Chưa ghi nhận biến thể phụ mới của Omicron tại Việt Nam sau giải trình tự gen

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Báo cáo của các đơn vị làm xét nghiệm, giải trình tự gen cho thấy biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron chưa có mặt tại Việt Nam.

Tối 12/4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, kết quả giải trình tự gen mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam đến nay cho thấy, chưa xuất hiện biến thể phụ mới.

Cụ thể, theo báo cáo của các đơn vị làm xét nghiệm, giải trình tự gen cho thấy biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron chưa có mặt tại nước ta.

Trong các báo cáo giải trình tự gen virus gây COVID-19 gần đây, có đến 97-98% số mắc nhiễm chủng BA.2, số còn lại nhiễm chủng Delta, BA.1. Ngoài ra chưa ghi nhận các biến thể khác.

Trước đó Hà Nội đã tiến hành giải trình tự gen ngẫu nhiên. Trong đó có một kết luận rất đáng chú ý đó là 87% mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gen nhiễm biến thể Omicron, chủ yếu biến thể "tàng hình" BA.2. Tại TP HCM, biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gen.

Biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vắc-xin hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.

Theo Bộ Y tế, biến thể BA.2, còn được gọi là "Omicron tàng hình". Khi mắc BA.1 vẫn có khả năng tái nhiễm BA.2 ở phần lớn những người trẻ tuổi, chưa được tiêm chủng. Biến chủng này lây lan nhanh hơn, tuy nhiên ít làm tăng nặng hơn. Các sinh phẩm xét nghiệm hiện nay vẫn đang có hiệu quả trong công tác phát hiện.

Sở dĩ BA.2 được gọi là “biến thể tàng hình” vì nó không chứa đột biến đặc trưng của biến chủng Omicron nên cần phải xem xét kỹ càng kết quả xét nghiệm người nhiễm biến chủng này bằng phương pháp RT-PCR. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, BA.2 khác với BA.1 khi có sự thay đổi về axit amin trong protein gai và các protein khác, khiến BA.2 có lợi thế tăng trưởng hơn BA.1 và không gây triệu chứng nghiêm trọng hơn, song lây nhanh hơn. Đồng thời, các nhà khoa học cũng ghi nhận một số ca tái nhiễm BA.2 sau khi nhiễm BA.1, tức là mắc Omicron 2 lần.

Thống kê tại Việt Nam cho thấy thời gian qua, đặc biệt là cuối tháng 2 đến khoảng hơn giữa tháng 3, số ca mắc COVID-19 tăng cao, có ngày trên 150.000 ca mắc COVID-19. Bộ Y tế chỉ ra nguyên nhân số ca mắc mới tăng nhanh là do biến thể Omicron phổ biến ở nhiều tỉnh, thành thay thế dần biến thể delta (biến thể phụ BA.2 của biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh, tuy nhiên ít làm tăng nặng hơn).

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bổ sung BA.4 và BA.5, biến thể cùng lứa với của biến thể phụ gốc BA.1 của Omicron vào danh sách các biến thể cần theo dõi. Theo WHO biến thể phụ BA.1 và BA.2 hiện chiếm chủ đạo số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu, cũng như biến thể phụ BA.1.1 và BA.3.

Cơ quan này bắt đầu theo dõi các biến thể phụ này bởi "những đột biến mới này cần được nghiên cứu sâu hơn để hiểu về tác động của chúng đối với khả năng trốn hệ miễn dịch". Theo WHO tất cả các loại virus thay đổi theo thời gian.

Tuy nhiên, chỉ có một số biến thể tác động tới khả năng lây lan hoặc lẩn trốn được khả năng miễn dịch có được nhờ tiêm phòng hoặc sau khi mắc bệnh, hay mức độ nghiêm trọng của bệnh do các biến thể phụ này gây ra. Ví như, biến thể phụ BA.2 của Omicron (còn gọi là biến thể Omicron tàng hình) hiện gây ra gần 94% số ca mắc được giải trình tự gen.

MỚI - NÓNG