Dịch sởi hoành hành tại 59 tỉnh thành

Bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhi nhiễm bệnh sởi tại khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai-Hà Nội Ảnh: ngọc châu
Bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhi nhiễm bệnh sởi tại khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai-Hà Nội Ảnh: ngọc châu
TP - Đã có 59 tỉnh thành trong cả nước có ca bệnh sởi nâng tổng số ca mắc lên đến 5 nghìn ca, hôm qua 6/4 đại diện Cục Khám chữa bệnh cho biết. Bộ Y tế trước đó cũng có công điện khẩn yêu cầu các địa phương khẩn trương phòng chống dịch bệnh.

Địa phương có số ca mắc và gia tăng chóng mặt trong thời gian qua là TPHCM. Trong tháng 2 nơi đây ghi nhận 30 ca mắc, đến tháng 3 con số này tăng lên 100 ca và hiện vẫn chưa dừng lại. 

Theo Sở Y tế TPHCM, tính từ đầu năm đến nay địa phương này ghi nhận hơn 603 ca mắc mới, tăng 602% so với cùng kỳ năm ngoái. TS-BS Lê Trường Giang - Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM cảnh báo nếu không dập được sởi, nguy cơ TPHCM cùng lúc đối phó với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm trong thời điểm này là rất lớn. “Hiện ngoài dịch sởi đang bùng phát, bệnh thủy đậu, sốt xuất huyết và tay chân miệng cũng gia tăng”- ông Giang cảnh báo. 

Trong nhiều năm công tác tại ngành y, chưa năm nào thấy bệnh sởi diễn biến nặng như năm nay với các biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi nặng.

PGĐ Bệnh viện Nhi T.Ư Phạm Nhật An

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TPHCM hiện bệnh thủy đậu gia tăng với 47 ca mỗi tuần. Từ đầu năm đến nay đã có 369 ca thủy đậu phải nhập viện, tăng 220% so với thời điểm này năm ngoái. Trong khi đó, từ cuối tháng 3 đến nay đã có hơn 120 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Lo ngại hơn, dù đã triển khai chiến dịch tiêm vét vắc-xin ngừa bệnh sởi cho trẻ nhưng sau bốn tuần triển khai, bệnh này vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Bác sĩ Dũng lý giải những năm trước bệnh sởi xảy ra ở trẻ từ 5 tuổi trở xuống nhưng nay lại thay đổi, tập trung nhiều ở trẻ lớn tuổi. 

“Nếu năm 2013, khoảng 90% trẻ mắc bệnh dưới 5 tuổi thì sang năm 2014 số trẻ dưới 10 tuổi mắc bệnh lại chiếm 90%”- bác sĩ Dũng phân tích. Điều này cho thấy mầm bệnh đang lưu hành và nhân rộng đối tượng truyền bệnh. Trong khi đó, việc tiêm bù vắc xin sởi chỉ giới hạn ở trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi nên trẻ từ 3 đến 10 tuổi bị bỏ lọt.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa - Cục Phó Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đến nay Việt Nam ghi nhận 5 nghìn ca mắc sởi chủ yếu là trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng sởi và tiêm chưa đủ vắc- xin sởi theo lịch. Ông Khoa cho biết ở các bệnh viện nhi, nếu số ca mắc sởi tăng cao gây ra tình trạng lây lan chéo cho bệnh nhi khác có thể thành lập các khu khám và điều trị bệnh sởi dã chiến. 

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo các tỉnh thành quyết liệt chỉ đạo tiêm vắc- xin sởi và không bỏ sót đối tượng, đồng thời tăng cường tuyên truyền phòng ngừa bệnh sởi cũng như các bệnh khác…

Tìm điểm bất thường của dịch sởi

Dịch sởi hoành hành tại 59 tỉnh thành ảnh 1

Bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội. ảnh: Như ý

TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết Cục Y tế dự phòng đang cùng các cục, viện liên quan nghiên cứu bệnh nhân nhằm xác định các bất thường của mùa dịch năm nay. Theo những nghiên cứu và đánh giá ban đầu từ Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, chưa có dấu hiệu bất thường trong dịch sởi năm nay. 

Tuy nhiên theo ông Phu, đây chưa phải là kết luận cuối cùng vì còn những ca bệnh bị virus tấn công vào phổi rất nhanh cần nghiên cứu kỹ. Bộ Y tế cho biết đến nay số ca mắc sởi có xu hướng giảm tại các địa phương nhưng không đáng kể.

PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết chỉ trong tháng 3 đã có 345 ca sởi nhập viện. Khoa Truyền nhiễm đã phải dành cả khoa chỉ để điều trị cho bệnh nhân sởi. PGS An cho biết trong nhiều năm công tác tại ngành y, chưa năm nào thấy bệnh sởi diễn biến nặng như năm nay với các biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi nặng. Tất cả các máy thở đã hoạt động hết công suất nhưng nhiều bệnh nhi vẫn phải dùng chung máy thở, máy tiêm truyền.

Tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) ngày nào cũng tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi, có ngày lên tới 20 bệnh nhân. Phần nhiều trẻ chưa được tiêm vắc-xin sởi. Tại đây cũng có nhiều bệnh nhân phải thở máy do biến chứng của bệnh sởi.

Về chất lượng vắc-xin sởi, TS Phu khẳng định: “Vắc xin sởi Việt Nam đang sử dụng là vắc-xin sởi sống giảm độc lực, được sản xuất trên tế bào phôi gà tiên phát. Vắc-xin sởi vẫn an toàn và hiệu quả”.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa- Cục Phó Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đến nay Việt Nam ghi nhận 5 nghìn ca mắc sởi chủ yếu là trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng sởi và tiêm chưa đủ vắc-xin sởi theo lịch.

Theo Trung tâm y tế dự phòng TPHCM, đỉnh dịch tay chân miệng sẽ rơi vào tháng 4. Hiện dịch bệnh này đang vào mùa với khoảng 150 đến 160 ca bệnh nhập viện điều trị mỗi tuần. Từ đầu năm đến nay, TPHCM ghi nhận 1.876 ca mắc, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.