Lương thấp, hợp đồng bấp bênh
Ngoài lý do về lòng tham (thấy đồ giá trị rơi trước mắt khó cưỡng), những nhân viên trực tiếp làm việc với hành lý, công nhân vệ sinh tàu bay (tiếp xúc với đồ của hành khách bỏ quên trên tàu bay) lại hưởng lương thuộc hàng thấp nhất đơn vị.
Như tại Xí nghiệp Thương mại Mặt đất Nội Bài (Niags), từ năm 1993 (thành lập xí nghiệp) tới năm 2015, dù đã vài lần tăng lương, nhưng công nhân bốc xếp hành lý và nhân viên vệ sinh tàu bay cũng chỉ từ 4,5 – 5,8 triệu đồng/tháng.
Một ngày cuối tháng đúng ngày nhận lương, tranh thủ giờ nghỉ anh em công nhân tụ tập về phòng chờ hỏi han nhau về lương mới sau khi được điều chỉnh tăng, cả phòng rôm rả khác thường. Nhưng rồi, nhiều người nhận ra mình chỉ được thêm vài trăm nghìn đồng, công nhân thời vụ (hợp đồng dưới 12 tháng) lương không đổi.
Hóa ra, lương mới chỉ áp dụng với công nhân làm việc lâu năm, có hợp đồng từ 12 tháng trở lên. Những công nhân thời vụ vẫn nhận lương theo ca, mỗi ca được trả 180 nghìn đồng, tính ra mỗi tháng chỉ khoảng 4,5 triệu đồng.
Với công nhân có hợp đồng dài hạn, ngoài lương còn có vài trăm nghìn đồng tiền bình xét mỗi tháng, hỗ trợ độc hại, chế độ bảo hiểm; còn công nhân thời vụ không được hưởng những chế độ đó. “Để được hợp đồng 1 năm, bọn em phải qua 2 lần hợp đồng 3 tháng, 1 hợp đồng 6 tháng.
Giờ nghe nói còn phải qua hợp đồng 11 tháng rồi mới được ký 12 tháng”, Tư - một nhân viên mới vào làm tại Niags từ tháng 2/2015 nói vẻ lo lắng. Tính ra, để có được hợp đồng 12 tháng, mỗi công nhân phải mất gần 2 năm làm thời vụ...
Những công nhân có hợp đồng dài hạn đều có chế độ bồi dưỡng làm việc trong môi trường độc hại, mỗi ngày được 15 nghìn đồng, trả theo quý bằng thẻ mua hàng tại siêu thị Fivimart.
Tôi có hỏi tại sao như thế, một số công nhân nói xí nghiệp bảo theo quy định của Luật Lao động chế độ trợ cấp trả bằng hiện vật, nên trả bằng thẻ siêu thị cho mọi người tự mua đồ phù hợp với nhu cầu cá nhân.
Vì vậy, mỗi quý tới ngày nhận thẻ mua hàng siêu thị, sân bay Nội Bài lại xuất hiện những người chuyên thu mua thẻ mua hàng, với giá từ 70-80% giá trị in trên thẻ.
“Mỗi thẻ mua hàng giá trị chỉ hơn 1 triệu chẳng mua được gì nhiều, lại phải đi vào nội thành mới có siêu thị. Để gom cả năm cho bõ một lần đi, thẻ hết hạn cũng vứt, tiếc vẫn phải bán lỗ”, ông N.L.V kể.
Công việc nặng nhọc, môi trường khắc nghiệt, một số người không chịu được phải bỏ việc. Như 16 công nhân vào thời điểm năm 2010, tới nay chỉ còn lại 6 người làm hành lý, một số bỏ việc, số khác chuyển làm việc lương cao hơn (như lái xe đầu kéo). Nhiều công nhân nói thẳng khi thấy tôi mới tới, sau 2 tháng vẫn còn trụ lại mới được xem là gắn bó.
Lương thấp, nhưng vẫn nhiều người xin vào làm bốc vác. Theo tâm sự của công nhân vì một thời đây từng là ngành “hot”, kiếm thêm được. Còn những công nhân mới vào, xin làm bốc vác, do chưa biết công việc thế nào, lại có “mác” làm ngành hàng không nên ai cũng thích.
“Về quê giới thiệu mình làm ở sân bay Nội Bài thấy oai mà”, N.S.V thật thà. Ngoài ra, một số khác có quan hệ xin đi làm công nhân chỉ là bước đệm, khi có hợp đồng dài hạn sẽ chuyển làm công tác khác thu nhập tốt hơn, công việc nhàn hơn. Bởi vậy, không ít phu bốc vác nơi đây có bằng cao đẳng, đại học.
Vào lớp học làm phu sân bay
Bằng bộ hồ sơ chỉ có bằng cấp 3, tôi xin vào làm lao động phổ thông tại Niags. Lao động phổ thông, chỉ có thể làm tại bộ phận bốc xếp hành lý của hành khách và vệ sinh tàu bay.
Để được đi làm, các lao động mới phải qua một lớp học nghiệp vụ về an toàn, an ninh hàng không và một số nghiệp vụ liên quan tới công việc mình sẽ làm.
Tùy từng công việc, lớp học có thể kéo dài từ vài tuần tới nửa năm. Với lao động bốc xếp hành lý như tôi, khóa học kéo dài gần 1 tháng. Trong đó, học lý thuyết 3 tuần, thực hành tại khu vực bốc xếp hành lý 1 tuần (gọi là học thực hành, nhưng tham gia làm cật lực như một lao động thực thụ).
