Cuộc tuyển chọn chưa diễn ra, cũng có thể hình dung: Một “ban giám khảo” đặt các câu hỏi, “thí sinh” có thể run và toát mồ hôi để trình bày. Cuộc tuyển chọn không có sự phân biệt nào, miễn là có tài năng và đức độ. Câu chuyện được sự đồng thuận trong nội bộ lãnh đạo tỉnh này và cả sự háo hức của đội ngũ cán bộ, lẫn người dân.
Chắc chắn sẽ có nhiều câu hỏi “xoáy” bên lề câu hỏi chính: Nếu trở thành bí thư huyện ủy, anh/chị làm gì cho nhân dân? Đây thực sự là một câu hỏi, cán bộ cấp nào cũng nên nằm lòng và biến thành hành động. Bởi vì, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã tha hóa, làm mất niềm tin trong nhân dân. Lâu nay, nhiều cán bộ cấp cao đã được đem ra xét xử công khai. Trên đã “nóng”, nhưng ở dưới đâu đó vẫn “lạnh”.
Có những câu chuyện nghe dân kể lại, bí thư một huyện nọ để dân chờ dài cổ một sự kiện ý nghĩa, nhưng cuối cùng vị này không đến chỉ vì một vũng nước trên đường đi. Thế mới thấy, chuyện cựu Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Trương Đình Tuyển đạp xe khắp nơi, vào chợ mua rau, mua cá; vào cả hội trường UBND xã mà không ai nhận ra, được nhân dân yêu mến cỡ nào. Nhân dân bây giờ không chỉ muốn lãnh đạo gần gũi, nắm bắt dân sinh mà còn mong tư duy quản trị sáng, vượt nhiệm kỳ để thúc đẩy kinh tế đi lên.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói: Chọn người tài, không chọn người nhà. Từ năm 1946, Hồ Chủ tịch đăng báo Cứu Quốc để tìm người tài, đức. Dân số lúc đó chỉ khoảng 20 triệu, nhưng Bác Hồ đã nói đại ý: Trong từng đó con người, chả lẽ không tìm ra người tài, đức. Nay dân số đã gấp rất nhiều lần, dân trí cũng nâng cao, kinh tế phát triển vượt bậc so với năm 1946 nên công cuộc tìm kiếm người tài, đức luôn có tính thời sự.
Trong quá trình lãnh đạo, nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm, coi trọng công tác cán bộ. Một trong những hướng chấn chỉnh, đổi mới mạnh mẽ: Chuẩn hóa tiêu chuẩn cán bộ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung.
Việc tuyển chọn bí thư huyện ủy và người đứng đầu ngành tại Đắk Lắk tuy mới mẻ, nhưng kế thừa chính sách “chiêu hiền, đãi sỹ” của người xưa. Có điều thú vị việc này tổ chức tại mảnh đất Tây Nguyên, giàu truyền thống và nhiều dân tộc anh em; chứ không phải tại một tỉnh phát triển nào đó.
Nếu chuyện này thành công tại Đắk Lắk, không có lý do để không nhân rộng.