1. Chính thức nới room cho nhà đầu tư nước ngoài
Ngày 26/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015, trong đó cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào các doanh nghiệp đại chúng không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, quy định nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá là bước đột phá về tư duy trong thu hút vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
2. Thị trường cổ phiếu chịu nhiều tác động tiêu cực mạnh từ yếu tố bên ngoài
Năm 2015 TTCK chịu nhiều tác động tiêu cực từ bên ngoài, khiến mức tăng trưởng rất thấp.
Hai yếu tố gây ảnh hưởng xấu nhất là sự sụt giảm của giá dầu và biến động mạnh của tỷ giá. Giá dầu thế giới đã rơi mạnh trong hai nhịp, vào tháng 6-7 và tháng 12, khiến cổ phiếu dầu khí niêm yết mất giá trầm trọng. Đồng USD tăng mạnh kết hợp với hiện tượng phá giá bất thường của đồng Nhân dân tệ và việc Ngân hàng nhà nước thực hiện điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ hơn 5% đã dẫn đến những phản ứng tiêu cực trên thị trường. Đặc biệt từ quý III/2015 trở đi, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ra mạnh mẽ trên thị trường, tạo thêm áp lực lớn.
3. Gian lận trong hồ sơ chào bán chứng khoán bị xử lý hình sự
Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung) đã được Quốc hội thông qua vào ngày 27/11/2015. Đối với lĩnh vực chứng khoán, ngoài 3 tội danh đã có (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, tội thao túng giá chứng khoán), Luật đã bổ sung thêm một tội danh mới là: tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán. Việc bổ sung này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nâng cao tính răn đe, xử nghiêm vi phạm.
4. Rút ngắn thời gian thanh toán về T+2
Ngày 18/12/2015, Trung tâm Lưu ký chứng khoán ban hành Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán mới. Theo đó ngày thanh toán giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ là ngày làm việc thứ 2 sau ngày giao dịch (T+2). Ngày thanh toán giao dịch trái phiếu là ngày làm việc liền kề sau ngày giao dịch (T+1). Việc giảm thời gian thanh toán về T+2 đòi hỏi sự nỗ lực của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán, nhất là khối công ty chứng khoán, ngân hàng thanh toán.
5. Dấu mốc 15 năm hoạt động của TTCK Việt Nam
Tháng 7/2015, thị trường chứng khoán Việt Nam tròn 15 năm mở cửa hoạt động. 15 năm hoạt động, tổng giá trị vốn huy động qua thị trường chứng khoán ước đạt gần 2 triệu tỷ đồng và thu hút khoảng 15 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Giá trị dư nợ trái phiếu hiện khoảng 22% GDP, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu vào khoảng 32% GDP. Trong 10 năm trở lại đây, quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tương đương gần 60% so với cung tín dụng qua thị trường tiền tệ - tín dụng.
6. Bán cổ phần theo lô lớn
Quyết định 41/2015 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 15/9/2015 cho phép bán cổ phần theo lô lớn. Đây là thay đổi chính sách quan trọng đối với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho các tổ chức đầu tư tham gia với tỷ trọng lớn.
Ngày 8/10/2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý để Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp đang được các nhà đầu tư chú ý như: VNM, FPT, BMI, NTP. Năm 2015 là năm cuối cùng cho giai đoạn cổ phần hóa DNNN nhưng quyết liệt chỉ có thể hoàn thành 90% kế hoạch.
7. JVC gây sốc cho cổ đông
Năm 2015, xuất hiện cú sốc điển hình là lãnh đạo cao cấp của Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (mã CK: JVC-HOSE) bị bắt, hoạt động của doanh nghiệp bị xáo trộn mạnh khiến cổ phiếu này mất giá nghiêm trọng. Chỉ trong 18 phiên, kể từ khi tin đồn được loan đi và trở thành hiện thực, giá cổ phiếu đã mất 65,6%. Tính đến hết năm 2015, mức giảm của cổ phiếu JVC sau sự kiện Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc bị bắt lên tới (-73%).
8. Sàn UPCoM bùng nổ hàng mới
Hàng loạt các chính sách hỗ trợ cho sàn UPCoM đã có hiệu lực trong năm 2015. Các quy định mới đã thúc đẩy gần 100 doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM trong năm 2015, gấp 1,6 lần so với cả năm 2013 và 2014 cộng lại. Để tăng sức hấp dẫn, sàn UPCoM cũng được tăng biên độ giao dịch cổ phiếu lên ±15%, áp dụng bắt đầu từ phiên giao dịch ngày 01/7/2015.
9. Quốc hội thay đổi quan điểm về kỳ hạn trái phiếu Chính phủ
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã cho phép phát hành trở lại kỳ hạn dưới 5 năm (với tỷ lệ 30%, còn lại trên 5 năm 70%). Đây là thay đổi rất đáng chú ý để có thể giúp Chính phủ huy động vốn tốt hơn. (Trước đó chỉ là kỳ hạn 5 năm). Lần trở lại đầu tiên, trái phiếu kỳ hạn 3 năm nhận được sự quan tâm từ các thành viên thị trường khi 6.000 tỷ đồng đã được bán hết tại mức lãi suất 5,9%/năm, lượng đăng ký đặt thầu lên tới 19.160 tỷ đồng, gấp 3,2 lần giá trị gọi thầu.
10. Xác lập lộ trình và định hình khung pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh
Ngày 5/5/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2015 quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Đây là thị trường tài chính bậc cao, nơi sẽ niêm yết và giao dịch các sản phẩm tương lai có mục đích phòng ngừa rủi ro cho các tài sản cơ sở, dự kiến được đưa vào hoạt động cuối năm 2016.