Chợ Âm phủ và cây bồ đề trăm tuổi

Chợ Âm phủ và cây bồ đề trăm tuổi
TP - Chợ Âm phu, tên chính thức là Chợ 19 tháng 12 nằm trọn trên phố 19 tháng 12 (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nổi tiếng với món thịt chó chặt suốt mấy chục năm từ thời bao cấp đến năm 2008. Từ thời điểm đó, Tiền Phong liên tục đăng bài bảo vệ khu chợ có giá trị lịch sử đặc biệt này.

> Cây bồ đề tại chợ 19-12 vừa hồi sinh lại bị di chuyển
> Đưa 'cụ bồ đề' bị đánh cắp về trồng lại tại chợ 19/12

Phố 19/12 bây giờ
Phố 19/12 bây giờ.

Phố 19/12 dài khoảng 120 m, năm cạnh Tòa án nhân dân TP Hà Nội, một đầu ra phố Lý Thường Kiệt, đầu kia là phố Hai Bà Trưng. Thơi Pháp, phố có tên Rue Simoni - tên viên quan Pháp giữ chức Thống sứ Bắc Kỳ (1909-1912). Sau Cách mạng tháng 8/1945, phố được đổi tên thành Lê Chân. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Chiến sự nổ ra ác liệt tại Hà Nội. Nơi đây trở thành khu mộ tập thể của nhiều chiến sỹ cảm tử, người dân chết trong những ngày ấy. Năm 1986, khu mộ được chuyển về nơi khác, phố được đặt tên mới là 19/12 để kỷ niệm sự kiện ngày Toàn quốc kháng chiến.

Chợ Âm phủ là chợ tạm, họp ở khu mộ chung suốt từ thời Hà Nội bị ném bom trong Chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Chợ tạm đông dần, đến năm 1986 được chính thức đặt tên là chợ 19/12, nhưng dân gian vẫn quen gọi là Chợ Âm phủ. Trong chợ có hai hàng cây sưa xanh tốt có từ đầu thế kỷ và một cây bồ đề cổ thụ được trồng từ bao giờ không ai biết.

Cuối 2008, do một quyết định hành chính bất chấp Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu chợ bị thu hồi để giao cho một Cty tư nhân xây tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ, thay vì trả về đúng giá trị lịch sử là phố 19/12. Hàng trăm hộ kinh doanh dạt đi nơi khác, chợ Âm phủ biến mất trên bản đồ Thủ đô.

Tiền Phong bắt đầu loạt bài bằng lá thư phản đối gửi lãnh đạo thành phố Hà Nội của Nhà sử học Dương Trung Quốc. Các bài báo lập tức nhận được sự ủng hộ của dư luận. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Vân và nhiều trí thức đã phản đối dự án, vì cho rằng nơi đây là chứng tích chiến tranh, có giá trị lịch sử đặc biệt, cần giữ lại. Sau 30 bài báo đăng liên tục trên Tiền Phong trong suốt tháng Chạp năm ấy (loạt bài sau đó được trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ 3, 2009), lãnh đạo thành phố Hà Nội đã phải ngồi lại bàn bạc, quyết định dời dự án đến nơi khác.

Một cuộc khai quật quy mô lớn đã phát hiện thêm hàng trăm bộ hài cốt nằm sâu dưới nền phố cũ. Tối 20/1/2009, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội, chủ trì lễ cầu siêu hương hồn chiến sĩ, người dân còn nằm lại nơi đây với sự tham dự của đông đảo Phật tử Thủ đô.

Sau khi con phố được xây dựng lại, hằng ngày, người dân đến thắp hương dưới gốc cây bồ đề trăm tuổi, tưởng nhớ những người con đã hy sinh vì Tổ quốc. Có một chuyện lạ xảy ra với cây bồ đề. Một đêm nọ, người ta đào trộm và mang cây đến nơi khác. Bị nhân dân phát giác, công luận lên tiếng, mấy ngày sau, người ta lại chuyển cây về trồng tại vị trí cũ. Cành lá bị chặt trơ trụi, nhưng như có phép lạ, cây vẫn sống. Tuy nhiên, ít lâu sau, không ai thấy cây bồ đề ấy đâu nữa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG