Chợ heo 'độc nhất vô nhị' giữa bão dịch

Chưa bao giờ, người ngồi không lại nhiều hơn người mua bán và bồng heo trong chợ Bà Rén như những ngày “bão” dịch này Ảnh: Thanh Trần
Chưa bao giờ, người ngồi không lại nhiều hơn người mua bán và bồng heo trong chợ Bà Rén như những ngày “bão” dịch này Ảnh: Thanh Trần
TP - Lồng sọt úp cả trăm chiếc dồn về phía góc, dân thu gom chán chường không thiết bán mua, người buôn nhỏ lẻ rầu rĩ trước bầy heo chở lên rồi lại chở về… Chợ heo Bà Rén (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) vốn sầm uất nay rơi vào tình cảnh ấy trước “bão” dịch tả lợn châu Phi.

Ngôi chợ nổi tiếng của xứ Quảng có từ thập niên 70 của thế kỷ trước, chợ chỉ buôn bán độc nhất một mặt hàng heo con là nơi mưu sinh của hàng chục, hàng trăm phụ nữ.

Ép giá xuống đáy, bảo hành gắt gao

Chưa đầy 8 giờ sáng, những xe chở lồng heo từ từ chạy ra khỏi chợ. Chợ mỗi lúc một thưa người. “Nhìn là biết rồi hỉ. Bình thường cấp ni là cao điểm đây, giờ mấy bả đem heo về thả lại chuồng thì hiểu chợ đắt hay ế rồi đó”, một phụ nữ chao chát.

Gần hai chục ngày nay, kể từ lúc dịch tả trờ tới huyện đầu tiên của tỉnh - Duy Xuyên, chợ Bà Rén cũng gần như trong tình trạng “chết lâm sàng”. Trong chợ trước kia năm bảy chục người chen chúc với cả trăm lồng heo, ngoài sân xe cộ kín ken, tiếng người hối thúc, tiếng lợn eng éc làm ngôi chợ ồn ào hơn bất kỳ ngôi chợ nào khác. Vậy mà giờ đìu hiu, thưa thớt, đến não nề. Thỉnh thoảng có người vào kẻ ra, nhưng chỉ ngắm nghía rồi đi về. “Năm thì mười họa người ta mới mua một đôi con. Tui sáng giờ chở 3 con lên ngồi dài cổ ra có ai ngó ngàng chi đâu”, bà Nguyễn Thị Lan (thôn Quế Xuân 1) thở dài.

Hai vợ chồng anh Nguyễn Dũng (56 tuổi, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên) chở 9 con heo con vào một góc chợ. Soạn lồng ra suốt buổi không bán được con nào, anh Dũng leo lên yên sau xe máy phì phèo điếu thuốc, vợ anh lê la tám chuyện cho đỡ buồn. Anh kể, hai vợ chồng gắn bó với nghề bán heo 25 năm nay. Vợ chồng anh  thường đi gom heo tận chuồng rồi mang lên chợ, bán cả sỉ và lẻ. Từ hôm dịch tới giờ có bữa bán được vài ba con, bữa chở nguyên lồng về lại.

Quế Sơn vẫn chưa “dính” dịch. Nhưng tâm lý lo sợ bủa vây. Sợ heo ủ bệnh chưa phát, sợ heo từ những ổ dịch tuồn về. Mặc dù nguồn heo của ngôi chợ truyền thống này bao năm qua chủ yếu từ những hộ chăn nuôi trong vùng, người mua biết mặt, biết hàng, chẳng nhà nào dám bán bậy lấy một con. Song mấy ai dám liều mua heo nuôi trong giai đoạn này. Nhất là khi phát sinh mầm bệnh buộc phải tiêu hủy hết.

Nhiều dân buôn vẫn chấp nhận ôm heo ngay trong “bão” vì vừa nể nang mối lái làm ăn, vừa thương nhà chuồng. Người chăn nuôi sợ đùng một cái dịch tràn tới cuốn đi bầy heo của họ nên đẩy đi sớm ngày nào hay ngày đó. Biết thế khó, đầu nậu tha hồ ép giá, từ 45.000 đồng/kg bóp dần xuống còn có 28.000 đồng/kg. Họ vẫn gật đầu, vì hiểu tình thế. Còn người mua lẻ vài con về nuôi thì đòi bảo hành hết sức gắt gao. “Luật” là bảo hành 3, 4 ngày thôi, có gì thì một đổi một. Từ bữa dịch tới nay người mua “hành” khiếp hồn. Họ đòi nâng bảo hành lên 7 ngày, tiền không đưa trước một xu. Heo mang về nuôi trong thời hạn bảo hành mà “sụt sịt” là mang lên trả lại tức tốc”, bà Lan nói.

