Chủ tịch FPT: Bao nhiêu nhân sự ngành bán dẫn đào tạo ra có thể nhận hết

TPO - Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết, bao nhiêu nhân sự ngành bán dẫn đào tạo ra, FPT có thể nhận hết, thậm chí chưa đủ cho nhu cầu của doanh nghiệp. Các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài cũng muốn hợp tác nhiều hơn với Việt Nam.

Chia sẻ tại toạ đàm về công nghiệp bán dẫn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức chiều nay (9/8), ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT - khẳng định, đầu ra, việc làm là vấn đề quan trọng nhất với các bạn trẻ theo đuổi ngành bán dẫn.

Cơ hội trong ngành rất nhiều, với riêng FPT, ông Bình cho biết, bao nhiêu nhân sự ngành bán dẫn đào tạo ra, FPT có thể nhận hết, thậm chí chưa đủ cho nhu cầu của doanh nghiệp.

"Khi tôi gặp gỡ doanh nghiệp Nhật Bản, họ có nhiều việc muốn giao cho chúng ta. Việc của chúng ta là phải học nhiều để vươn lên", ông Bình chia sẻ.

Chủ tịch FPT: Bao nhiêu nhân sự ngành bán dẫn đào tạo ra có thể nhận hết ảnh 1

Toạ đàm về công nghiệp bán dẫn do Bộ KH&ĐT tổ chức chiều 9/8.

Ông Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM - khẳng định việc tham gia của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong quá trình đào tạo là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, trở ngại vẫn tồn tại khi mục tiêu chính của doanh nghiệp là tuyển dụng, không nhiều đơn vị thực sự quan tâm đến việc đồng hành cùng các trường trong đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp vi mạch còn ở quy mô vừa và nhỏ, ít có nhu cầu phát triển hợp tác R&D (nghiên cứu và phát triển).

Về phía trường đại học, ông Quân thừa nhận, lực lượng nghiên cứu có khả năng thực chiến, giải quyết được các bài toán của doanh nghiệp còn ít. Các trường cũng thiếu chính sách thu hút, hỗ trợ nhà khoa học, sinh viên tài năng; thiếu công cụ thiết kế chuyên nghiệp, thiếu bộ thiết kế quy trình (PDK) thực tế của các hãng đúc chip. Sản phẩm nghiên cứu từ nhà trường khó thuyết phục doanh nghiệp.

Ông Quân đề xuất đầu tư phát triển trung tâm nghiên cứu chung, chuyên sâu trong lĩnh vực bán dẫn; phát triển chính sách, đầu tư nguồn lực để thu hút, đào tạo giảng viên…

Cơ chế đặc thù phát triển TP. Đà nẵng được Quốc hội thông qua có nội dung quan trọng về phát triển chip bán dẫn. Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng - cho biết, địa phương quyết định xây dựng đề án đến năm 2030 đào tạo, phát triển ít nhất 5.000 kỹ sư lĩnh vực vi mạch, bán dẫn.

Lãnh đạo Đà Nẵng đề nghị Bộ KH&ĐT sớm trình Chính phủ ban hành chiến lược về phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn, trong đó, phân bổ các nguồn lực thích hợp, tập trung tạo điều kiện cho địa phương có thế mạnh (trong đó có Đà Nẵng); có phương án đầu tư trung tâm phục vụ công nghiệp bán dẫn quốc gia tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng.

Ghi nhận các ý kiến, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong tháng 8 này Chính phủ sẽ đưa ra những quyết sách quan trọng, trong đó có những vấn đề mà Bí thư Thành ủy TP. Đà Nẵng đề cập. Trước đó, Bộ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050.

Bộ trưởng KH&ĐT nhấn mạnh, Việt Nam cần xác định ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đào tạo nhân lực ngành bán dẫn là vấn đề mang tính chiến lược, quốc gia nào nắm được, đào tạo được, quốc gia đấy sẽ thành công.

MỚI - NÓNG
Cổ phiếu nào gây chú ý nhất hôm nay?
Cổ phiếu nào gây chú ý nhất hôm nay?
TPO - VN-Index tiếp tục nối dài đà tăng trong phiên hôm nay (10/10), trở lại trên mốc 1.290 điểm. Trong khi cổ phiếu lớn nỗ lực kéo thị trường, nhóm cổ phiếu vốn tầm trung (midcap) lại gây áp lực. Diễn biến đáng chú ý ghi nhận tại FPT, cổ phiếu tiếp tục lập đỉnh mới.