Chọn đúng trường - cơ hội trúng tuyển cao

Ông Nguyễn Quốc Cường tư vấn NV2 cho phụ huynh và thí sinh. Ảnh: Quang Phương
Ông Nguyễn Quốc Cường tư vấn NV2 cho phụ huynh và thí sinh. Ảnh: Quang Phương
TP - Đại diện Bộ GD&ĐT và nhiều trường ĐH, CĐ nói rằng, dù có điểm thi chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn điểm sàn, nhiều thí sinh vẫn có cơ hội học đại học.

> 'Bí quyết' trúng tuyển NV2

Ông Nguyễn Quốc Cường tư vấn NV2 cho phụ huynh và thí sinh. Ảnh: Quang Phương
Ông Nguyễn Quốc Cường tư vấn NV2 cho phụ huynh và
thí sinh. Ảnh: Quang Phương.
 

Ngày 14-8, tại TPHCM diễn ra buổi tư vấn xét tuyển NV2 với sự tham gia của đại diện Bộ GD&ĐT và nhiều trường ĐH, CĐ.

Đi đường vòng

Tại buổi tư vấn, nhiều thí sinh và phụ huynh nêu vấn đề: Điểm thi ĐH của các em chỉ vừa hoặc nhỉnh hơn điểm sàn 0,5 đến 1 điểm, nhưng lại muốn vào các trường công lập. Theo đại diện các trường ĐH, thí sinh nếu thấy mình không đủ khả năng đậu vào ĐH thì hãy chọn học vào hệ CĐ, sau đó chọn con đường liên thông để học theo ngành nghề mà mình yêu thích. Đi theo đường vòng, không mất nhiều thời gian mà vẫn có bằng ĐH.

TS. Phạm Tấn Hạ, Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), nói: “Nếu thật sự đam mê thì các bạn có thể học CĐ rồi liên thông, chứ không phải nhất nhất là học ĐH, hoặc chọn một ngành nào đó ở cùng trường để học rồi sau đó học bằng kép để lấy bằng của ngành mà mình thích. Sau học kỳ một năm nhất, nếu đủ điều kiện thì các bạn có thể đăng ký học bằng kép (thêm một ngành)”.

Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan Bộ GD-ĐT tại TPHCM, cho biết: Theo quy định, thí sinh có điểm thi trên điểm sàn nhưng không trúng tuyển NV1 thì các trường không được tự ý xét tuyển xuống hệ CĐ mà phải gửi giấy báo kết quả điểm thi cho thí sinh. Ở mỗi khối thi, thí sinh nhận được 2 giấy báo điểm.

Thường hằng năm, ở nhóm ngành kinh tế, nếu thí sinh có mức điểm từ 13- 15 thì cơ hội trúng tuyển vào NV2 ở các trường công lập là rất mong manh. Thí sinh nên chọn các trường ngoài công lập, vì điểm chuẩn NV2 thường ở mức điểm sàn. Các trường công lập điểm chuẩn NV2 khối ngành kinh tế thường cao hơn điểm sàn xét tuyển từ 2 đến 3 điểm.

Tại buổi tư vấn, đại diện các trường cho rằng, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, trung tâm đào tạo nghề, trường trung cấp, CĐ nghề và trường liên kết đào tạo quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh. Có những chương trình đào tạo bài bản, có thể rút ngắn bằng hoặc nhanh hơn việc học ĐH chính quy.

Rút hồ sơ

Ông Nguyễn Quốc Cường nói, nếu trúng tuyển cả 3 trường thì có thể nộp hồ sơ nhập học vào bất cứ trường nào, nhưng nếu thi đậu vào một trường thì không được phép chuyển trường, trừ những trường hợp đặc biệt.

TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết, năm nay, Bộ GD&ĐT có 2 thay đổi để tạo cơ hội cho thí sinh trúng tuyển cao hơn. Thí sinh được rút hồ sơ khi thấy khả năng trúng tuyển không cao; thời gian xét tuyển kéo dài thêm 5 ngày, từ 25-8 đến 15-9, nên phải cân nhắc và tham khảo thông tin tuyển sinh NV2 trên các báo, trang web của Bộ GD-ĐT.

TS. Dũng lưu ý, hiện các trường không tự chuyển điểm của thí sinh không trúng tuyển NV1 vào các nguyện vọng khác. Do đó, thí sinh có nguyện vọng học ngành nghề nào đó của trường thì phải nộp hồ sơ xét tuyển NV2 hoặc NV3.

Một điều mà thí sinh và phụ huynh cần lưu tâm nữa là điểm xét tuyển và điểm trúng tuyển là khác nhau. Ví dụ, điểm chuẩn hệ CĐ của trường là 10 điểm nhưng điểm xét tuyển NV2 là 11 điểm, phải đủ 11 điểm trở lên mới được nộp đơn xét tuyển.

Ngành nông - lâm - cơ dễ kiếm tiền

TS Nguyễn Tiến Dũng nói: Khi nghĩ đến cơ khí, kỹ thuật, người ta thường nghĩ ngay là công việc nặng nhọc, dầu mỡ..., nhưng nhiều em không biết bây giờ kỹ sư làm việc cũng mặc áo trắng, đeo caravat, tay chân không hề dính dầu mỡ.

Tuy nhiên, nhóm ngành này có điểm chuẩn trúng tuyển cao hơn điểm sàn xét tuyển 2-3 điểm nên thí sinh cần cân nhắc. Riêng các ngành công nghệ - kỹ thuật hay các ngành sư phạm kỹ thuật, các năm qua thường lấy điểm trúng tuyển bằng điểm sàn xét tuyển.

Thực tế, không chỉ các ngành kinh tế mới có thu nhập cao, với những ngành như cơ khí chế tạo máy, ô tô..., thu nhập khi mới ra trường khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, sau 2 năm, lương có thể tăng lên 10 triệu đồng/tháng.

Đồng tình với ý kiến trên, PGS. TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TPHCM, nói: Đa số thí sinh cho rằng, ngành nghề nào có chữ nông - lâm - cơ khí đều cực khổ, nhưng các em đâu biết rằng, những ngành này, sinh viên ra trường đều có việc làm với thu nhập khá cao; thậm chí được doanh nghiệp đặt hàng khi chưa tốt nghiệp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG