Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục Quốc hội: Xử lý nghiêm giáo viên thiếu gương mẫu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Ảnh hưởng của người thầy đối với học trò là vô cùng lớn do đó yêu cầu sự chuẩn mực, gương mẫu, đề cao sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề. Giáo viên thiếu gương mẫu phải được xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục Quốc hội nói tại hội nghị "Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường". 

Chương trình do Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục của Quốc hội phối hợp Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 22/8 với 63 điểm cầu trên toàn quốc.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục Quốc hội: Xử lý nghiêm giáo viên thiếu gương mẫu ảnh 1

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục Quốc hội ông Nguyễn Đắc Vinh.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng xây dựng và phát triển văn hoá học đường phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành Giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục, đào tạo. Ở đó, con người phải là trung tâm và phát triển con người phải được quán xuyến trong tất cả các hoạt động của nhà trường. Ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện chương trình GDPT mới, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm.

“Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người. Trong đó, văn hoá học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào”, ông Sơn nói.

Xử lý nghiêm giáo viên vi phạm

Theo ông Vinh, hai trọng tâm lớn để xây dựng văn hoá học đường là xây dựng môi trường trường học lành mạnh, con người chuẩn mực. Trong đó, môi trường văn hoá được hiểu gồm môi trường cứng (cảnh quan trường học, kiến trúc phù hợp văn hó truyền thống) và môi trường mềm (hoạt động, hành vi, ứng xử trong nhà trường).

Do đó, ông Vinh đề nghị nhà quản lý giáo dục cần chỉ đạo xây dựng các quy định, quy chế, quy tắc ứng xử trong trường học.

"Đối với giáo viên, trong truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam, người thầy luôn được xã hội ghi nhận, tôn vinh, coi là tấm gương về trí tuệ, đạo đức, lối sống. Ảnh hưởng của người thầy đối với học trò là vô cùng lớn, do đó phải yêu cầu, quy định sự chuẩn mực, gương mẫu, đề cao sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề. Giáo viên thiếu gương mẫu phải được xử lý nghiêm”, ông nhấn mạnh.

Đối với học sinh, sinh viên, ông Vinh yêu cầu phải được bồi dưỡng, rèn luyện trong các giờ học, các hoạt động của nhà trường để hình thành phẩm chất đạo đức, nhân cách... bắt đầu từ những việc nhỏ hằng ngày như ứng xử lễ phép, đúng mực, đúng giờ, học tập nghiêm túc.

Tuy nhiên, ông cũng đề nghị việc xây dựng và ban hành các hệ giá trị văn hóa trong trường học thực hiện một cách khoa học, không áp đặt, không cầu toàn. Các giá trị văn hóa được hình thành qua các hoạt động thực tiễn. Do đó, trường học cần tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thi đua để từng thành viên cảm nhận, thẩm thấu.

Ví dụ như việc xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp cũng phải do chính thầy cô, học sinh cùng làm mới đem lại hiệu quả.

Cho rằng, xây dựng văn hoá nói chung và văn hóa học đường đòi hỏi quá trình lâu dài, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội đề nghị cơ sở giáo dục xây dựng các mô hình điểm. Nên bắt đầu từ những việc cụ thể hằng ngày. Phối hợp tổ chức đoàn, hội để thực hiện các phong trào, hoạt động đồng thời tuyên dương, khen thưởng các tấm gương thực hiện tốt.

“Các đơn vị rà soát, xây dựng bộ quy tắc ứng xử dễ nhớ, dễ thực hiện, chú ý môi trường văn hóa không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số. Chú trọng giáo dục văn hoá, đặc biệt văn hoá truyền thống trong các môn học, hoạt động trải nghiệm...”, ông Vinh yêu cầu.

MỚI - NÓNG