Miền Tây đã có 11 tỉnh thành bị dịch tả lợn châu Phi tấn công, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.
Sáng nay (4/6), ông Đồng Văn Lâm - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã đi kiểm tra và chỉ đạo xử lý tại điểm xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, tại hộ bà Lê Hồng Dân (ấp Giồng Mới, xã Huyền Hội, huyện Càng Long).
Tại ổ dịch có tổng đàn lợn 15 con, trong đó 6 con đã chết, sau khi có kết quả xét nghiệm từ Chi cục Thú y Vùng VII, ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy 9 con còn lại, với trọng lượng hơn 560 kg.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo UBND huyện và xã cần thực hiện tốt công tác quản lý đàn, tránh tình trạng vận chuyển, mua bán heo qua lại trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác tiêu độc, khử trùng và theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh để kịp thời xử lý, không để ổ dịch lây lan trên diện rộng. Tổ chức đặt các trạm kiểm soát dịch bệnh trên trục đường liên ấp và phun xịt thuốc theo đúng hướng dẫn của ngành thú y…
Còn tại Đồng Tháp, toàn tỉnh đã có 30 hộ chăn nuôi ở 18 xã của 8 huyện trên địa bàn tỉnh có lợn mắc bệnh với số lượng tổng đàn là hơn 1.300 con. Toàn bộ số lợn này đã được ngành thú y phối hợp với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương xử lý tiêu hủy nhằm tránh dịch bệnh lây lan, đồng thời, tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan ra diện rộng, giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi.
Sở NN&PTNT Đồng Tháp đã chỉ đạo triển khai được 3 đợt vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh vào tháng 1, tháng 3 và tháng 5/2019; phối hợp với các trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp phát và tổ chức thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng được hơn 17.000 lít Benkocid nhằm tiêu diệt và hạn chế mầm bệnh tồn tại trong môi trường, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.
Như vậy, ngoại trừ 2 tỉnh Long An và Bến Tre, 11 tỉnh thành còn lại của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.