Chủ tài sản “chết đứng” trên đống tài sản

Các phân đoạn của con tàu trong Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng gỉ sét theo thời gian
Các phân đoạn của con tàu trong Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng gỉ sét theo thời gian
TP - Tăng trưởng nóng, đầu tư ồ ạt vào đóng tàu, nhưng ngờ đâu thị trường tàu biển lại tụt dốc thảm hại. Giờ đây, các ông chủ đóng tàu chưa tìm ra lối thoát, đành phải nhìn khối tài sản trăm tỷ, nghìn tỷ nằm chết.

> Tàu biển thành tàu 'ma', người đóng tàu lay lắt
> Thủ tướng Ukraina muốn giúp VN sản xuất máy bay, đóng tàu

Dùng âu tàu nuôi cá

Đường dẫn vào nhà máy đóng tàu của xí nghiệp đóng tàu tư nhân Trung Hải (TP Hải Phòng) vẫn lổn nhổn đá dăm, đất bùn và ổ gà. Tiếng là nhà máy đóng tàu tới 1 vạn tấn mới đầu tư, có hơn 1.000 lao động nhưng giờ chẳng thấy bóng công nhân nào.

Ở chòi gác, ông Đoàn Lê Trung (70 tuổi), chủ xí nghiệp đang ngồi uống trà, ngắm nhìn hai con tàu neo trên đà với vẻ tiếc nuối.

Năm 2006, xí nghiệp đóng tàu Trung Hải bắt đầu xây dựng nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển.

Năm 2010, nhà máy phải tạm dừng thi công vì thị trường vận tải biển, đóng tàu suy thoái. Trên bãi, hàng trăm cọc bê tông, vật liệu để gia cố nền móng, cầu tàu trị giá hàng chục tỷ đồng nằm phơi sương.

Dẫn chúng tôi đi một vòng xem nhà máy, ông Trung xót xa: “Khối tài sản trăm tỷ han gỉ dần. Đây là âu tàu với 5 cầu có thể đóng mới, sửa chữa tàu cỡ 5.000 tấn, giờ đang cho thuê chỗ neo tàu, kiếm 1-2 triệu đồng/ngày.

Bên kia là âu tàu lớn để đóng tàu trọng tải 1 vạn tấn, đang thi công dở. Hai năm nay, do không có hợp đồng đóng mới tàu nên mình cho bơm nước vào âu tàu này để nuôi cá, tranh thủ đánh mẻ cá lấy tiền ăn Tết.

Nhưng trận bão số 8 vừa qua, nước sông dâng tràn âu tàu cuốn trôi phần lớn số cá trong âu thuyền”.

Tiếc công sức san lấp nền đất, diện tích rộng lớn bỏ hoang, vợ chồng ông Trung quyết định trồng chuối, sắn củ, nuôi gà, ngỗng để…gỡ gạc thêm.

Nhà máy đóng tàu Trung Hải giờ biến thành một trang trại với vườn chuối rộng hơn 1 ha, 200 con gà, 6.000 con cá giống… Giờ, các công nhân gọi ông Trung là chủ tá điền Nam Bộ, thay vì ông chủ đóng tàu lão làng.

Bà Giang (vợ ông Trung) mang đĩa xôi sắn còn bốc khói nghi ngút ra mời khách. “Công nhân vừa dỡ mấy bụi sắn nên mình nấu xôi sắn khao quân.

Đất rộng, bỏ không thì lãng phí, nên tranh thủ canh tác thêm mấy loại nông sản quê thôi”- Bà Giang nói, không giấu nỗi buồn: “Vốn liếng đổ hết vào nhà máy cũng ngót nghét 100 tỷ đồng, mà không có tàu đóng. Thu không đủ bù chi, nên đầu năm, xí nghiệp đã cho 1.000 công nhân nghỉ việc, chỉ giữ lại khoảng 20 người để duy trì hoạt động thôi. Tiếng là có tài sản lớn, nhưng giờ cứ như người không có tiền. Đúng là sống vì nghề, mà chết vì nghiệp đấy”.

