Chưa phát hiện nhiễm virus ở miền Bắc

TP - Nhằm mục đích chia sẻ thông tin phòng chống dịch bệnh giúp nâng cao sức khỏe người dân, ngày 16/12, Bộ Y tế phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về phòng chống dịch Zika.

Hiện nay Bộ Y tế vẫn đặt việc phòng ngừa bệnh Zika cho phụ nữ mang thai lên hàng đầu. Liên quan vấn đề này được nhiều bạn đọc gửi câu hỏi về nhất. Bác sĩ, TS Trần Văn Giang, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, sau khi khỏi bệnh, phụ nữ từng nhiễm Zika cần ít nhất sau 2 tháng kể từ thời điểm có biểu hiện bệnh hoặc phơi nhiễm virus Zika mới nên mang thai. Khi cơ thể hết virus, có thể tính đến việc mang thai, nhưng cần có sự tư vấn của chuyên gia y tế. Phụ nữ mang thai không nên quá lo lắng, quan trọng là việc theo dõi và siêu âm thai định kỳ, khám sàng lọc trước sinh để sớm phát hiện dị tật bẩm sinh ở thai nhi để có hướng xử trí phù hợp.  

Bác sĩ Giang cho hay, hiện tại chưa có bằng chứng về việc bị nhiễm virus Zika trong quá khứ thì sau này ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, cũng phải chú ý đến việc là có thể bị nhiễm lại virus Zika trong lần mang thai hiện tại và đến 80% các trường hợp nhiễm virus này đều không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Bệnh thường tự hết sau một tuần điều trị triệu chứng thông thường và không để lại di chứng gì, trừ trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể sinh con mắc chứng đầu nhỏ với tỷ lệ 1-10%. Phụ nữ mang thai nên chủ động đăng ký theo dõi thai sản sớm để được theo dõi sức khỏe định kỳ. Nếu có biểu hiện nghi ngờ, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị, xét nghiệm khi cần thiết.

Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đang tích cực tầm soát virus Zika từ các ca bệnh có sốt cấp tính hoặc có các triệu chứng tương tự bệnh Zika đến khám và điều trị tại 2 cơ sở của bệnh viện là cơ sở 78 Giải Phóng và cơ sở Kim Chung (huyện Đông Anh).  Tuy nhiên cho đến nay bệnh viện này chưa phát hiện ca bệnh nào dương tính với virus Zika. Toàn miền Bắc cũng chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với virus này.

Tác nhân truyền sốt xuất huyết và bệnh virus Zika đều là loài muỗi Aedes. Biểu hiện lâm sàng của hai bệnh gần giống nhau: sốt, phát ban, viêm kết mạc, đau cơ… Vì thế để phân biệt 2 bệnh này TS.Trần Văn Giang cho biết, bệnh cảnh lâm sàng thì khó có thể phân biệt chính xác được hai bệnh này, thậm chí xét nghiệm về huyết thanh học cũng có thể nhầm lẫn do có sự phản ứng chéo của kháng thể kháng virus gây bệnh sốt xuất huyết và kháng virus Zika. Để khẳng định chính xác virus Zika thì cần thực hiện phương pháp RT-PCR.

Bác sĩ Bùi Huy Hoàng, chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, người bệnh sau khi nhiễm virus Zika vẫn có thể quan hệ tình dục nhưng phải sử dụng bao cao su để tránh lây nhiễm virus cho bạn tình. Đã có nghiên cứu cho thấy, virus Zika có thể tồn tại trong tinh dịch người đàn ông đến 62 ngày. Do vậy ngoài biện pháp sử dụng bao cao su thì còn biện pháp khác là kiêng quan hệ tình dục trong vòng 62 ngày sau khi đã khỏi bệnh. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.