Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK Hà Nội, năm 2015 công tác đấu giá cổ phần khởi sắc, hỗ trợ tích cực cho chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ.
Tính đến 30/11/2015, Sở đã tổ chức 81 đợt đấu giá với giá trị cổ phần bán được đạt hơn 4,8 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5% so với cả năm 2014. Trong đó, hơn 77% số phiên đấu giá là đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của doanh nghiệp Nhà nước, thu về cho Nhà nước hơn 3,8 nghìn tỷ đồng, trong đó có nhiều Tổng Công ty lớn của Nhà nước. Tính chung giai đoạn 2011-2015, Sở đã tổ chức 181 phiên đấu giá cổ phần cho doanh nghiệp Nhà nước với tổng giá trị cổ phần bán được đạt gần 12,5 nghìn tỷ đồng, trong đó, 2 năm 2014, 2015, giá trị bán được cao hơn 2 lần so với giai đoạn 2011-2013.
Đối với công tác huy động vốn cho Ngân sách Nhà nước, phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, tính đến hết tháng 11/2015, Sở đã huy động được trên 186 nghìn tỷ đồng trái phiếu, bằng 89% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, huy động cho Kho bạc Nhà nước đạt trên 136 nghìn tỷ đồng. Trên thị trường thứ cấp, giá trị niêm yết đạt trên 707 nghìn tỷ đồng, đạt 26,3% so với GDP thực tế (tương đương 17,9% GDP danh nghĩa năm 2014), tăng 2,31% so với năm 2014. Thanh khoản trên thị trường tăng 3% so với năm 2014, bình quân đạt trên 3,7 nghìn tỷ đồng/phiên.
Thị trường cổ phiếu hoạt động an toàn, hiệu quả với quy mô, chất lượng ngày càng cao. Trên thị trường cổ phiếu niêm yết, trong năm, Sở đã chấp thuận niêm yết mới 25 doanh nghiệp với giá trị niêm yết đạt trên 6,2 nghìn tỷ đồng; niêm yết bổ sung cho 106 doanh nghiệp với giá trị trên 9,4 nghìn tỷ đồng. Đến hết tháng 11/2015, có 372 doanh nghiệp niêm yết trên HNX với tổng giá trị niêm yết đạt trên 104,5 nghìn tỷ đồng, vốn hóa thị trường đạt trên 151,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2014. Chất lượng thị trường cổ phiếu niêm yết tiếp tục được nâng lên một bước thể hiện ở chất lượng công bố thông tin được cải thiện rõ rệt, chất lượng doanh nghiệp tốt hơn, hoạt động quản trị công ty và minh bạch hóa theo thông lệ tốt đã bắt đầu có hiệu ứng lan tỏa, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của doanh nghiệp cũng như của xã hội.
Thị trường UPCoM đã có sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô và chất lượng. Tính đến cuối tháng 11/2015 có 242 doanh nghiệp trên thị trường UPCoM với giá trị đăng ký giao dịch hơn 47 nghìn tỷ đồng, vốn hóa thị trường đạt trên 54 nghìn tỷ đồng, gấp 1,4 lần về số lượng và gần gấp 2 lần về giá trị so với năm 2014.
Trong 11 tháng đầu năm, Sở đã chấp thuận và đưa 78 doanh nghiệp lên UPCoM (gấp 1,6 lần so với cả 2 năm 2013, 2014), trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn, có chất lượng rất tốt như: CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (vốn điều lệ hơn 1,3 nghìn tỷ đồng), Tổng Công ty Viglacera (hơn 2,6 nghìn tỷ đồng), Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị điện (hơn 1,5 nghìn tỷ đồng)… Thị trường UPCoM cũng tạo ra kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp đăng ký giao dịch: trong năm 2015, giá trị huy động được gần 1,5 nghìn tỷ đồng thông qua đăng ký giao dịch bổ sung, gấp 4 lần so với năm 2014.
Bên cạnh đó, trong năm, Sở cũng phối hợp với UBCKNN để xây dựng khung pháp lý, đề xuất hàng hóa, xây dựng hệ thống, xây dựng cơ chế phối hợp, trao đổi và chia sẻ dữ liệu với các bên có liên quan để phục vụ việc tính toán, thanh toán, giám sát, công bố thông tin trên thị trường chứng khoán phái sinh,...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính đánh giá cao các nỗ lực của Sở GDCK Hà Nội trong việc hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2015, nhất là việc phối hợp hiệu quả với các đơn vị trong Bộ Tài chính để thực hiện huy động vốn cho ngân sách Nhà nước, cho đầu tư phát triển. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đánh giá cao công tác phối hợp giữa HNX và các bộ ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty trong việc gắn cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước với đăng ký giao dịch/niêm yết trên thị trường tập trung. Đối với công tác thị trường, Thứ trưởng nhấn mạnh, trong năm qua, doanh nghiệp trên thị trường niêm yết và UPCoM đã tăng cả về số lượng và chất lượng, số doanh nghiệp thua lỗ giảm đi đáng kể, và điều này đã tạo niềm tin cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Năm 2016, Sở đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng gồm: Tiếp tục tổ chức tốt công tác đấu thầu và tổ chức giao dịch nhằm huy động vốn kịp thời và hiệu quả cho Ngân sách Nhà nước; Nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền phương án tổ chức thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Tập trung nguồn lực phát triển thị trường chứng khoán phái sinh; Tiếp tục triển khai công tác đấu giá cổ phần hiệu quả nhằm góp phần thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, bán cổ phần; tiếp tục đầu tư năng lực hệ thống công nghệ thông tin của Sở đảm bảo khả năng dự phòng sự cố, nâng cao chất lượng, dịch vụ, sẵn sàng kết nối với thị trường khu vực và thế giới...