Tìm đến tòa soạn xin tư vấn, người vợ trẻ chỉ biết cúi mặt khóc ròng. Cuộc sống hôn nhân hiện tại được chị ví như “bể khổ” không lối thoát vì chồng chị không đồng ý ly hôn. Bản thân chị cũng dùng dằng, lần lữa vì thương con, cũng vì lo ly hôn sẽ “mất thể diện”…
Năm năm trước, khi rời quê nghèo ra thành phố học tại một trường nghề, chị Loan ấp ủ ước mơ sẽ xin được công việc ổn định nơi phố thị. Tuy nhiên, ra trường chật vật mãi vẫn không xin được việc nên chị đã chấp nhận lấy một chàng trai người thành phố để ổn định cuộc sống trước rồi mới lo công việc.
Sau khi lấy chồng chị mang bầu, rồi bận con thơ, việc nhà nên rốt cục chấp nhận ở nhà nội trợ để chồng ra ngoài kinh doanh buôn bán.
Chồng chị là người gia trưởng, độc đoán, tính tình lại chặt chẽ nên anh luôn xét nét vợ trong việc chi xài, sợ vợ bòn rút tiền nhà để giúp đỡ cha mẹ ở quê. Anh luôn mặt nặng mày nhẹ về việc anh phải vắt kiệt sức mình để nuôi mấy mẹ con chị ở nhà “ăn bám”, cho dù thực tế chị cũng vất vả tối ngày chẳng khác gì một “ô sin”.
Cuộc sống đối với chị vốn đã ngột ngạt, gần đây lại thêm bi kịch chồng bị tai nạn vĩnh viễn mất đi “bản lĩnh đàn ông”. Những ức chế về sinh lý và tinh thần khiến chồng chị càng khó tính, ghen tuông, anh nghĩ ra đủ trò quái đản, bạo hành để trả thù vợ. Cực chẳng đã, chị Loan đặt vấn đề ly hôn nhưng anh không chịu. Chồng chị bảo anh nuôi chị “ăn trắng mặc trơn”, giờ anh sức cùng lực kiệt rồi thì chị phản bội.
Có những lúc nhìn anh đau khổ, tâm trạng bị kích động, bị tổn thương chị lại sợ hãi và sợ chồng nổi khùng làm điều tàn nhẫn với vợ con. Tuy vậy, cũng có khi chồng chị bình tĩnh, tỉnh táo, anh nói rằng nếu ly hôn chị sẽ phải ra đi tay trắng, chị không có công ăn việc làm, không nhà cửa ở thành phố này đương nhiên không bao giờ có thể giành được quyền nuôi con.
Anh còn đưa ra yêu sách bắt chị phải thanh toán số tiền chị đã “ăn bám” chồng suốt 4 năm qua kể từ ngày lấy nhau, tính sơ sơ chị cũng phải “bồi thường” cho anh hàng trăm triệu đồng. Chị cũng thấy lo vì những điều anh nói ra đều là sự thật. Thực tế từ khi bước chân về nhà chồng, chị chỉ ở nhà “ăn bám” chồng như anh nói chứ không làm ra tiền…
Chẳng lẽ khi ly hôn, chị không những không được chia của cải mà còn phải thanh toán hoàn trả cho chồng chi phí ăn ở, sinh hoạt hay sao?
Chị Loan đã mày mò vào mạng tìm hiểu thì cay đắng biết rằng người không có công ăn việc làm, không có thu nhập ổn định và không có khả năng tài chính như mình thì việc giành quyền nuôi con sau ly hôn là điều gần như không tưởng.
Ý nghĩ ấy, cộng với việc thương con còn nhỏ, không nỡ để con xa rời vòng tay mẹ khiến chị gần như buông xuôi cam chịu. Hoặc chí ít chị cố chịu đựng thêm một thời gian nữa, khi con đã cứng cáp thì chị sẽ tính đến chuyện ly hôn.
Tuy nhiên, càng ngày cuộc sống hôn nhân của chị càng trở nên tăm tối và bi đát… Chị không biết phải làm sao bây giờ?
Nghe tâm sự của chị Loan, chúng tôi thấy tình cảnh của chị cũng như nhiều phụ nữ yếu đuối và cam chịu. Biết rằng chị đang giằng xé không nỡ ly hôn vì thương con nhưng không phải chỉ những người mẹ quẩn quanh xó cửa ôm con mới là thể hiện tình thương con.
Như chị tâm sự thì mâu thuẫn tình cảm vợ chồng đã rất trầm trọng nên ly hôn đôi khi lại là giải pháp tốt cho cả hai người. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là chồng chị không đồng ý ly hôn và đưa ra quá nhiều yêu sách để “bắt chẹt” vợ.
Pháp luật chỉ quy định vợ chồng có nghĩa vụ yêu thương, tôn trọng và tạo điều kiện cho nhau phát triển chứ không có quy định nào về việc vợ phải trả tiền ăn ở, tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt phí trong thời gian mang thai, ở nhà nuôi con chung cho chồng. Những yêu cầu vô lối của anh ta không chỉ hiện rõ bản chất con người anh ta và khẳng định anh ta không hề yêu thương, tôn trọng vợ.
Chồng chị không đồng ý ly hôn nhưng điều đó không có nghĩa là chị sẽ không được phép ly hôn. Theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, thậm chí ngay cả khi chị cam chịu, không yêu cầu ly hôn nhưng nếu cha mẹ, anh em ruột của chị phát hiện yếu tố chị bị chồng ăn hiếp, bạo hành họ cũng có quyền được yêu cầu Toà án “giải thoát” cho chị.
Một khi đã xác định không còn tình cảm vợ chồng, đã tính chỉ còn nước ly hôn thì chị hãy tỉnh táo và cứng rắn quyết định ngay để tìm cho mình cơ hội hạnh phúc mới, đừng chần chừ. Trước mắt, chị cần phải tìm ngay cho mình một công việc để có thu nhập, thoát khỏi cảnh sống phụ thuộc, tù túng hiện tại. Đó cũng là giải pháp chị tạo dựng cho mình cơ sở vững chắc để giành được quyền nuôi con.
Theo các chuyên gia pháp lý, nếu chị đã quyết định việc ly hôn thì cũng nên tỉnh táo yêu cầu giải quyết dứt điểm luôn vấn đề tài sản. Mặc dù trong suốt thời kỳ hôn nhân chị chỉ ở nhà làm nội trợ, không làm ra tiền nhưng điều đó không có nghĩa ly hôn chị phải ra đi tay trắng.
Theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, khi ly hôn chị vẫn được quyền hưởng phần tài sản do chồng chị làm ra. Mình được quyền nhận những gì pháp luật cho phép, đừng vì sĩ diện hoặc nể nang mà chấp nhận thiệt thòi. Mong rằng chị sẽ thận trọng và mạnh mẽ để có một quyết định đúng đắn.