Lan rộng
Ngày 9/2, các khu khám bệnh của BV Nhi đồng 1, 2 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM tấp nập phụ huynh đưa trẻ đến khám bệnh sởi.
Tại khu khám bệnh trẻ em lành mạnh và chích ngừa dịch vụ của BV Nhi đồng 2, nhiều phụ huynh bồng con chờ chích vắc-xin trong trạng thái mệt mỏi.
Chờ đợi hơn 30 phút, chị Võ Thị Hường (32 tuổi, ở quận 7) nói rằng, nhân viên phòng khám thông báo vắc - xin ngừa bệnh này tạm thời hết.
Ngày 8/2, khoa Dịch vụ khám bệnh trẻ lành mạnh và chích ngừa BV Nhi đồng 2 cho biết đã chích hơn 50 mũi vắc - xin sởi cho các trẻ đã chích mũi một trước đó.
Các bác sĩ cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, đã tiếp nhận hơn 50 ca mắc sởi, trong khi cả năm 2013 chỉ có 23 ca. Tại khu chích ngừa và khám bệnh của Viện Pasteur TPHCM, từ đầu năm đến nay ghi nhận 138 trường hợp có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi và có một số trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi.
BV Nhi đồng 1 và BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM trong một tuần trở lại đây ghi nhận gần 100 ca mắc sởi mới. Trong khi đó, theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, sởi đã xuất hiện ở các quận 6, 8, 10, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh với ít nhất 10 ca ghi nhận ở mỗi quận.
Bác sĩ Phạm Ngọc Anh Tuấn (Viện Pasteur TPHCM) cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do trẻ em chưa được tiêm vắc - xin sởi hoặc chưa được tiêm đầy đủ hay đúng lịch. “Dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng và có xu hướng diễn biến phức tạp vì hiện đang là mùa đông xuân với thời tiết lạnh ẩm thuận lợi cho sự phát triển của bệnh và sự gia tăng giao lưu đi lại, tiếp xúc trong thời gian sau Tết Nguyên đán”, bác sĩ này khuyến cáo.
Thống kê của ngành y tế cho thấy, nhiều trường hợp dương tính với sởi như tại Hà Nội có 30 trường hợp, TPHCM 138, tỉnh Yên Bái 253 (1 bệnh nhân tử vong), tỉnh Lào Cai 120, Sơn La 80.
Nhanh chóng khống chế
Trước diễn biến bất thường của bệnh dịch sởi (bệnh tái xuất ở nhiều địa phương sau 3 năm vắng bóng), ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã có công văn khẩn gửi giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị triển khai khẩn trương các biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi.
Cục Y tế dự phòng yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến của dịch sởi, tổ chức điều tra, xử trí ổ dịch nhằm phát hiện sớm, cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh.
Theo ông Phu, trước mắt phải khống chế để dịch không bùng phát và lây lan trên diện rộng. “Các trường hợp mắc sởi cần được tư vấn, cách ly điều trị phù hợp, tránh để xảy ra biến chứng gây tử vong”, ông Phu nói, đồng thời yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc - xin sởi, để xây dựng, triển khai kế hoạch chiến dịch tiêm bổ sung.
Ngoài ra, y tế các tỉnh, thành phố phải đảm bảo đủ cơ số thuốc, vắc - xin sởi và trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch ở các tuyến; cấp kinh phí đầy đủ cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sởi; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá sự sẵn sàng phòng chống dịch và chỉ đạo việc thực hiện phòng chống dịch bệnh sởi tại địa phương.
Theo Cục Y tế dự phòng, dịch sởi gia tăng chủ yếu do việc tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc - xin chưa được bao phủ tất cả trẻ em. Thời gian qua, do quá lo sợ về phản ứng sau tiêm, nên một số cha mẹ không đưa con đi tiêm chủng, bao gồm cả vắc - xin sởi. Điều này đã làm gia tăng nguy cơ mắc sởi cho trẻ. Vắc - xin sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ và sẽ hết trong khoảng 1-2 ngày sau tiêm mà không cần điều trị gì.
Tại Việt Nam, sởi là bệnh truyền nhiễm phổ biến, mặc dù tỷ lệ mắc bệnh đã giảm mạnh so với trước khi triển khai vắc – xin. Tỷ lệ mắc sởi ở Việt Nam từ năm 1984 đến năm 2012 đã giảm 830 lần. Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang, nhưng chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa từng mắc sởi.