Bệnh do virus Zika hiện đã được phát hiện tại 82 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, đây là vấn đề y tế công cộng toàn cầu.
Tại Việt Nam, Zika đã lan rộng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước với số người mắc nhiều nhất tại TP.HCM. Lần đầu tiên tại Việt Nam ghi nhận một trường hợp trẻ 4 tháng tuổi sinh sống tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, bị dị tật đầu nhỏ được xác nhận do virus Zika gây nên.
Bộ Y tế nhận định dịch bệnh do virus Zika đã lưu hành tại Việt Nam, có thể sẽ tiếp tục xét nghiệm phát hiện thêm các trường hợp mắc trong thời gian tới, đặc biệt tại các vùng có lưu hành muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika.
Sự xuất hiện của virus Zika và sự phân bố rộng rãi của muỗi vằn Aedes tại Việt Nam sẽ khiến cho dịch bệnh do virus Zika tại Việt Nam có thể diễn biến phức tạp với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Ngoài con đường truyền bệnh do muỗi đốt, Zika có thể lây truyền từ người qua người thông qua con đường từ mẹ sang thai nhi, lây truyền qua quan hệ tình dục, hay do các chất tiết của người bệnh. Đã có những bằng chứng cho thấy, thai phụ nhiễm Virus Zika có thể là nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ cho thai nhi. Bệnh lý viêm đa rễ thần kinh cũng có thể là hậu quả do nhiễm Virus Zika.
Xác định sự nguy hiểm của dịch Zika với con người, đặc biệt là với các thai phụ, Bộ Y tế phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức buổi giao lưu trực tuyến nhằm mục đích chia sẻ thông tin phòng chống dịch bệnh giúp nâng cao sức khỏe nhân dân.
Buổi giao lưu trực tuyến sẽ diễn ra từ 14h -16h30 ngày 16/12 với các khách mời là những chuyên gia và các nhà quản lý gồm:
+ Bác sĩ Bùi Huy Hoàng, chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).
+ TS, Bác sĩ Trần Văn Giang - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tại buổi giao lưu, các khách mời sẽ trả lời những câu hỏi của bạn đọc xung quanh việc phòng chống và điều trị bệnh do virus Zika gây nên.
Buổi giao lưu trực tuyến bắt đầu
DANH SÁCH KHÁCH MỜI
-
Chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).
-
Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến ngày 8/12/2016 đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút Zika.
Tại Việt Nam, Zika đã lan rộng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước với số người mắc nhiều nhất tại TP.HCM. Lần đầu tiên tại Việt Nam ghi nhận một trường hợp trẻ 4 tháng tuổi sinh sống tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, bị dị tật đầu nhỏ được xác nhận do virus Zika gây nên.Bộ Y tế nhận định dịch bệnh do virus Zika đã lưu hành tại Việt Nam, có thể sẽ tiếp tục xét nghiệm phát hiện thêm các trường hợp mắc trong thời gian tới, đặc biệt tại các vùng có lưu hành muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika.
Sự xuất hiện của virus Zika và sự phân bố rộng rãi của muỗi vằn Aedes tại Việt Nam sẽ khiến cho dịch bệnh do virus Zika tại Việt Nam có thể diễn biến phức tạp với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Ngoài con đường truyền bệnh do muỗi đốt, Zika có thể lây truyền từ người qua người thông qua con đường từ mẹ sang thai nhi, lây truyền qua quan hệ tình dục, hay do các chất tiết của người bệnh. Đã có những bằng chứng cho thấy, thai phụ nhiễm Virus Zika có thể là nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ cho thai nhi. Bệnh lý viêm đa rễ thần kinh cũng có thể là hậu quả do nhiễm Virus Zika.
Xác định sự nguy hiểm của dịch Zika với con người, đặc biệt là với các thai phụ, Bộ Y tế phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức buổi giao lưu trực tuyến nhằm mục đích chia sẻ thông tin phòng chống dịch bệnh giúp nâng cao sức khỏe nhân dân.
