Tuy nhiên, thông tin đầy đủ, chuẩn xác, tức là không thổi phồng cũng không xem nhẹ là yêu cầu quan trọng, xét cả trên yếu tố phòng chống dịch cũng như tác động của thông tin đến đời sống kinh tế-xã hội. Lơ là với thông tin dịch bệnh, hoặc thông tin chưa đầy đủ có thể dẫn tới sự chủ quan, mất cảnh giác trong khi công tác phòng chống dịch đòi hỏi sự vào cuộc của không chỉ ngành y tế mà nhiều khi là cả xã hội. Tuy nhiên, thổi phồng các nguy cơ có thể gây ra tâm lý hoang mang không cần thiết, ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất - thương mại, dịch vụ... Chính vì thế, trước khi công bố các đại dịch như SARS, H5N1, cúm A/H1N1 hay Ebola… các chính phủ trên thế giới đều phải cân nhắc rất kỹ. Đã từng có những nghi vấn sau khi Hội đồng châu Âu thực hiện cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng, cho rằng mức độ nghiêm trọng của đại dịch cúm A/H1N1 đã bị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thổi phồng, dẫn đến các chiến dịch tiêm vaccine hàng loạt trên khắp thế giới, gây lãng phí lớn. Người ta nói các công ty dược đã bỏ túi 7 tỷ USD thông qua việc bán thuốc và vaccine phòng chống cúm.
Tại Việt Nam, cũng đã từng có lúc người ta tranh cãi về chuyện nên gọi thế nào cho đúng bản chất, tiêu chảy cấp (acute diarrhea) hay tả (cholera). Tất nhiên, đây là vấn đề chuyên môn của ngành y, nhưng người dân không được thông tin đầy đủ và cụ thể nên đã có nhiều thời điểm rất hoang mang, để đến nỗi phải tạm thời từ bỏ món mắm tôm quốc hồn quốc túy. Nay đang là thời điểm trên thế giới xảy ra dịch cúm MERS-CoV nguy hiểm, nhưng như một bác sỹ ở Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM mới phát biểu, trong khi dịch diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc thì tại Việt Nam, đất nước thường xuyên đón 3.000 người/ngày từ vùng dịch, trong khi một số người thường xuyên cập nhật thông tin thì cũng có rất nhiều người dân không hề hay biết về dịch MERS-CoV. Điều này có nghĩa là công tác truyền thông về dịch bệnh chưa được thực thi tốt.
Và thế là, một số người ngày ngày thêm lo lắng với những dòng tít giật gân với những tính từ, động từ mang tính chủ quan như “rúng động”, “kinh hoàng” thì cũng có bao nhiêu người lơ là trước các thông tin về dịch bệnh.
Thông tin đầy đủ, chuẩn xác, kịp thời, không thổi phồng cũng không xem nhẹ đòi hỏi ngoài chiến lược truyền thông bài bản còn là khả năng hội chẩn, thẩm định, đánh giá chính xác với trình độ chuyên môn cao của ngành Y. Có như vậy, công tác phòng chống dịch mới thu được kết quả tốt.