Sau đó công nhân phải trải qua một đợt sát hạch cuối để được ký hợp đồng và đi làm chính thức. Những khóa trước đó, các học viên phải thực tập gần 1 tháng. Thậm chí, đợt tuyển vào tháng 2/2015, công nhân mới còn phải vừa học vừa làm vì đúng vào cao điểm Tết.
Bảng lương của lãnh đạo Xí nghiệp Niags (trên) và lương của công nhân phục vụ hành lý (dưới) trước và sau khi tăng lương vào tháng 7/2015. Ảnh: L.H.V
Do chỉ có mình tôi vào bộ phận bốc xếp hành lý, nên tôi được sắp xếp cho vào học cùng với lớp đào tạo nhân viên phòng tài liệu, lái xe đầu kéo sân bay và nhân viên vệ sinh tàu bay, tổng cộng hơn 30 học viên. Mỗi môn chúng tôi được học 1-2 ngày, sau đó sẽ thi đánh giá.
Theo thông tin phổ biến từ Niags, khi mới vào nghề, lao động bốc xếp phải ký cam kết không tham gia hay tiếp tay cho hành vi bất hợp pháp. Việc xét lý lịch tuyển dụng cũng khá gắt gao: Không có tiền sử trộm cắp, nghiện hút, cờ bạc… Đơn vị này cũng thường xuyên thay đổi vị trí làm việc để tránh việc móc nối thành đường dây trộm cắp…
Việc mất cắp ở sân bay có một điều mà chính tôi sau thời gian làm ở đây cũng chưa lý giải nổi: Dường như tùy thời điểm, kẻ trộm biết rất rõ hành lý nào có đồ quý giá để chôm chỉa. Điều này chỉ xảy ra với trường hợp người móc đồ đạt khả năng nhìn “xuyên thấu” hoặc có sự móc ngoặc giữa bộ phận soi chiếu (an ninh hoặc hải quan).
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi
Những người làm việc đúng nghĩa tại sân bay, sau mỗi ca làm, người đau nhừ, sống lưng tê cứng, mất cảm giác, một số đầu ngón tay bầm dập, xây xước vì va đập. Một số công nhân trung và lớn tuổi luôn cắp bên mình chai nước thuốc chữa đau lưng, xương khớp khi đi làm để uống thay nước. Cũng vì làm trong môi trường tiếng ồn lớn, mỗi công nhân bốc vác từ 5 năm trở lên đều phải khám điếc định kỳ.
Cục trưởng hàng không: Tiền Phong đặt ra nhiều vấn đề phải chấn chỉnh
Sáng 1/10, trao đổi với Tiền Phong, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, loạt bài viết thâm nhập làm phu bốc vác sân bay đặt ra rất nhiều vấn đề cần phải xem xét lại. “Riêng việc tuyển lao động mùa vụ cũng là vấn đề, kể cả về mặt an ninh hàng không lẫn chuyện trộm cắp hành lý.
Cán bộ ngành hàng không vào sân bay xin thẻ (ra vào) còn khó, giờ lao động thời vụ hợp đồng chỉ 3 hoặc 6 tháng được tuyển, vẫn phải cấp (thẻ) cho họ vào làm. Hợp đồng ngắn hạn lương thấp, tác động rất nhiều tới tâm lý gắn bó của người lao động, làm sao họ có thể yên tâm công tác”, ông Thanh nói.
Ngoài ra, theo ông Thanh, tới đây, cục sẽ kiểm tra lại chế độ phụ cấp làm việc trong môi trường độc hại của người lao động. Bởi vì sân bay rất ồn; nắng nóng có thể làm nứt cả hạ tầng nói gì tới con người. “Đọc 2 bài của Tiền Phong cho thấy có nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện các giải pháp phòng ngừa”, ông Thanh nói.
Về hành lý nối chuyến (quốc tế đi nội địa phải đi vòng ra ngoài phạm vi kiểm soát an ninh sân bay tại nhà ga T2 Nội Bài), ông Thanh cho biết, sau khi báo phản ánh sẽ cho kiểm tra và tìm biện pháp để chấn chỉnh, giám sát.
“Mục tiêu phải hạn chế tối đa những kẽ hở mà người lao động có thể lợi dụng lấy cắp đồ của hành khách”, ông Thanh nói.
Khi được hỏi liệu có hình thành mạng lưới ăn cắp hành lý của khách, ông Thanh nói: “Trước đây kiểm soát an ninh lỏng lẻo, việc nhân viên thông đồng tuồn đồ trộm cắp ra ngoài là có. Tuy nhiên, đến nay những việc này đã giảm nhiều nhờ sự chủ động vào cuộc của các cơ quan chức năng”.
Ngoài ra, theo người đứng đầu ngành hàng không, hiện máy soi chiếu ở các cửa an ninh chỉ phục vụ phát hiện kim loại; chất nổ, vũ khí, không phải trang bị để phòng trộm cắp đồ.
Do đó, nếu nhân viên sân bay có lấy đồ bằng vật liệu nhựa, hay nước hoa rồi đem ra ngoài khó phát hiện được; còn kiểm tra bằng tay cũng còn nhiều hạn chế.
Từ đầu năm 2015 tới nay, Cục Hàng không đã chỉ đạo các đơn vị liên quan áp dụng nhiều biện pháp để phòng ngừa trộm cắp sân bay, như: Trang bị thêm camera giám sát; tăng cường giám sát an ninh; lập tổ phản ứng nhanh; quy định trách nhiệm các đơn vị liên quan…
Đức Nam - Lê Hữu Việt