Buổi giao lưu trực tuyến sẽ diễn ra từ 14h -16h30 ngày 16/12 với các khách mời là những chuyên gia và các nhà quản lý gồm:
+ Bác sĩ Bùi Huy Hoàng, chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).
+ TS, Bác sĩ Trần Văn Giang - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tại buổi giao lưu, các khách mời sẽ trả lời những câu hỏi của bạn đọc xung quanh việc phòng chống và điều trị bệnh do virus Zika gây nên.
Mở đầu buổi giao lưu, nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong đã gửi lời cảm ơn tới hai khách mời tham dự buổi giao lưu là bác sĩ Bùi Huy Hoàng, chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), và Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Văn Giang - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
"Tại Việt Nam, Zika đã lan rộng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước với số người mắc nhiều nhất tại TP.HCM.
Báo Tiền Phong luôn xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của mình là sát cánh cùng các thầy thuốc để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong những ngày qua, rất nhiều bạn đọc đã gửi câu hỏi cho chúng tôi về chủ đề của buổi giao lưu. Hy vọng rằng với sự phối hợp của các chuyên gia, cuộc giao lưu hôm nay sẽ giúp cho nhân dân có thêm những kiến thức để công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả hơn," nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong chia sẻ tại buổi giao lưu.
- 1. Thời gian: Thứ sáu, ngày 16/12/2016 - 11:01
- 2. Địa điểm: Trụ sở Báo Tiền Phong
Những biểu hiện bệnh nào là đặc trưng ở bệnh nhân Zika, thưa bác sĩ?
Phần lớn các trường hợp nhiễm vi rút Zika là không biểu hiện các triệu chứng lâm sàng. Một số sẽ diễn biến cấp tính với các triệu chứng như sốt nhẹ, đau mỏi mình mẩy, đau mỏi các cơ, khớp, viêm kết mạc mắt, phát ban.
Tuy nhiên các triệu chứng đó đều không phải là những dấu hiệu đặc trưng cho bệnh Zika. Các triệu chứng này có thể gặp trong nhiều bệnh cảnh nhiễm trùng khác nhau: ví dụ như sốt dengue, chikungunya, leptospirose…
Để chẩn đoán bệnh do vi rút Zika cần phải kết hợp giữa yếu tố dịch tễ (có đi đến vùng dịch), các triệu chứng lâm sàng và được khẳng định bằng xét nghiệm RT-PCR.
Điều trị bệnh virus Zika như thế nào?
Phải nói rằng cho đến nay thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho người nhiễm vi rút Zika. Biện pháp điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi, tăng cường dinh dưỡng, bồi phụ nước điện giải, thuốc hạ sốt nếu có sốt cao, vệ sinh mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9% và theo dõi các biểu hiện tổn thương thần kinh như yếu, liệt cơ.
Đối với phụ nữ có thai nhiễm vi rút Zika cần được theo dõi và quản lý thai sản tại chuyên khoa sản để theo dõi bất thường về thai nhi.
Trẻ bị dị tật não bé hoặc có tiền sử mẹ nhiễm vi rút Zia khi mang thai cần được theo dõi, đánh giá sự phát triển về tinh thần, vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh (nếu có).
Cuộc giao lưu kết thúc. Do thời gian của cuộc giao lưu có hạn nên chúng tôi sẽ gửi các câu hỏi chưa được giải đáp trực tiếp đến chuyên gia và cập nhật những giải đáp.
Đường lây truyền của virut Zika và biểu hiện của bệnh như nào?
Bệnh do vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm chủ yếu do muỗi vằn chích đốt truyền vi rút từ người nhiễm sang người lành, ngoài ra bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con trong quá trình mang thai.
Có khoảng 60-80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng, kể cả phụ nữ mang thai. Một số trường hợp nhiễm vi rút Zika có biểu hiện như phát ban dát sần, sốt (thường sốt nhẹ), viêm kết mạc mắt, đau khớp, phù quanh khớp, đau cơ. Các biểu hiện triệu chứng thường nhẹ và kéo dài từ 2-7 ngày.
