Phần lớn thời gian của phiên giao dịch hôm nay (2/3), VN-Index chìm trong sắc đỏ. Đóng cửa, chỉ số chính giảm gần 3 điểm. Dòng tiền yếu, nhiều rủi ro lớn cho thị trường. Giá trị giao dịch của rổ VN30 chỉ hơn 2.300 tỷ đồng.
Những cổ phiếu ảnh hưởng nhiều nhất đến VN-Index. |
SAB, CTG, MSN, HPG, VRE... lần lượt là những cổ phiếu gây áp lực lớn nhất đến thị trường. Đây đều là cổ phiếu thuộc rổ VN30. Trong nhóm VN30, 20 cổ phiếu giảm giá áp đảo 9 mã tăng giá. Dù mức giảm không lớn, chủ yếu trên dưới 1%, nhưng với áp lực cùng lúc từ 20 cổ phiếu lớn, VN-Index vẫn chìm trong sắc đỏ. Hàng loạt nhóm cổ phiếu như xây dựng, vật liệu, chứng khoán, bảo hiểm, dầu khí, bán lẻ... cũng ghi nhận sắc đỏ lấn át.
Ở nhóm bất động sản, chỉ có VIC là đầu kéo đáng chú ý. Còn lại, sắc đỏ vẫn bao trùm nhiều cổ phiếu, như VRE, VHM,DXG, LDG, DXS, CRE, BCM...
Cũng trong nhóm bất động sản, thêm cổ phiếu PVL bị cảnh báo khả năng hủy niêm yết bắt buộc. Nguyên nhân HNX đưa ra là tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022 của PVL. Hôm nay PVL giảm sàn, xuống còn 2.500 đồng/cổ phiếu.
HNX nhấn mạnh việc xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu này theo quy định, đồng thời yêu cầu công ty có văn bản phản hồi về vấn đề nêu trên chậm nhất vào ngày 3/3.
Trong báo cáo tài chính kiểm toán 2022 đã nêu ý kiến về khoản phải trả gần 100 tỷ đồng cho Cục thi hành án dân sự TP. Hà Nội (ngày 31/12/2022), gần 13 tỷ đồng tạm ứng cho bà Lưu Thị Việt Hằng - Giám đốc sàn giao dịch bất động sản, chi nhánh của PVL và bà Trần Thị Hải Yến - Giám đốc sàn giao dịch bất động sản - cùng với gần 20 tỷ đồng tiền mặt tồn quỹ.
Ngoài các lưu ý, đơn vị kiểm toán cũng nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của PVL. Nợ ngắn hạn của công ty vượt quá tài sản ngắn hạn gần 26 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 22 tỷ đồng. Công ty lỗ lũy kế đến 31/12/2022 hơn 260 tỷ đồng. Khả năng hoạt động của công ty phụ thuộc khả năng thu hồi các khoản công nợ, khả năng chuyển nhượng sàn thương mại Chung cư Linh Tây.
Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,94 điểm (0,28%) xuống 1.037,61 điểm. HNX-Index giảm 0,69 điểm (0,33%) xuống 206,14 điểm. UPCoM-Index giảm 0,36 điểm (0,47%) xuống 76,28 điểm.
Giá trị khớp lệnh HoSE chỉ hơn 5.153 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 121 tỷ đồng trên HoSE.
Vốn hóa HoSE giảm 350 nghìn tỷ đồng
Theo số liệu mới nhất từ HoSE, vốn hóa của sàn đã “bốc hơi” 350 nghìn tỷ đồng trong tháng 2. Giá trị vốn hóa HoSE đạt hơn 4,08 triệu tỷ đồng, giảm 7,83% so với tháng trước, tương ứng giảm 350 ngàn tỷ đồng. Vốn hóa sàn HoSE chiếm hơn 94,14% tổng giá trị vốn hóa niêm yết toàn thị trường và tương đương 43% GDP năm 2022 (GDP theo giá hiện hành).