Buổi chiều chợ buồn hiu, chỉ có xe tải tới chở heo từ chợ đi nơi khác. Mấy bữa nay, chợ chiều đúng cảnh chợ chiều...

Tả tơi theo dịch

Ngôi chợ này là nơi mưu sinh của đông đảo phụ nữ, với hai nghề chính là bán heo và bồng heo. Ế ẩm kéo dài khiến họ chẳng còn muốn kêu ca. Có hôm mới sáng ra cả chợ hùn nhau…thuê loa kẹo kéo về hát cho đỡ sầu.

Suốt 27 năm chạy đôn chạy đáo, khô cổ rát họng với mấy lồng heo, mấy sáng nay chị Nguyễn Thị Nga (54 tuổi, thôn Bà Rén, xã Quế Xuân) khoanh tay đi ngó nghiêng khắp chợ. Chị là dân thu gom heo con, heo giống sành sỏi để bỏ lại cho cánh Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ…vậy mà giờ đành chịu thua “con vi rút”.

Sáng sáng chị dạo quanh coi giá cả, bấm điện thoại hỏi hết “đối tác”, vẫn không “chốt” được đơn nào. “Nghề của mình mấy chục năm rồi, ở nhà ngồi không buồn lắm, nhưng lên đây có khi buồn hơn. Hồi đó cũng có dịch tai xanh, lở mồm long móng, thiệt tình chưa dịch nào dai và “ác” như dịch này. Nếu kéo dài dài chắc tính đường đi phụ hồ quá”, chị trải lòng.

Heo bắt từ chuồng ra tới chợ bán đi, trừ hao hụt cân nặng, chi phí, mỗi con người bán lẻ lời được một vài chục ngàn. Chợ đắt, có hôm được hai, ba trăm, không cũng đủ lo mắm muối. Biết bao nhiêu gia đình sống nhờ cái chợ heo này. Vậy mà bão dịch quật cho tả tơi, nhiều hôm tiền lãi đủ tiền xăng, có bữa tay trắng đi về.

Tội nghiệp nhất là “đội quân” bồng heo. Thường trực ở chợ gần hai chục người, nửa tháng nay chỉ còn năm, sáu người. Họ tới sớm, người đứng tựa tường, kẻ leo lên bàn ngồi đợi, mỏi mòn. Thỉnh thoảng chủ buôn hô lên, họ thoăn thoắt chạy tới bế xốc heo ra bàn cân, leo lên đó cân cả người lẫn heo, rồi thả heo vào lồng mới hoặc thùng xe. Sau cùng tự cân mỗi mình lần nữa để trừ đi tính cân nặng của heo. 1.000 đồng - giá của mỗi lần bồng và cân heo như vậy.

Công việc vắt sức này đem lại thu nhập khá ổn cho phụ nữ trong vùng. Vậy nên không ít người đã gắn bó hơn 20 năm. “Chợ này thì đừng có mong có tiền qua bữa. Chị em tui nghỉ hơn phân nửa rồi, vì cả sáng chầu chực bồng không được mười con heo thì lấy chi ăn”, bà Nguyễn Thị Lâm (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) mệt mỏi.

Ông Nguyễn Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 cho hay để đảm bảo an toàn cho chợ heo Bà Rén, cứ hai ngày đơn vị chức năng lại phun thuốc tiêu độc, khử trùng một lần. Công tác kiểm soát nguồn heo tại chợ cũng được chú trọng, chủ yếu là người dân lấy trong địa bàn, hiện vẫn chưa phát hiện ổ dịch.

“Tuy nhiên tình hình dịch tả lợn châu Phi lan nhanh, rộng, Quế Sơn lại nằm giáp ranh với các địa phương đã có dịch nên sức mua bán giảm đáng kể, ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, ông nói.          

Tại Quảng Nam, dịch tả lợn châu Phi được phát hiện đầu tiên vào ngày 14/5 tại huyện Duy Xuyên. Tới nay, dịch đã lan sang 5 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có huyện miền núi Nam Trà My. Ngoài ra, một xe chở lợn dịch từ phía Bắc vào bán rất nhiều lợn khi qua địa bàn tỉnh, hiện vẫn chưa tìm ra hết các nơi tiêu thụ. Hơn 200 con heo nhiễm dịch đã bị tiêu hủy.

MỚI - NÓNG