Chủ tịch VFF phải đáp ứng tiêu chí nào?

Bầu Hiển (phải) khẳng định không ra ứng cử chức Chủ tịch VFF nhiệm kỳ tới. Ảnh: VSI.
Bầu Hiển (phải) khẳng định không ra ứng cử chức Chủ tịch VFF nhiệm kỳ tới. Ảnh: VSI.
TP - Nhiệm kỳ VII BCH Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) sắp kết thúc và theo kế hoạch, Đại hội nhiệm kỳ VIII sẽ được tổ chức đúng thời hạn vào tháng 3/2018. Nhân sự lãnh đạo cấp cao VFF, đặc biệt là vị trí Chủ tịch hiện đang trở thành vấn đề nóng bỏng.

Nói “nóng bỏng” vì thời hạn tổ chức Đại hội VIII đã cận kề, tuy nhiên ngành thể thao vẫn chưa ướm được gương mặt nào thực sự khả dĩ đảm đương vị trí Chủ tịch. Do vấn đề sức khoẻ, đương kim Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng chắc chắn sẽ rút lui. Một người khác trong Thường trực VFF là Phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cũng đã có nguyện vọng nghỉ, nên sẽ cũng không tham gia nhiệm kỳ VIII. Đây là hai vị trí đặc biệt quan trọng ở VFF, nhưng lại thiếu các ứng viên “đủ cân, đủ lạng”.

Trong bối cảnh trên, nội bộ VFF lại xuất hiện những thông tin về tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ trầm trọng. Điều này càng khiến lãnh đạo ngành thể thao không khỏi lo lắng. Nguồn tin của Tiền Phong cho biết, trong cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT và VFF hồi tuần trước, vấn đề chuẩn bị cho Đại hội VIII cũng đã được nhắc tới. Định hướng đặt ra đối với VFF là cơ cấu BCH vẫn phải gọn nhẹ, gồm những người am hiểu bóng đá, có kinh nghiệm chuyên môn lẫn quản lý cũng như uy tín trong giới. Đối với vị trí Chủ tịch, ứng viên cần am hiểu và tâm huyết với bóng đá, có uy tín cao trong xã hội, có kinh nghiệm, kỹ năng quản lý. Bên cạnh đó, Chủ tịch VFF cũng phải đảm bảo sức khoẻ để có thể hoàn thành tốt công việc. Hiện ngành thể thao vẫn chưa đặt vấn đề Chủ tịch VFF là người nhà nước hay doanh nhân, nhưng nhiều khả năng phương án người nhà nước sẽ được ưu tiên. “Chủ tịch VFF nếu giỏi cả chuyên môn bóng đá càng tốt, nhưng quan trọng cần giỏi quản lý. Như vậy mới tập hợp được những người giỏi để cùng làm việc. Còn chuyên môn cần thiết đã có bộ phận chức năng cụ thể lo”-một lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết.

Tiêu chí đặt ra là vậy nhưng như nói trên, việc chọn ai đang trở thành một bài toán khó khăn với ngành thể thao. Một số ứng viên đã được nhắc tới thời gian vừa qua, như ông Lê Quý Phượng-Hiệu trưởng trường đại học TDTT TPHCM, Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa, hay Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Thanh niên, Phó chủ tịch HĐQT VPF trước đây, ông Nguyễn Công Khế …Nhưng sau khi nâng lên, đặt xuống, ngành thể thao đều thấy chưa ổn.

Bầu Hiển chắc chắn không ứng cử

Ông Đỗ Quang Hiển là gương mặt nổi bật được nhắc tới thời gian vừa qua, đại diện cho các ứng viên là doanh nhân. Cùng với bầu Đức, bầu Hiển được đánh giá là có tầm ảnh hưởng lớn tới bóng đá Việt Nam trong các năm vừa qua. Những đồn đoán về khả năng Chủ tịch HĐQT ngân hàng SHB ra ứng cử Chủ tịch VFF càng rộ lên sau tuyên bố ủng hộ của ông Hiển đối với HLV Hoàng Anh Tuấn mới đây, vốn đối nghịch quan điểm của bầu Đức.

Tuy nhiên trả lời Tiền Phong hôm qua, ông Hiển đã bác bỏ khả năng này. “Quan điểm của tôi đã làm gì phải làm hết sức, hết trách nhiệm chứ “đánh trống, ghi tên” thì thôi. Mình không làm được phải để người khác làm. Hơn nữa công việc của tôi lúc này rất bận rộn, chưa thể dành thời gian toàn tâm, toàn ý cho bóng đá. Có thể sau này thì khác, nhưng trước mắt chắc chắn tôi chưa thích hợp làm Chủ tịch VFF. Mọi người cứ “loại” tôi ngay đầu danh sách đi”-ông Đỗ Quang Hiển nói.

Cũng theo ông Đỗ Quang Hiển, bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại cần đầu tư mạnh hơn cho đào tạo trẻ, hướng tới xây dựng lực lượng kế cận đủ cả phẩm chất kỹ thuật lẫn thể lực. Điều này quan trọng hơn là việc chăm chăm nghĩ tới chuyện thắng Thái Lan ở những giải đấu trước mắt. Ông Hiển nói: “Theo tôi lúc này nếu chúng ta có thắng họ, thì cũng chỉ là một đôi trận đấu cụ thể. Về tổng thể, bóng đá Thái Lan đang ở trình độ cao hơn Việt Nam, để được như họ hoặc vượt lên, chúng ta cần có thời gian. Đòi hỏi thắng họ ngay lúc này là không thực tế”.

MỚI - NÓNG