Gửi anh Bùi Huy Hoàng, muỗi Aedes sinh sản như thế nào?
Muỗi vằn Aedes đẻ trứng trong nước sạch. Khi muỗi cái ăn no, nó cần nghỉ ngơi 3 ngày trước khi đẻ trứng. Một con muỗi cái trưởng thành trong vòng đời khoảng 1 tháng, có thể đẻ được 850 trứng. Những quả trứng này có thể tồn tại đến 1 năm mà không cần nước. Khi có nước và chỉ cần một lượng nước đọng rất ít là đủ để trứng phát triển thành ấu trùng và phát triển thành muỗi trưởng thành và tiếp tục chu kỳ sinh sản mới. Lăng quăng của muỗi vằn sống trong nước sạch và phát triển tốt nhất trong khoảng nhiệt độ 25oC - 28oC. Các ổ chứa lăng quăng chủ yếu là:
- Dụng cụ chứa nước sinh hoạt: lu, khạp, hồ chứa nước.
- Các vật dụng trong nhà: chân chén, bình bông, chậu kiểng.
- Vật phế thải xung quanh nhà: vỏ xe, lon nước ngọt, vỏ dừa, máng nước, chén hứng mủ cao su,…
Do vậy, để phòng ngừa được bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết, cộng đồng cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện và loại bỏ các ổ lăng quăng trong nhà, ngoài nhà, và khu vực công cộng xung quanh. Công việc này cần được thực hiện kiên trì, trách nhiệm, thường xuyên vì muỗi vằn có quanh năm bên cạnh chúng ta.
Nếu nghi ngờ bị nhiễm virus zika thì nên đến đâu để xét nghiệm, thưa bác sĩ?
Riêng với Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương hiện tại chúng tôi đang làm xét nghiệm phát hiện vi rút Zika tại cả hai cơ sở 78 Giải Phóng (Đống Đa) và Kim Chung (Đông Anh).
Việt Nam đã có vắc-xin phòng bệnh Zika chưa thưa bác sĩ?
Hiện nay trên thế giới và Việt Nam đều chưa có vắc xin phòng bệnh do vi rút Zika. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để có thể sớm phát triển loại vắc xin này.
Người từng mắc Zika có để lại di chứng gì không?
Đã có bằng chứng khoa học về mối liên quan giữa nhiễm virus Zika và hội chứng Guillain-Barré (bệnh lý viêm đa rễ thần kinh với các biểu hiện yếu/liệt các cơ đối xứng tiến triển cấp tính kèm theo mất phản xạ gân cơ). Các di chứng khác hiện vẫn đang tiếp tục nghiên cứu.
Muỗi Aedes có thể tồn tại ở đâu, thưa bác sĩ?
Để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika, người dân nên tích cực áp dụng các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng và phòng muỗi đốt và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Gửi anh Hoàng, muỗi Aedes có thể di chuyển từ quốc gia này đến quốc gia khác hay từ vùng này đến vùng khác được không?
Chào bạn. Muỗi Aedes có khả năng bay yếu; nó không thể bay quá 400 mét. Nhưng nó có thể vô tình được vận chuyển bởi con người từ nơi này đến nơi khác qua các phương tiện vận tải (ví dụ tàu biển, hàng hóa, máy bay…).
Trong môi trường nhiệt độ phù hợp của điểm đến, về mặt lý thuyết nó có thể tự sinh sản và truyền vi rút Zika, Dengue… tới các khu vực mới nếu đã bị nhiễm vi rút.
Gửi anh Hoàng, những biến chứng tiềm ẩn của virus Zika có thể là gì?