May mắn là vợ chồng ông đầu tư bằng vốn tự có, không vay mượn ngân hàng, vay ngoài nên không bị kiệt quệ hoặc sa vào vòng lao lý như nhiều chủ doanh nghiệp đóng tàu khác.

Nằm bên bờ sông Văn Úc, nhà máy đóng tàu của Cty CP đóng tàu Đại Dương cũng trong cảnh nằm không. Theo một lãnh đạo công ty, từ năm 2008, công ty này đã dừng đóng tàu do nhu cầu thị trường giảm sút mạnh.

Trong 3 năm qua, nhà máy cũng không có đơn hàng đóng tàu mới nào. Thiếu việc làm, Cty đóng tàu Đại Dương cho 800 công nhân nghỉ việc, chỉ giữ lại hơn 100 người.

Dự án nghìn tỷ dở dang

Dọc Quốc lộ 5 (Hải Phòng), nhiều nhà máy đóng tàu tư nhân như Đông Á, Hoàng Gia, Thái Sơn… cố cầm cự với vài dự án tàu đóng dở. Chủ đóng tàu tư nhân đã lao đao thế, nhưng các đơn vị đóng tàu chủ lực của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tại Hải Phòng còn thê thảm hơn.

Từ Bạch Đằng, Phà Rừng, Nam Triệu, Bến Kiền đến các công ty đóng tàu nhỏ như Tam Bạc, An Đồng đều lao đao vì đói việc.

Dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy đóng tàu Phà Rừng do Cty TNHH MTV đóng tàu Phà Rừng (thuộc Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng) làm chủ đầu tư để đóng tàu 3,4 vạn tấn. Theo một cán bộ của Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng, đến thời điểm này, Cty đóng tàu Phà Rừng đã giải ngân hơn 700 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 4.876 tỷ đồng.

Hiện, dự án mới chỉ xong phần san lấp nền (diện tích hơn 92 ha), làm móng, nhà xưởng, thiết bị vẫn dở dang nhưng đã tạm dừng. Bên cạnh đó, dự án nâng cao năng lực đóng tàu chở dầu với tổng mức đầu tư 198 tỷ đồng cũng đang thiếu vốn để hoàn thiện.

Năm 2008, Tổng Cty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu khởi công hai dự án đầu tư xây dựng ụ tàu 70.000 tấn và đà tàu 100.000 tấn với tổng mức đầu tư hơn 2.876 tỷ đồng.

Khi hoàn thành, dự án có thể đóng tàu trọng tải tới 7 vạn tấn, công suất đóng mới 3 tàu/năm, sửa chữa 2 tàu/năm. Đến tháng 9-2009, Tổng Cty đã xin giãn, hoãn tiến độ, năm 2012 mới xong phần san lấp mặt bằng thì tạm dừng cho đến nay.

Trong khi đó, hai nhà máy lắp ráp động cơ diesel Man B&W, Mitsubishi (tổng mức đầu tư hai dự án là 560 tỷ đồng) của Tổng Cty công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng đã cơ bản hoàn thành từ năm 2010.

Nhưng phải tạm dừng sau khi xuất xưởng được một máy tàu Mitsubishi. Trên bãi đóng tàu, lác đác chỉ có vài công nhân làm việc giữa những khối cấu kiện, sắt thép, xương, vỏ tàu… đã hoen gỉ.

Một chủ đóng tàu có hơn 25 năm kinh nghiệm cho biết: “Từ năm 1992 đến nay, đã có 3 lần ngành đóng tàu Việt Nam khủng hoảng. Nhưng lần suy thoái này là khủng khiếp nhất do chịu thêm tác động kép của thị trường thế giới.

Trong 5 năm qua, các nhà máy đóng tàu của nhà nước và tư nhân tăng trưởng quá nóng, đầu tư ồ ạt, không lường điểm rơi của thị trường đóng tàu nên bị thiệt hại nặng nề”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.