Chủ tịch nước chủ trì hội thảo về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 17/3, tại TPHCM, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 tổ chức Hội thảo quốc gia “Những vấn đề mới, đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Chủ tịch nước chủ trì hội thảo về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ảnh 1
  • Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

  • Chủ trì hội thảo có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên.

    Tham dự hội thảo có gần 160 đại biểu là Ủy viên Trung ương Đảng các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học. Đây là hội thảo quốc gia thứ ba được tổ chức, sau hai hội thảo diễn ra tại Hà Nội và Đà Nẵng.

    Chủ tịch nước chủ trì hội thảo về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ảnh 2

    Hội thảo quốc gia về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa diễn ra tại TPHCM ngày 17/3 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

    Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, Ban Tổ chức đã nhận được gần 40 bài tham luận công phu, nội dung phong phú, đề cập đến nhiều vấn đề mới, đột phá cho chiến lược.

    Theo ông Phan Đình Trạc, hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng nhằm trao đổi, thảo luận, đề xuất các vấn đề cốt lõi, mới, đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Ông đề nghị các đại biểu tham luận thẳng thắn, trách nhiệm và mạnh dạn đề cập những vấn đề cần giải quyết, từ đó đề xuất những vấn đề thuyết phục, có cơ sở lý luận và thực tiễn, phù hợp với đặc điểm và yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

    Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, qua nghiên cứu 38 tham luận, cá nhân ông cảm nhận những tình cảm hết sức sâu sắc, thái độ chân thành, thẳng thắn, không né tránh, mang tính lý luận, thực tiễn cao rộng của các tác giả.

    “Có những lời bày tỏ sự nuối tiếc vì chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội. Có những bức xúc, những lập luận biểu đạt như là tự trách mình. Nhiều vấn đề, thuật ngữ không mới nhưng được đặt lại với nhận thức mới, lập luận mới, yêu cầu và giải pháp mới.

    Với tôi, đây là những bài viết biểu đạt tâm huyết rất cao với đất nước hiện nay, cụ thể và sâu sắc. Có nhiều vấn đề đặt lại, nhưng nhận thức mới, đề xuất giải pháp mới. Tôi có niềm tin hội thảo sẽ có nhiều tranh luận để làm sáng tỏ, sâu sắc thêm nhiều vấn đề mới mang tính đột phá” - ông Nên nói.

    Chủ tịch nước chủ trì hội thảo về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ảnh 3

    Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội thảo

    Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho biết, TPHCM đã và đang triển khai chính quyền đô thị, xây dựng mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên trong cả nước và đang nghiên cứu học hỏi nhiều vấn đề trong xây dựng chính quyền đô thị với không ít lúng túng, vướng mắc. Đây là cơ hội tốt để TPHCM tiếp thu ý kiến của các lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện Đề án trình Chính phủ sửa đổi Nghị định về phân cấp; đề xuất cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM đến năm 2030.

    Theo kế hoạch, hội thảo diễn ra trong một ngày. Buổi chiều, sau các tham luận và thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án sẽ phát biểu tổng kết hội thảo.

    MỚI - NÓNG
    Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
    Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
    TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.