn hưởng lợi nữa. Do đó, có thể có một lượng tiền từ đây sẽ bị rút ra khỏi thị trường khi thông tư này có hiệu lực vào năm sau.

Bao nhiêu tiền đang cho vay chứng khoán?

Thị trường chứng khoán đã có phiên điều chỉnh đầu tiên sau thông tin về Thông tư số 36/2014/TT-NHNN, chỉ số VN-Index giảm hơn 5 điểm. Nhiều cổ phiếu đầu cơ đứng trước áp lực bán sàn. Sở dĩ có sự sụt giảm trên là do nhiều nhà đầu tư lo ngại về các quy định có thể chặt chẽ hơn về việc cho vay đầu tư liên quan đến chứng khoán của các NH.

Theo Thông tư số 36 về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài, trong đó nội dung được nhiều nhà đầu tư chứng khoán quan tâm đã chính thức được ban hành, là tổng mức dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh NH nước ngoài đối với tất cả khách hàng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của NHTM, chi nhánh NH nước ngoài. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/2/2015.

Trước Thông tư 36, các NH được phép cho vay để đầu tư kinh doanh cổ phiếu với hạn mức tối đa bằng 20% vốn điều lệ của NH (Thông tư 13). Như vậy, với tổng vốn điều lệ của hệ thống các TCTD hiện khoảng 435.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa trần cho vay kinh doanh đầu tư chứng khoán của các TCTD trước đây là 87.000 tỷ đồng. Nếu theo quy định mới của Thông tư 36, tỷ lệ giảm xuống còn 5% thì các TCTD sẽ có thể cho vay kinh doanh đầu tư chứng khoán tối đa 21.750 tỷ đồng (giảm 75%). Tuy nhiên, điểm khác biệt là con số 87.000 tỷ đồng trước đó bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu, còn 21.750 tỷ đồng chỉ bao gồm cổ phiếu.

Việc hạn chế này là hợp lý vì nếu nợ xấu đã cao như vậy tức là mức độ rủi ro của ngân hàng đó là cao. Nếu cho đầu tư chứng khoán mức độ rủi ro sẽ tăng lên vì đầu tư chứng khoán là lĩnh vực tín dụng có độ rủi ro rất cao.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Vấn đề đặt ra hiện nay là cho vay chứng khoán của NH đang là bao nhiêu vì con số thực tế vẫn chưa thể kiểm định được. Trong khi đó đại diện của Ủy ban chứng khoán cho biết tổng cho vay ký quỹ hiện đang vượt 17.000 tỷ đồng vào cuối tháng 10, trước đó là 15.000 tỷ đồng hồi cuối tháng 9 theo báo cáo của các công ty chứng khoán. Nghĩa là mức cho vay đầu tư cổ phiếu của các NHTM hiện đang chiếm tỷ lệ khoảng 4% vốn điều lệ.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, việc giới hạn cho vay chứng khoán xuống 5% vốn điều lệ NH không ảnh hưởng nhiều đến các NH lớn cho hoạt động cho vay ký quỹ chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng dư nợ. Tuy nhiên thị trường lo ngại rằng một số NH cỡ vừa và nhỏ đang có tỷ lệ này cao hơn 5%. CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, việc quy định trước con số 5% này cũng là một hồi chuông cảnh báo đối với một số hoạt động đầu tư chéo giữa các doanh nghiệp, tạo dòng lợi nhuận tài chính và có nguy cơ “thổi lại” bong bóng tài sản trên thị trường trong thời gian gần đây.

Nhiều Ngân Hàng nguy cơ không cho vay được

Cũng theo Thông tư 36, điều kiện, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu quy định NHTM, chi nhánh NH nước ngoài chỉ được cấp tín dụng dưới hình thức cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá đối với khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu khi đáp ứng điều kiện như đảm bảo các giới hạn về tỷ lệ đảm bảo an toàn, có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập đủ số tiền dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật.

Trên thực tế có khá nhiều NH có nợ xấu trên 3% thể hiện trên báo cáo tài chính quý 3/2014 và sẽ có một giá trị không nhỏ cho vay đầu tư cổ phiếu tại các NH sẽ phải chịu ảnh hưởng từ quy định này. Cụ thể, các NH như Eximbank nợ xấu đến cuối quý 3 là 3,36%, NH Quốc Dân là 4,49%, NH ACB 3,07%, ?sẽ không được cấp tín dụng chứng khoán nếu nợ xấu tiếp tục tăng đến hết năm 2014.

Các NH nằm trong diện nợ xấu trên 3% này có các hướng xử lý sắp tới hoặc là phải giảm nợ xấu hoặc tăng dư nợ tín dụng và cuối cùng phải chấm dứt cho vay đầu tư cổ phiếu. Các chuyên gia cho rằng nếu trường hợp cuối là phổ biến, thị trường sẽ nhìn thấy nhiều giao dịch thỏa thuận lớn trong thời gian tới.

Ngoài ra, Thông tư 36 cũng quy định NHTM không được cấp tín dụng, ủy thác cho công ty con, công ty liên kết của TCTD để công ty con, công ty liên kết đầu tư kinh doanh cổ phiếu, cho vay để đầu tư kinh doanh cổ phiếu. Qua đây, một lượng tiền khác cũng sẽ bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán nếu Thông tư áp dụng trong thực tế.

Theo quy định này thì việc bấy lâu nay công ty chứng khoán được “chống lưng” bởi NH mẹ sẽ không còn được hưởng lợi nữa. Trong khi đó, một thực tại khác sau khi Thông tư áp dụng là các nhà đầu tư theo trường phái margin sẽ phải cân nhắc hơn. Bên cạnh đó, điều mà nhiều người lo ngại hơn cả là những NH cho “đại gia” vay tiền để đầu tư cổ phiếu, thâu tóm doanh nghiệp, NH sẽ buộc phải thu tiền về.

Đối chiếu theo điều kiện này, một số cặp NH sẽ không được cấp tín dụng cho các công ty con trên thực tế như NH Á Châu (ACB) đối với CTCK ACB, NH Đông Á với CTCK Đông Á (DAS), NH MB với CTCK MBS, NH Vietinbank với CTCK CTS, NH VPBank với CTCK VPBS, NH Bản Việt với CTCK VCSC…

MỚI - NÓNG