Chào bạn đọc. Biến chứng của bệnh do vi rút Zika gồm: chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, Hội chứng Guillain-Barré là một tình trạng mà trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công một phần của hệ thần kinh, gây yếu cơ, tê liệt thần kinh. Gần đây, các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành thí nghiệm nghiên cứu ảnh hưởng của vi rút Zika lên loài chuột. Kết quả nghiên cứu cho thấy vi rút Zika làm tinh hoàn của chuột teo lại, cấu trúc nội tế bào bị phá hủy, mức testosterone và số lượng tinh trùng giảm đi. Hiện nay, hiểu biết về các biến chứng của bệnh này còn nhiều hạn chế.
Trẻ em bị nhiễm Zika sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Một số trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm vi rút Zika trong thời kỳ mang thai, ngoài khả năng bị mắc hội chứng não bé như các anh/chị đã được nghe nhiều, trẻ còn có thể bị các dị tật khác như giảm thị lực, giảm khả năng nghe, co giật, chậm phát triển trí tuệ...
Tuy vậy, tỷ lệ trẻ bị hội chứng não bé và các dị tật khác là không nhiều. Một điểm nữa là có nhiều căn nguyên gây ra các dị tật trên như đột biến gene, mẹ nghiện rượu, thuốc là hay môi trường ô nhiễm.
Phụ nữ mang thai có nên lo lắng về Zika?
Khi có dấu hiệu phát ban hoặc sốt nhẹ kèm theo ít nhất một trong số các triệu chứng như: đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc mắt, cần đến cơ quan y tế để được khám, tư vấn và xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh khi cần thiết.
Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương đã chuẩn bị cho việc tiếp nhận bệnh nhân như thế nào? Nếu dịch lớn xảy ra, bệnh viện có kế hoạch để tiếp nhận và điều trị chưa?
Xin được khẳng định là bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân bị bệnh do vi rút Zika. Thực tế hiện nay chúng tôi vẫn đang tích cực tầm soát vi rút Zika trong số các trường hợp có sốt cấp tính đến khám và điều trị tại bệnh viện. Bệnh viện đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, bệnh do vi rút Zika, đứng đầu là Giám đốc bệnh viện.
Các bác sỹ, điều dưỡng đã được tập huấn về chẩn đoán, chăm sóc, điều trị, lấy bệnh phẩm xét nghiệm. Nhân viên khoa xét nghiệm được tập huấn về xử lý mẫu bệnh phẩm, thực hiện các xét nghiệm giúp chẩn đoán vi rút Zika một cách chính xác nhất và nhanh nhất trong mọi tình huống, từ ca bệnh đơn lẻ đến đại dịch.
Bệnh viện cũng đã có phương án bố trí các khoa phòng sẵn sàng để tiếp nhận bệnh nhân tại hai cơ sở đang hoạt động song song là cơ sở 78 Giải Phóng (Đống Đa) và cơ sở Kim Chung (Đông Anh). Đặc biệt, cơ sở Kim Chung (Đông Anh) với qui mô hiện tại là 500 giường bệnh đã đi vào hoạt động và thực sự sẵn sàng cho mọi tình huống của bệnh dịch do vi rút Zika.
Tôi có nên không đi đến những nơi mà bệnh virus Zika đang xảy ra không?
Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền vi rút Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày. Chủ động phòng chống dịch bệnh một cách tích cực, tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại các hộ gia đình; kiểm tra, loại bỏ vật phế thải không để muỗi sinh sản và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Những triệu chứng của bệnh virus Zika là gì?
Có khoảng 60-80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng. Một số trường hợp nhiễm vi rút Zika có biểu hiện như phát ban dát sần, sốt (thường sốt nhẹ), viêm kết mạc mắt, đau khớp, phù quanh khớp, đau cơ. Các biểu hiện triệu chứng thường nhẹ và kéo dài từ 2-7 ngày.
Người bị bệnh Zika thì sau bao lâu có thể quan hệ tình dục trở lại, thưa bác sĩ?
Người bệnh sau khi nhiễm vi rút Zika vẫn có thể quan hệ tình dục nhưng phải sử dụng bao cao su để tránh lây nhiễm vi rút cho bạn tình. Đã có nghiên cứu cho thấy, vi rút Zika có thể tồn tại trong tinh dịch người đàn ông đến 62 ngày. Do vậy ngoài biện pháp sử dụng bao cao su thì còn biện pháp khác là kiêng quan hệ tình dục trong vòng 62 ngày sau khi đã khỏi bệnh.
