Ông Phu cho biết: “Trong quy định công bố dịch có điều kiện: Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhưng hiện nay, ngành y tế vẫn đang kiểm soát được tình hình. Dịch sởi mới ghi nhận xuất hiện những ổ nhỏ rải rác.
Mặc dù có hơn 5.000 ca bệnh nghi mắc sởi nhưng so với năm 2009- 2010 (hơn 8.000 ca) số mắc sởi vẫn thấp hơn nhiều”. Tuy nhiên, tại 2 bệnh viện lớn như BV Nhi T.Ư và BV Bạch Mai đang diễn ra tình trạng quá tải bệnh nhi sởi, cùng với đó 59 tỉnh thành có bệnh nhân sởi đang khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Bộ Y tế cho rằng, dịch sởi hiện không bất thường, mà theo đúng chu kỳ 3-5 năm của dịch.
Theo ông Phu, tỷ lệ tiêm phòng sởi của cả nước đạt cao. Nếu tiêm mũi 1 thì khoảng 85% trẻ có miễn dịch, thêm mũi 2 thì tăng lên 90%. Như vậy mỗi năm dư ra 5-10% trẻ tiêm rồi nhưng vẫn mắc, đến chu kỳ dồn lại thì thành dịch.
Theo đánh giá của Bộ Y tế thì thời điểm này lượng bệnh nhân mắc sởi không nhiều như 2 tháng đầu năm nhưng không thể chủ quan. Đặc biệt trong đợt dịch năm nay đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ mắc sởi do đồng nhiễm với các virus khác hoặc có bệnh lý khác.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng từ chối công bố số trẻ tử vong do sởi với lý do cần làm rõ nguyên nhân trực tiếp, vì nhiều trẻ nhiễm sởi nhưng đồng nhiễm các virus khác.
Trả lời câu hỏi nhiều bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi T.Ư bị lây bệnh sởi từ bệnh viện khi đến điều trị bệnh khác? Ông Phu cho hay, nguy cơ lây chéo từ bệnh viện rất cao, vì các bệnh viện, chuyên khoa điều trị nhi ở tuyến trung ương đang điều trị rất đông bệnh nhân sởi dẫn tới nguy cơ lây nhiễm cao.
Khi bệnh nhi đang có bệnh viêm phổi, viêm đường hô hấp mắc thêm sởi khiến trẻ dễ dàng dẫn đến bệnh cảnh nặng hơn. Chuyên gia dịch tễ cho biết, hiện nay tỷ lệ tai biến do sởi đang được tính trên tỷ lệ số người bệnh phát ban dạng sởi vào điều trị tại một số bệnh viện, trong khi cần phải tính trên số trường hợp mắc sởi của toàn cộng đồng. Bên cạnh đó, cần xác định nguyên nhân gây ra các tai biến này là do sởi hay do các nguyên nhân khác.
Thực tế trong số các trường hợp sốt phát ban hiện đang ghi nhận tại các địa phương, có nhiều trường hợp dương tính với các nguyên nhân khác ngoài sởi.
Theo tính toán của các chuyên gia y tế, nên tiêm vắc xin ngừa sởi cho trẻ từ 9 tháng trở lên. Với các trường hợp mắc sớm hơn gần đây, đa phần đều do không nhận được miễn dịch từ mẹ truyền cho. Theo thống kê, số trẻ mắc sởi trước 1 tuổi chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng thể số trẻ mắc sởi nói chung. Vì thế ông Phu cho biết, căn cứ vào diễn biến sau nhiều vụ dịch sởi thì đến nay chưa cần phải điều chỉnh lịch tiêm phòng vắc xin này.
Chưa đến tuổi tiêm chủng cũng mắc sởi
Các ca mắc sởi không còn rải rác như trước đây, từ cuối năm 2013 đến thời điểm hiện tại, số trẻ mắc sởi dồn dập vào viện. Bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh của BV Nhi đồng 1 cho biết, dịch bắt đầu xuất hiện từ tháng 11 năm ngoái và bùng phát từ đầu năm đến nay.
“Mỗi ngày, nơi đây có đến cả 100 trẻ đến thăm khám và điều trị”- bác sĩ Khanh cho hay. Ghi nhận của phóng viên ngày 7/4 tại khoa Nhiễm bệnh viện này đã tiếp nhận hơn 60 ca điều trị nội trú, 2-3 trẻ nằm chung một giường.
