The Guardian hôm qua đưa tin, các nhà khảo cổ học tại Đại học Vrije ở Amsterdam đã tìm thấy bằng chứng cho thấy Hoàng đế La Mã Julius Caesar (100 - 44 trước Công nguyên) từng đặt chân đến Hà Lan và tàn sát hai bộ lạc người Đức trong trận chiến khiến 150.000 người chết.
"Đây là lần đầu tiên sự hiện diện của Caesar và quân đội của ông trên đất Hà Lan được minh chứng rõ", Nico Roymans, một nhà khảo cổ học ở Đại học Vrije, cho biết.
Theo các nhà nghiên cứu, hai bộ lạc Tencteri và Usipetes đến từ khu vực phía đông sông Rhine và cầu xin Caesar cho tị nạn. Nhưng hoàng đế La Mã từ chối và lệnh cho 8 quân đoàn kỵ binh tiêu diệt họ. Trận chiến diễn ra vào năm 55 trước Công nguyên.
Hơn 100 bộ xương, 20 thanh kiếm và mũ giáp được khai quật tại Kessel, phía nam tỉnh Brabant, Hà Lan, trong ba thập kỷ qua. Thông qua phương pháp xác định niên đại bằng đồng vị cacbon cũng như phân tích lịch sử và địa hóa học, các nhà nghiên cứu khẳng định đồ khai quật có niên đại vào thế kỷ thứ nhất và nơi tìm thấy chúng chính là chiến trường diễn ra vụ thảm sát hai bộ lạc.
Caesar từng nhắc đến trận chiến trong văn bản Commentarii de Bello Gallico về chiến tranh với xứ Gallia, nhưng vị trí chính xác vẫn còn là điều bí ẩn. Theo lời kể của Caesar, ông đã quét sạch bộ lạc và giết chết 400.000 người. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học nhận định con số tử vong thực tế vào khoảng 150.000 - 200.000 người.