Dị tật đầu nhỏ là gì, thưa bác sĩ?
Các căn nguyên gây đầu nhỏ phổ biến là: nhiễm trùng trong tử cung (bệnh do toxoplasma, rubella, herpes, giang mai, cytomegalovi rút và HIV); Phơi nhiễm với các hóa chất độc (kim loại nặng như arsenic và thủy ngân, rượu, phóng xạ và hút thuốc); Bất thường di truyền như hội chứng Down; và suy dinh dưỡng nghiêm trọng trong thời kỳ mang thai. Không có điều trị đặc hiệu cho các trường hợp đầu nhỏ.
Trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ cần được theo dõi sát trong những năm đầu. Thường xuyên theo dõi hình ảnh sọ não để đánh giá sự phát triển của não, đồng thời thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng để cải thiện chất lượng sống cho trẻ.
Một người đã từng bị nhiễm zika thì sau này có thai có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?
Hiện tại chưa có bằng chứng về việc bị nhiễm vi rút Zika trong quá khứ thì sau này ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, bạn cũng phải chú ý đến việc là có thể bị nhiễm lại vi rút Zika trong lần mang thai hiện tại và đến 80% các trường hợp nhiễm vi rút này đều không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
El Nino có thể có ảnh hưởng đến Zika không, thưa bác sĩ?
Nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa, điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, biến đổi khí hậu, hiện tượng Elnino, nhiều khu vực mưa trên diện rộng, nhiều khu vực hạn hán, tăng trữ nước trong các hộ gia đình, nhiều vật dụng phế thải như lốp (vỏ) xe cũ để ngoài vườn, vỏ lon đồ hộp, gáo dừa, chai, lọ, chum vại và các vật thải có thể gây đọng nước không được xử lý là điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng và phát triển đàn muỗi, đặc biệt là vào các tháng mùa mưa làm tăng nguy cơ lan truyền bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết.
Tổ chức Y tế thế giới công bố rằng Zika không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Vậy tôi xin hỏi các chuyên gia, trên thực tế chúng tôi nên nhìn nhận căn bệnh này như thế nào? Nó có phải là một dịch lớn ở Việt Nam và là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm như mọi người đang lo lắng hay không?
Do vậy chúng ta vẫn cần phải có kế hoạch phòng chống và cần quyết liệt hành động. Cần tích cực phát hiện các ca bệnh trong cộng đồng và bệnh viện. Thực hiện các nghiên cứu khoa học để làm sáng tỏ cơ chế gây bệnh, phát hiện thêm đường lây truyền, các biến chứng của bệnh cũng như nghiên cứu về thuốc điều trị đặc hiệu hay vắc xin phòng bệnh.
Tác nhân truyền sốt xuất huyết và bệnh virus Zika đều là loài muỗi Aedes. Biểu hiện lâm sàng của hai bệnh gần giống nhau: sốt, phát ban, viêm kết mạc, đau cơ… Vậy làm thế nào để phân biệt hai bệnh này, thưa bác sĩ?
Về bệnh cảnh lâm sàng thì khó có thể phân biệt chính xác được hai bệnh này, thậm chí xét nghiệm về huyết thanh học cũng có thể nhầm lẫn do có sự phản ứng chéo của kháng thể kháng vi rút gây bệnh sốt xuất huyết và kháng vi rút Zika.
Để khẳng định chính xác vi rút Zika thì cần thực hiện phương pháp RT-PCR. Hướng dẫn quốc gia về chẩn đoán và điều trị bệnh do vi rút Zika đã thể hiện rõ điều này.
Bộ Y tế có khuyến cáo gì với người dân về bệnh Zika trong thời điểm này?
