Chiêu làm ăn của chủ bãi rác

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dù trái phép, vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng nhưng các chủ bãi rác, bãi trạc thải ở Hà Nội vẫn bất chấp để hành nghề vì có mối lợi lớn từ nhiều phía. Đáng nói, việc tập kết, đốt rác trái phép diễn ra lâu dài, nhân dân bức xúc nhưng có nơi, chính quyền địa phương ngó lơ…
Chiêu làm ăn của chủ bãi rác ảnh 1
Những “núi” trạc thải sừng sững trong bãi tập kết của Hòa “cao”.

Bãi trạc thải sừng sững như núi

Trong vai khách hàng có nhu cầu san lấp mặt bằng để xây nhà xưởng, chúng tôi tìm tới bãi trạc thải ở khu vực giáp ranh giữa xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) và phường Đại Kim (quận Hoàng Mai), ngay phía sau chung cư Bea Sky trên đường Nguyễn Xiển - Xa La. Thấy có người đến, một người đàn ông sống trong dãy nhà được quây bằng tôn ở lối vào bãi tiến ra hỏi. Người này tự xưng là Hòa, biệt danh Hòa “cao”. “Mua trạc à? Cứ vào trong xem, cần bao nhiêu cũng có!”, Hòa nói.

Tiến vào trong, chúng tôi bất ngờ vì quy mô của bãi tập kết này. Diện tích của bãi gần 20.000 m2. Gạch, ngói, thủy tinh, túi nylon, bao tải... chất cao cả chục mét thành các khu vực khác nhau cao như những ngọn đồi. Ước tính, lượng rác thải, trạc thải tập kết về đây phải lên đến hàng trăm nghìn tấn. Ở giữa các “ngọn đồi” đều có lối đi đã được nạo vét cẩn thận. Tại bãi còn có một đội máy cẩu, máy xúc hoạt động ngày đêm để san lấp, phân loại trạc thải không khác gì một mỏ khai khoáng.

Hòa ra giá, một mét khối trạc thải lẫn đất chưa tính phí vận chuyển là 25.000 đồng/m3. “Thế là rẻ lắm rồi em ạ! Trừ đi tiền vận hành xe cẩu và tiền nhân công, bọn anh chỉ lãi được 5, 6 ngàn trên một khối thôi. Chỗ của em cần khoảng 20 nghìn khối, tính ra là khoảng 500 triệu đồng. Còn nếu tính cả xe vận chuyển 1,4 triệu đồng/xe 20 khối. Cần thì anh gọi xe cho. Không cần giấy tờ gì cả, chỉ cần cam kết trả tiền cho anh theo từng giai đoạn là được”, Hòa nói. Hòa còn khoe rằng chỉ cần nhắc đến bãi của Hòa “cao” thì dân trong nghề ai cũng biết.

Mỏ trạc thải của Hòa “cao” đã được cả chính quyền xã Tân Triều và phường Đại Kim xác định là chiếm dụng trái phép, bởi khu vực này là đất thuộc dự án khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang I do Công ty quỹ đất huyện Thanh Trì quản lý. Tuy nhiên, khi báo chí hoặc người dân lên tiếng, chính quyền xã Tân Triều và phường Đại Kim đã xây dựng nhiều phương án xử lý. Tuy nhiên, mỏ này sau đó vẫn hoạt động rầm rộ.

Chiêu làm ăn của chủ bãi rác ảnh 2
Máy xúc làm việc 24/24 trong bãi tập kết trạc thải của Hòa “cao”.

Trạc thải đi đâu?

Để nắm rõ hơn quy trình hoạt động của bãi trạc thải, chúng tôi quyết định bám theo những xe ben chở trạc thải từ bãi của Hòa “cao”. Xe đến “ăn hàng” của Hòa “cao” chỉ bắt đầu hoạt động rầm rộ từ khoảng 9 giờ tối, liên tục đến 3 giờ sáng. Đúng 10 giờ tối, chúng tôi có mặt, chứng kiến những đoàn xe ben với trọng tải khoảng 15, 20 tấn tấp nập ra vào bãi qua lối đi ở đường Nguyễn Xiển (gần ngõ 300 Nguyễn Xiển). Bên trong bãi, những chiếc máy cẩu hoạt động hết công suất để xúc trạc thải lên thùng xe ben. Với hàng trăm chuyến xe, ước tính khoảng hàng ngàn khối trạc thải được vận chuyển đi mỗi đêm từ bãi của Hòa “cao”.

Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021, hành vi chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn xây dựng có mức phạt cao nhất là từ 200 triệu đồng tới 250 triệu đồng.

Khoảng 1 giờ sáng, chúng tôi bám theo một chiếc xe ben 4 chân, trọng tải khoảng 20 tấn đang rời bãi với thùng chất đầy trạc thải. Sau khi nhập vào đại lộ Chu Văn An và đường trục phía Nam Hà Nội hướng đi Thanh Oai, chiếc xe tăng tốc, vọt đi với tốc độ khoảng 80 - 90 km/h khiến bụi bay mù mịt. Tại một số ngã tư, chiếc xe này còn lạng lách, vượt đèn đỏ. Chiếc xe này chỉ gắn biển số ở đầu xe, đuôi xe không có biển. Đây là chiêu trò để tránh phạt nguội của các xe tải bởi, trong đêm tối, biển số phía đuôi xe dễ bị ghi lại bởi camera hơn biển số ở đầu xe (thường sẽ bị ánh đèn pha của xe tải làm lóa).

Chiêu làm ăn của chủ bãi rác ảnh 3
Xe tải rầm rộ ra vào bãi tập kết của Hòa “cao” qua lối đi từ đường Nguyễn Xiển rẽ vào.

Điểm đến của chiếc xe ben này là một đại công trường tại xã Kim Bài (huyện Thanh Oai, Hà Nội), nằm sát cạnh công viên huyện Thanh Oai. Tra soát vị trí dự án cho thấy, đây là Cụm công nghiệp Kim Bài với quy mô 46,1 ha, có tổng mức vốn đầu tư khoảng 1.094 tỷ đồng, hiện đang trong giai đoạn san nền. Trên con đường đất “độc đạo” dẫn vào công trường, rất nhiều xe ben, xe tải lớn nối đuôi nhau ra vào tấp nập. Chúng tôi chọn một lối đi tắt qua cánh đồng bên cạnh công trường để tiếp tục theo dõi hoạt động dùng trạc thải san lấp mặt bằng tại đây.

Đi được non nửa con đường đất băng qua cánh đồng, chúng tôi gặp một ngôi nhà nhỏ giống như một chiếc chòi gác. Từ trong nhà, một người đàn ông lừng lững bước ra hét lớn.

Không cần nghe chúng tôi trình bày, gã đàn ông vớ lấy một cây gậy sắt dài rồi nhảy phắt lên xe máy, rồ ga lao thẳng phía chúng tôi. Để tránh xung đột, chúng tôi leo lên xe, vặn ga phóng hết tốc lực ra phía quốc lộ 21B. Khi chúng tôi ra tới quốc lộ, gã đàn ông dừng lại.

Sáng hôm sau, chúng tôi quay lại công trường thì thấy con đường độc đạo rất vắng vẻ, không có sự ra vào tấp nập của các xe ben chở trạc thải như đêm qua. Toàn bộ số trạc thải tối qua đã được phủ lên một lớp đất bằng phẳng, đẹp đẽ.

MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.