Nếu phần mềm không chạy thì phải làm bằng tay
Chiều 9/12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố. Một số đại biểu HĐND thành phố đặt vấn đề về việc thực hiện cam kết, lời hứa của lãnh đạo UBND thành phố với các vấn đề cử tri quan tâm. Việc thực hiện theo các lời hứa này như thế nào?
“Thành phố rất nhiều việc, nếu không có cơ chế giao việc, giải quyết quyết liệt, sáng tạo thì khó giải quyết được như cam kết với người dân”, đại biểu Phạm Đình Đoàn đặt vấn đề.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, việc chất vấn, tái chất vấn của HĐND thành phố rất hiệu quả, giúp làm rõ hơn các vấn đề, cơ quan hành chính UBND thành phố, sở ngành có sự chuyển biến rất tốt. Nhiều việc đã hoàn thành theo kế hoạch, tuy nhiên, cũng có việc chưa đạt, không đạt như báo cáo.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên chất vấn HĐND thành phố chiều 9/12. Ảnh: PV |
“Có nhiều nguyên nhân. Tôi có hỏi chị Hà (Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố sao lại áp thời gian như thế, chị Hà bảo là UBND thành phố đăng ký như thế. Hăng say quyết thắng không cân nhắc kỹ, có nhiều việc nằm ngoài tầm kiểm soát, không cân nhắc kỹ về thời điểm, thời gian thì thành ra thất hứa với dân”, ông Thanh nói, đồng thời đề nghị, trước khi ra Nghị quyết về chất vấn, UBND thành phố được tham gia về thời điểm cam kết.
“Ví dụ chỗ nước thải ở Mê Linh, mong muốn của lãnh đạo thành phố là hai doanh nghiệp ký cam kết trong quý I, nhưng đó là mong muốn của mình chứ không phải mình đi ký kết, chỉ đôn đốc thôi. Vì vậy, cần dùng từ chuẩn, ước lượng thời gian cho phù hợp”, ông Thanh nói. Theo ông Thanh, cử tri, nhân dân cũng không quá chặt chẽ với chính quyền. “Cứ đăng ký quý II đi, vì nói là phải chuẩn, phải làm”, ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Thanh cũng nêu, năm 2023 sẽ triển khai đồng loạt phần mềm mới, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố là “nếu phần mềm không chạy được thì phải làm bằng tay, dứt khoát phải làm”, đặc biệt là hệ thống nhắc việc giữa Hà Nội với các bộ ngành, đừng để phải nhắc đến lần 2 mà không làm. Đây là giải pháp trọng tâm để nâng cao kỷ luật, kỷ cương, thực hiện các lời hứa, cam kết với cử tri và người dân.
Nghiêm túc kiểm điểm trước nhân dân
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh mong cử tri và nhân dân Thủ đô chia sẻ bởi thời gian và nguồn nhân lực thành phố rất hạn chế so với khối lượng công việc phải giải quyết. “10 triệu dân, quản lý từ khai sinh đến khai tử, mà số lượng cán bộ Hà Nội không khác biệt so với các nơi khác. Khối lượng công việc cao, nhiều khi tôi không hiểu sao anh em lại làm được”, ông Thanh nói.
Ông Thanh ví dụ, như hỗ trợ COVID-19, trên địa bàn Hà Nội khoảng 2,6 triệu người, mà Sở LĐTB&XH có mấy chục người làm, không phát sinh đơn thư khiếu nại gì. Hoặc vấn đề dự án chậm triển khai, sơ bộ có khoảng 1.000 dự án, mà Phòng Quản lý dự án của Sở KH&ĐT chỉ có 5 – 7 người thì quản lý sao được.
“Nên phải tổ chức lại, phân cấp phân quyền, nếu không rất nguy hiểm. Như Sở KH&ĐT xử lý 135 dự án chậm triển khai, mỗi dự án là 1 thân phận, tưởng như bị thu hồi nhưng chưa chắc việc thu hồi đã giống nhau”, ông Thanh nêu thêm.
Chủ tịch Hà Nội nói: “Cử tri cũng nên chia sẻ với thành phố, khối lượng công việc cực kỳ nhiều, nhưng trách nhiệm với nhân dân thì phải làm, phải hoàn thiện, lấy lý do đó để thông cảm thôi chứ không phải để làm yếu kém, thoái thác…”
Liên quan đến nội dung đại biểu HĐND hỏi về việc huy động nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư xử lý nước thải, thoát nước trên địa bàn, ông Thanh nêu, quan điểm của thành phố cái gì tư nhân làm được, xã hội hoá được thì tạo điều kiện cho tư nhân làm. Nếu doanh nghiệp không làm thì mới đầu tư công, bởi nguồn lực có hạn, không thể đầu tư công tất cả các lĩnh vực, ngành nghề được. Thành phố sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tham gia.
Về vấn đề xử lý nước thải làng nghề, ông Thanh cho biết, tới đây sẽ sửa đổi Quyết định 23 để phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường, tổ chức đánh giá, phân loại làng nghề. Đáng chú ý, ông Thanh cho rằng, về lãnh đạo, đầu tư tiền bạc cho vấn đề này không phải khó lắm với Hà Nội, nhưng nếu nghiêm túc kiểm điểm trước nhân dân thì “trong chừng mực nào đó, chúng ta, đặc biệt là cấp cơ sở, xã, huyện, sở ngành, UBND thành phố, do công việc, do nhiều chuyện nên chưa quan tâm đầy đủ đến làng nghề, chưa cùng ăn, cùng ngủ, cùng nghĩ về câu chuyện nước thải", dẫn đến có sự chậm trễ, buông lỏng quản lý, lơ là.
"Cảm giác như không ảnh hưởng trực tiếp hàng ngày với mình, nhưng hậu quả lâu dài ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta và con cháu chúng ta”, ông Thanh nói, đồng thời cho biết, trong thời gian tới sẽ quan tâm về vốn và lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trách nhiệm giữa sở ngành với quận, huyện, xã, phường.
"Tình trạng nhà nước đầu tư, ví dụ vấn đề nước sạch, nhưng tụt một đường ống nhựa, đáng lẽ chỉ ra đó gắn vào là xong, nhưng cũng phải gọi lên huyện. Tình trạng đó có nhiều”, ông Thanh nói, nhấn mạnh sẽ bàn kỹ về vấn đề trách nhiệm trong thời gian tới.