Cơ hội 'đáng kinh ngạc' của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư vào Việt Nam. Doanh nghiệp nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Hôm nay (7/12), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức toạ đàm với Chủ tịch Hiệp hội công nghệ bán dẫn Mỹ (SIA) và các doanh nghiệp thành viên, trao đổi về kế hoạch hợp tác với Việt Nam.

Năm 2030 Việt Nam sẽ có 30.000 kỹ sư ngành bán dẫn

Chia sẻ tại toạ đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Để triển khai nội dung hợp tác phát triển ngành bán dẫn trong tuyên bố chung Việt - Mỹ thời gian vừa qua, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Mỹ trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.

Chúng tôi đã hoàn thiện cơ chế một cửa, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030 sẽ đạt 30.000 kỹ sư ngành bán dẫn, thành lập NIC Hoà Lạc để sẵn sàng đón nhận dự án đầu tư ngành bán dẫn với các chế độ ưu đãi nhất”.

Cơ hội 'đáng kinh ngạc' của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Mỹ trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.

Ông Dũng thông tin thêm, vừa qua Quốc hội đã ban hành nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng Nghị định thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành bán dẫn; sẽ sớm ban hành vào giữa năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là các tập đoàn của Hoa Kỳ như Intel, Amkor trong mảng đóng gói, kiểm thử; Marvell, Qorvo, Qualcomm trong mảng thiết kế; Synopsys, Cadence trong việc cung cấp công cụ thiết kế chip bán dẫn… Đây cũng là minh chứng cho thấy sự thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam với các nhà đầu tư ngành bán dẫn.

Theo ông John Neuffer - Chủ tịch SIA, các doanh nghiệp thành viên của SIA, nhiều công ty có mặt tại đây ngày hôm nay, có các khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam, bao gồm Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon…

“Những khoản đầu tư này minh chứng cho vai trò then chốt, ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”, ông John Neuffer nhấn mạnh.

Cơ hội 'đáng kinh ngạc' của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu ảnh 2

Chủ tịch SIA cùng các doanh nghiệp thành viên nhận thấy Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển ngành bán dẫn.

Cơ hội vàng

Các doanh nghiệp thành viên SIA cũng đã thông báo những kế hoạch, dự định phát triển và đề xuất chính sách hỗ trợ để phát triển tại thị trường Việt Nam.

Bà Sarah Kemp - Phó Chủ tịch quan hệ chính phủ của Intel - nhấn mạnh, đơn vị muốn thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể hỗ trợ các vướng mắc của mình trong lĩnh vực đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam. Về giải pháp hỗ trợ cho đầu tư công nghệ bán dẫn, đại diện Intel đề xuất chính sách thuế để khuyến khích đầu tư dài hạn; khích lệ đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D).

Ông Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - nhận định, nếu nhu cầu ngành chip bán dẫn tăng lên, sinh viên sẽ chuyển sang quan tâm lĩnh vực này nhiều hơn và Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nguồn nhân lực từ đào tạo thêm tới đào tạo mới hoàn toàn. Việt Nam có khoảng 40 trường đại học đang đào tạo các lĩnh vực liên quan đến bán dẫn.

"Tôi rất muốn các doanh nghiệp Mỹ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, xây dựng chương trình đào tạo, hỗ trợ cho sinh viên đến thực tập, hỗ trợ các trường đại học xây dựng phòng thí nghiệm", ông Phúc bày tỏ.

Cơ hội 'đáng kinh ngạc' của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu ảnh 3

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam & Indonesia - cho biết, Qualcomm đã hợp tác với các đối tác Việt Nam khoảng 20 năm trong suốt quá trình chuyển đổi số. Kế hoạch của Qualcomm cũng tiếp tục mở rộng hợp tại Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn thông qua các chương trình đào tạo (của Qualcomm), đồng thời nhận thấy việc triển khai kết cấu hạ tầng rất quan trọng trong việc phát triển ngành. Theo Qualcomm, triển khai hạ tầng 5G là rất cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn.

Ông Lê Quang Đạm - Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam - cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội vàng để phát triển ngành bán dẫn. Marvell bày tỏ cam kết, trong 3-5 năm tới sẽ phát triển nhân lực thông qua hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, cùng sự hỗ trợ từ Chính phủ. Marvell đã đầu tư phát triển nhiều công nghệ mới tại Việt Nam, và mong muốn có hành lang pháp lý, bảo hộ trí tuệ chặt chẽ.

Khó khăn trong phát triển nguồn nhân sự chất lượng cao cũng là vấn đề Infineon gặp phải. Infineon có mặt tại Việt Nam từ năm 2017, sản phẩm có độ phủ rộng rãi, như chip lưu trữ thông tin trong căn cước công dân, nhưng chưa nhiều người biết đến.

SIA thành lập năm 1997, là hiệp hội đại diện cho ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ. Đến nay, SIA quy tụ mạng lưới các doanh nghiệp thành viên chiếm tới 99% doanh thu ngành bán dẫn Mỹ, trong đó 2/3 là các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài. Tháng 9, tại cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Chủ tịch SIA và các lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp bán dẫn của Mỹ tại Washington DC, hai bên đã thống nhất thúc đẩy các đoàn doanh nghiệp bán dẫn Mỹ thăm, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam và hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp hai nước.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.