Tại BV Nhi đồng 2 và BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, số trẻ mắc sởi được phụ huynh đưa đến khám và điều trị mỗi ngày hơn 100 ca, đa số là trẻ dưới 5 tuổi. Tại BV Bệnh Nhiệt đới, từ đầu năm 2014 đến nay đã tiếp nhận hơn 70 ca mắc sởi, trong khi cả năm 2013 chỉ có 23 ca.
Mặc dù chỉ định tiêm vắc xin sởi cho trẻ bắt đầu từ 9 tháng tuổi đã được Tổ chức Y tế thế giới áp dụng cho chương trình tiêm chủng sởi ở Việt Nam, bởi các nghiên cứu cho thấy dịch sởi ở nước ta vẫn còn nhiều.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy từ cuối năm 2013 đến nay, số trẻ mắc sởi thậm chí chưa đến tuổi tiêm vắc xin cũng gia tăng. Đầu tháng 4/2014, Khoa nội A, BV Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận bé trai N.H.T, 6 tháng tuổi ở huyện Nhà Bè, TPHCM mắc sởi. Đây là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mắc sởi cho dù chưa đến độ tuổi tiêm vắc xin điều trị ở bệnh viện này.
Từ đầu năm đến nay, tại khoa Nhiễm Thần kinh của BV Nhi đồng 1 TPHCM cũng tiếp nhận khoảng 5 trẻ chưa đủ độ tuổi tiêm vắc xin, trong đó có trẻ mới 2 tháng tuổi mắc sởi. Thậm chí, theo bác sĩ Khanh nhiều trẻ đã tiêm vắc xin rồi nhưng cũng mắc bệnh.
Dịch bùng lên do trẻ không có khả năng miễn dịch
PGS-TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế dù thừa nhận các bệnh viện báo cáo có ghi nhận nhiều ca trẻ dưới chín tháng tuổi mắc sởi, tuy nhiên người đứng đầu Cục Y tế dự phòng cho rằng, quan điểm của Bộ Y tế là vẫn giữ nguyên lịch tiêm chủng sởi như thông thường. Theo ông Phu, những trẻ dưới chín tháng tuổi vẫn có khả năng mắc sởi do trẻ không được truyền khả năng miễn dịch từ mẹ…
Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhìn nhận nguyên nhân dịch sởi quay trở lại là do trẻ không được chích ngừa vắc xin. “Rất nhiều người e ngại đưa con đi chích ngừa từ những vụ tử vong liên quan đến vắc xin. Ngoài ra, rất nhiều trẻ không được chích đủ hai liều”- bác sĩ Khanh nói.
Mặc dù Bộ Y tế đã “đặc cách” cho TPHCM tiêm ngừa vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng lên đến 3 tuổi so với 2 tuổi như trước đây nhưng theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, đến nay sau 5 tuần triển khai mới tiêm bù được cho 32 nghìn liều, số ca mắc bệnh vẫn không ngừng tăng lên.
“Đến ngày 29/4, theo kế hoạch, TPHCM phải tiêm vét hết với chỉ tiêu đề ra là 95 nghìn liều bởi theo ước tính số trẻ chưa tiêm sởi đủ mũi theo lịch tiêm chủng là 5 nghìn trẻ/năm cho mũi 1 và khoảng 30 nghìn trẻ/năm cho mũi 2 nên chúng tôi đang tập trung tổng lực để vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm đạt yêu cầu”- bác sĩ Dũng thông tin.
Những nỗ lực của Bộ Y tế để loại bệnh sởi ở Việt Nam vào năm 2017 sẽ khó khăn thêm khi từ cuối năm 2013 đến nay, số ca mắc sởi bùng phát dữ dội, cho dù trước đó chỉ xuất hiện rải rác vài ca. Lơi lỏng trong tiêm vắc xin là nguyên nhân khiến dịch bùng phát, trẻ bị nhiều biến chứng khó lường, thậm chí bệnh sởi đã cướp đi sinh mạng của 4 bệnh nhi.
Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhìn nhận nguyên nhân dịch sởi quay trở lại là do trẻ không được chích ngừa vắc xin.