Thông tin vùng đất trồng chè của Lâm Đồng nhiễm độc:

Chiêu bẩn của các đối thủ cạnh tranh

Chế biến chè tại TP Đà Lạt.
Chế biến chè tại TP Đà Lạt.
TP - Ngày 17/11, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết có tới 7 kênh truyền hình, 1 website báo điện tử và 4 tờ báo ở Đài Loan đưa tin sản phẩm chè của Lâm Đồng, Việt Nam trồng trên vùng đất bị nhiễm chất độc dioxin. Việc xuất khẩu chè ô long từ Việt Nam sang Đài Loan vì thế bị ngưng trệ.

“Các bản tin và lời đồn ác ý rằng chè Việt Nam được trồng ở vùng bị nhiễm chất độc dioxin xuất hiện trong gần 2 tháng nay rồi lan rất nhanh. Phía Đài Loan đã ách sản phẩm chè nhập khẩu từ Việt Nam lại để kiểm tra” - bà Hà Thúy Linh - Giám đốc Cty TNHH Hà Linh (doanh nghiệp chuyên trồng, chế biến, xuất khẩu trà ô long ở xã Xuân Trường, TP Đà Lạt) bức xúc nói.

Một số chủ doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chè ô long ở Lâm Đồng thống kê hiện có khoảng 70 container chè thành phẩm đang bị ách lại chờ thông quan ở Đài Loan.

“Riêng Cty TNHH Hà Linh có khoảng 11 tấn chè đã qua chế biến trị giá hơn 2 tỷ đồng chưa biết đến bao giờ mới được thông quan. Đó là chưa kể một số người mua chè của công ty để xuất khẩu sang Đài Loan, nay cũng gặp cảnh dở khóc dở cười tương tự nên quay sang khất nợ. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều doanh nghiệp trồng, xuất khẩu chè ô long ở Lâm Đồng sẽ khốn đốn bởi sắp hết năm rồi, có rất nhiều khoản phải thanh toán như trả tiền thu mua nguyên liệu cho nông dân, trả lương cho công nhân, đầu tư duy trì sản xuất, đóng thuế…” - bà Linh tâm tư.

Không chỉ doanh nghiệp mà hàng ngàn hộ trồng chè lao đao. Không chỉ Lâm Đồng mà không ít địa phương trồng chè ở phía Bắc cũng bị ảnh hưởng.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, tình hình khẩn trương lắm. UBND tỉnh Lâm Đồng và các ban ngành liên quan liên tiếp nhận được các văn bản của Hiệp hội Thương mại Đài Loan tỉnh Lâm Đồng, Văn phòng Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc tại TPHCM đề nghị hỗ trợ thông tin để họ tiến hành những bước tiếp theo nhằm đánh bật các thông tin sai lệch nói trên, bảo vệ quyền lợi người sản xuất kinh doanh chè tại Việt Nam.

Ông Ta-Ling Wu (Phó Tổng hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tỉnh Lâm Đồng) đã trực tiếp đến làm việc và kiến nghị 3 vấn đề: tỉnh Lâm Đồng có văn bản xác nhận sản phẩm chè của địa phương không trồng trong vùng đất bị nhiễm chất độc dioxin, cung cấp cho Hiệp hội hình ảnh những vùng bị nhiễm chất độc dioxin tại Việt Nam và cử đại diện sang Đài Loan họp báo về vấn đề này vào ngày 24/11 sắp tới.

“Lâm Đồng sẽ khẩn trương làm rõ vấn đề này bởi những thông tin ác ý không chỉ làm ảnh hưởng đến cây chè mà còn có thể xảy ra với các loại nông sản khác, không riêng tại Đài Loan mà còn ở các quốc gia, các đặc khu hành chính khác”.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng Lê Văn Minh nhận định nguyên nhân của tình trạng trên là do cạnh tranh không lành mạnh. Việc sản xuất chè ô long tại Việt Nam có lợi thế hơn hẳn Đài Loan nên giá cả cạnh tranh hơn. Có thể vì vậy mà một số người làm chè ở Đài Loan tung tin thất thiệt để gây khó, hạ uy tín chè Việt Nam. Ông Minh cũng cho biết đích thân ông Nguyễn Xuân Tiến - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì cuộc họp bàn biện pháp xử lý vụ việc. Tỉnh giao cho Sở TN&MT phối hợp với các ban ngành liên quan thu thập luận cứ để bác bỏ những thông tin sai lệch về chất lượng chè ô long Lâm Đồng; đồng thời có văn bản báo cáo với các Bộ TN&MT, Công Thương, Ngoại giao về vấn đề này.

Căn cứ bản đồ vùng bị nhiễm chất độc dioxin trong chiến tranh ở Việt Nam và một số chứng lý khác, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng khẳng định toàn bộ diện tích trồng chè ở Lâm Đồng nằm ngoài các khu vực bị ảnh hưởng bởi chất độc dioxin. Lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng nhận định từ trước đến nay, chè Lâm Đồng nói riêng và các loại nông sản nói chung được xuất đi nhiều nước, kể cả những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và các nước châu Âu nhưng chưa bao giờ gặp phải chuyện trớ trêu thế này.

“Những năm gần đây, Lâm Đồng đã tiến hành quy hoạch hàng chục ngàn hécta đất đủ điều kiện sản xuất nông sản an toàn và trong quá trình thiết kế quy hoạch, các viện nghiên cứu cấp quốc gia đã tiến hành lấy mẫu và đánh giá tác động môi trường. Toàn bộ diện tích trồng chè chất lượng cao để xuất khẩu của Lâm Đồng với khoảng 3.000 ha đều nằm trong diện tích đã quy hoạch này” - ông Lê Văn Minh khẳng định.

MỚI - NÓNG