Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn T.Ư cho biết, sáng qua (2/11), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 12 (tên quốc tế là Damrey-Con Voi) trên biển Đông. Khoảng 16 giờ hôm qua, bão cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 750km về phía đông, với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11. Sau đó, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, tốc độ khoảng 20 km/h và mạnh lên.
Đến 16 giờ hôm nay (3/11), bão cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 230km về phía đông, với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 14. Theo dự báo, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung bộ với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15 và yếu dần.
TS Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, khoảng tối 3/11, bão số 12 sẽ áp sát vùng biển Nam Trung bộ. Nếu đến sớm, bão sẽ đổ bộ vào Nam Trung Bộ từ đêm 3/11, còn muộn sẽ đến sáng 4/11 ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển khu vực trên.
Ông Cường cho hay, đây là cơn bão rất mạnh, lúc đổ bộ sẽ đạt 10-11, giật cấp 13, trọng tâm là các tỉnh Nam Trung bộ, các tỉnh Trung Trung bộ cũng bị ảnh hưởng như Quảng Nam, Đà Nẵng. Bão cũng gây mưa lớn, nguy cơ ngập lụt từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Dự báo mưa trong 2 ngày 3-4/11, mưa sẽ tập trung ở khu vực Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hoà; từ ngày 5-7/11, mưa sẽ mở rộng đến khu vực Quảng Bình-Nghệ An.
Theo ông Cường, một số đài quốc tế dự báo tổng lượng mưa cả đợt lên tới 1.000mm, nên rất nguy hiểm, vì đúng thời điểm mùa mưa Trung và Nam bộ. “Mưa lũ có khả năng lên tới báo động 3, không loại trừ trong những ngày tới chúng ta sẽ đối mặt với loại hình thiên tai báo động trên cấp”- ông Cường nói.
Từ đêm 3-8/11 trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và lưu vực sông Đồng Nai khả năng cao tiếp tục xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu diện rộng trong đợt lũ này. Ngoài ra, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cũng cảnh báo, bão vào đúng vào thời điểm thuỷ triều lên cao, cùng với sóng do bão, sẽ gây nguy hiểm cho hệ thống đê biển.
Cảnh báo nhiều hồ chứa nguy cấp
Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), các địa phương cần chủ động lên phương án phòng chống bão cụ thể, yêu cầu tàu thuyền trong khu vực ảnh hưởng của bão di chuyển tìm nơi trú tránh.
Theo ông Hoài, đây là cơn bão mạnh, nên địa phương chủ động cấm biển. Lực lượng công an phối hợp địa phương tuần tra canh gác đảm bảo an toàn khu vực di dân cũng như khu vực dân đến; chủ động cho học sinh nghỉ học.
“Giám sát chặt chẽ phương án bảo vệ an toàn đối với các công trình đê biển đang xây dựng.Các địa phương cần xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các công trình hồ thủy điện, thủy lợi”- ông Hoài nói.
Theo Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, hiện khu vực Nam Trung bộ có hơn 500 hồ chứa thuỷ lợi, trong đó 132 hồ chứa lớn, 369 hồ chứa nhỏ. Hầu hết các hồ đạt 60-85% dung tích thiết kế. Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định các hồ đạt 30-50 % dung tích thiết kế.
Hiện khu vực trên có 57 hồ chứa xung yếu (16 hồ lớn, 41 hồ nhỏ). Các tỉnh có nhiều hồ xung yếu như: Quảng Ngãi 11 hồ, Bình Định 17 hồ... Các hồ đặc biệt cần quan tâm khi có mưa lớn: Hồ Buôn La Bách, Hóc Răm (Phú Yên); Đập Làng, Ông Thơ (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Thạch Bàn (Bình Định); Sông Biêu (Ninh Thuận); Trà Tân, Sông Quao (Bình Thuận).
Tại khu vực Đông Nam bộ, có 113 hồ, hầu hết các hồ đạt 70-85% dung tích thiết kế, trong đó có 4 hồ xung yếu (Bình Phước 2 hồ, Đồng Nai 2 hồ).
Yêu cầu cảnh báo cho người dân vùng hạ du khi xả lũ
Trước diễn biến của bão số 12, Bộ Công Thương đã có Công điện khẩn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Thuận; khu vực Tây Nguyên và khu vực Nam Bộ cùng các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trực thuộc bộ, các chủ đập thủy điện yêu cầu tổ chức kiểm tra và triển khai các biện pháp gia cố công trình, nhà xưởng để hạn chế thiệt hại, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và áp thấp nhiệt đới để có phương án ứng phó phù hợp.
Theo đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo các đơn vị khai thác dầu khí trên biển triển khai phương án ứng phó với mưa bão, chủ động sơ tán người trên công trình theo kế hoạch ứng cứu khẩn cấp. Tập đoàn Điện lực Việt Nam được yêu cầu chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho hệ thống truyền tải và lưới điện; chuẩn bị phương tiện, vật tư sẵn sàng khắc phục sự cố nhanh nhất, bảo đảm an toàn. Có phương án và bảo đảm duy trì các nguồn điện phục vụ hoạt động của Hội nghị cấp cao APEC trong mọi tình huống.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các chủ đập thủy điện vận hành hồ chứa đúng quy trình liên hồ, đơn hồ, chủ động hạ mực nước đón lũ, phối hợp điều tiết liên hồ góp phần cắt, giảm lũ cho hạ du; thông báo kịp thời tình hình vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng; cảnh báo cho nhân dân vùng hạ du khi xả lũ; tổ chức kiểm tra toàn thể công trình, khắc phục kịp thời các khiếm khuyết có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn công trình.
P.Tuyên