Bệnh do vi rút Zika lây truyền chủ yếu qua muỗi vằn. Loài muỗi này sống ở trong nhà, sinh sản trong các vật chứa nước sạch. Để chủ động phòng chống bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai cần thưc hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi và lăng quăng (bọ gậy) như:
- Ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày.
- Dùng kem xua muỗi, hương muỗi, vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi, tích cực phối hợp với Bộ Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.
- Loại bỏ lăng quăng (bọ gậy) bằng cách đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào chum vại chứa nước, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, thu dọn các vật dụng không chứa nước, thường xuyên thay nước bình bông, bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, thu gom tiêu hủy các vật phế thải, lốp xe có thể gây đọng nước quanh nhà.
- Phụ nữ mang thai nên chủ động đăng ký theo dõi thai sản sớm để được theo dõi sức khỏe định kỳ. Nếu có biểu hiện nghi ngờ, hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị, xét nghiệm khi cần thiết.
Tại các cơ sở khám chữa bệnh, Bộ Y tế có chỉ đạo phun thuốc diệt muỗi trong các phòng bệnh để phòng các bệnh lây truyền do muỗi đốt không thưa ông?
Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo phun thuốc diệt muỗi trong các phòng bệnh để phòng các bệnh lây truyền do muỗi đốt. Công việc này phải được thực hiện thường xuyên và các bệnh viện phải bố trí, sắp xếp người bệnh để không bị ảnh hưởng bởi thuốc.
Phụ nữ từng nhiễm Zika thì sau bao lâu mới nên có thai?
Chào bạn. Sau khi khỏi bệnh, phụ nữ từng nhiễm Zika cần ít nhất sau 2 tháng kể từ thời điểm có biểu hiện bệnh hoặc phơi nhiễm vi rút Zika mới nên mang thai. Trong cơ thể hết vi rút, thì có thể tính đến việc mang thai, nhưng cần có sự tư vấn của chuyên gia y tế. Phụ nữ mang thai không nên quá lo lắng, quan trọng là việc theo dõi và siêu âm thai định kỳ, khám sàng lọc trước sinh để sớm phát hiện dị tật bẩm sinh ở thai nhi để có hướng xử trí phù hợp.
Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Zika nào chưa, thưa bác sĩ Trần Văn Giang?
Tuy nhiên cho đến nay bệnh viện chúng tôi chưa phát hiện ca bệnh nào dương tính với vi rút Zika.
Toàn miền Bắc cũng chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với vi rút này. Do vậy, hiện nay chưa có ca bệnh Zika nào nhập vào bệnh viện để điều trị.
Zika có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ sinh sản nói riêng và sức khoẻ nói chung của nam giới hay không, thưa bác sĩ?
Có khoảng 60-80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng, kể cả phụ nữ mang thai. Các biểu hiện triệu chứng thường nhẹ và kéo dài từ 2-7 ngày.
Điều quan ngại là bệnh có thể gây nên chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Hội chứng Guillain-Barré là một tình trạng mà trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công một phần của hệ thần kinh, gây yếu cơ, tê liệt thần kinh và gần đây, các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành thí nghiệm nghiên cứu ảnh hưởng của vi rút Zika lên loài chuột.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, vi rút Zika làm tinh hoàn của chuột teo lại, cấu trúc nội tế bào bị phá hủy, mức testosterone và số lượng tinh trùng giảm đi. Chưa ghi nhận hiện tượng này ở nam giới nhiễm vi rút Zika. Hiện nay, hiểu biết về bệnh và những ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản còn nhiều hạn chế.
Sau khi khỏi bệnh, virus Zika có còn tồn tại trong cơ thể nữa không, thưa bác sĩ?
Hiện nay, các nghiên cứu về bệnh vi rút Zika vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, một số báo cáo gần đây chỉ ra rằng vi rút này có thể tồn tại trong các dịch cơ thể khá lâu sau khi mắc bệnh.
Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu về sự tồn tại của kháng thể trong những trường hợp đã từng bị nhiễm vi rút Zika. Tuy nhiên, tính bền vững của kháng thể vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu đánh giá.