Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương, khu vực chợ Kim Biên có hơn 70 cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp và 25 cơ sở kinh doanh hương liệu, phụ gia thực phẩm.
Theo khảo sát của Sở Công Thương, TPHCM có 638 cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất đang hoạt động, phần lớn tập trung ở các quận 5, 10, 11, Tân Bình, Gò Vấp và Bình Tân. Trong số đó, sản xuất kinh doanh hóa chất công nghiệp do Sở Công Thương quản lý có 401 cơ sở, sản xuất hương liệu, phụ gia thực phẩm do Sở Y tế quản lý có 210 cơ sở. Số còn lại là kinh doanh hóa chất khác trong ngành thú y, thủy sản, bảo vệ thực vật…
Trong số này quận 5 đứng đầu với 73 cơ sở sản xuất và 53 kho chứa hóa chất đặt trong các khu dân cư. Quận 10 có 41 cơ sở/25 kho hóa chất. Các quận khác như quận 11: 41 cơ sở/25 kho; Tân Bình: 46 cơ sở/10 kho; Tân Phú: 29 cơ sở/10 kho; Thủ Đức: 32 cơ sở/7 kho; Bình Tân: 38 cơ sở/7 kho.
Quản hay cấm?
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một tiểu thương kinh doanh lâu năm tại chợ Kim Biên nói: “Việc sử dụng hóa chất công nghiệp vào thực phẩm là do người chế biến, chứ người bán chưa hẳn có lỗi. Không thể cứ xảy ra chuyện đâm chết người thì lập tức ra chợ cấm người ta bán dao? Trước tình trạng nhiều người làm ăn bất chính, mua chất cấm từ chợ Kim Biên về bỏ vào thực phẩm, gây hại cho người sử dụng, thay vì cấm bán thì nên tăng cường quản lý thực phẩm an toàn”.
Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TPHCM cho rằng, phụ gia thực phẩm phải bán riêng, quản lý riêng với phụ gia công nghiệp. Tìm một trung tâm kinh doanh khác và di dời thì không giải quyết được vấn đề.
“Phải quản lý thật chặt và quản lý riêng. Ngoài Luật An toàn Thực phẩm, Luật Hóa chất thì các văn bản dưới luật phải quy định rõ anh là ai mà muốn mua axít? Anh sử dụng vào việc gì? Con tôi là bác sĩ ở nước ngoài, tôi nhờ nó mua hóa chất mà không được, phải là người trong chuyên môn mới mua được”, ông Sơn nói.
Bác sĩ Trần Đông A, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết đã nhiều lần kiến nghị không dẹp chợ mà phải tách phụ gia thực phẩm ra khỏi các hóa chất dùng trong công nghiệp để quản lý nhưng hiện nay, chợ Kim Biên vẫn là chợ “2 trong 1”, có thể mua phụ gia thực phẩm và công nghiệp cùng lúc.
“Quản lý chặt thì không có chuyện mua bán hóa chất quá dễ dàng như hiện nay. Ai được mua, ai được sử dụng hóa chất, sử dụng vào mục đích gì. Ví dụ, chỉ cái chuyện mua axít để tạt người khác thì quản lý ở đâu? Không thể ai cũng được mua hóa chất, phụ gia thực phẩm. Chỉ có công ty mới được mua chứ cá nhân không được mua hóa chất để ở nhà”, bác sĩ Trần Đông A nói.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết hiện nay chưa có văn bản pháp quy bắt buộc bán riêng hóa chất công nghiệp và phụ gia. Vừa qua, Sở Y tế đã đề nghị thực hiện giải pháp người nào muốn mua hóa chất công nghiệp phải xuất trình CMND hoặc giấy phép hành nghề nhưng Sở Công Thương không đồng ý.
Làm việc với lãnh đạo các sở ban ngành chiều 26/7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã chấp thuận đề xuất của Sở Công Thương xây dựng trung tâm kinh doanh hương liệu hóa chất TPHCM quy mô gần 11 ha cạnh khu công nghiệp Phong Phú (quận 8) để di dời các cơ sở kinh doanh hóa chất, hương liệu, phụ gia thực phẩm tại khu vực chợ Kim Biên và các nơi khác trên địa bàn TPHCM.
Theo ông Tuyến, trung tâm kinh doanh hóa chất, hương liệu TPHCM sẽ được đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa, tầm cỡ trong khu vực vì hiện nay, nhu cầu sử dụng hóa chất, hương liệu trong sản xuất công nghiệp, chế biến thực phẩm rất lớn. Mục đích xây dựng trung tâm này là nhằm tạo ra một thị trường kinh doanh hóa chất lành mạnh, đồng thời xóa bỏ những kho chứa hóa chất tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ trong các khu dân cư; các cơ sở kinh doanh hóa chất, hương liệu thực phẩm không an toàn như tại khu vực chợ Kim Biên.
“TPHCM không chủ trương di dời chợ nguy hiểm từ chỗ này sang chỗ khác. Trung tâm kinh doanh đa năng, vừa kinh doanh, triển lãm, tư vấn sử dụng sản phẩm vừa là kho chứa hóa chất, hương liệu đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường” – ông Tuyến nói.
Giám đốc Cty Đặng Huỳnh bị phạt 3 năm tù
Ngày 26/7, TAND TPHCM đã tuyên phạt Huỳnh Văn Hải, giám đốc Cty Đặng Huỳnh 3 năm tù về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn ở những nơi đông người. Ngoài hình phạt chính, bị cáo còn bị phạt bổ sung cấm sản xuất phân bón vô cơ trong vòng 2 năm. Theo hồ sơ vụ án, Cty Đặng Huỳnh (quận 12) có chức năng kinh doanh sản xuất và mua bán giống cây trồng, sản xuất phân bón, mua bán hóa chất (trừ hóa chất có tính độc hại mạnh). Ngày 17/10/2014, khi các công nhân đang pha trộn hóa chất để sản xuất phân bón hiệu ĐH05 dùng phun cho xoài ra hoa thì xảy ra cháy nổ làm ba công nhân chết tại chỗ, toàn bộ nhà xưởng và 86 căn nhà lân cận bị sập, hư hỏng.