Theo CNN, các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu những xác chết hóa đá trong vụ núi lửa Vesuvius phun trào năm 79 tại Pompeii, gần Napels ngày nay ở Italy. Họ chết vì ngạt khói và tro bụi rơi xuống cơ thể dần hóa thành đá bọt, tạo thành những người đá bên trong có xương và răng nguyên vẹn.
"Răng họ thực sự rất chắc khỏe. Họ ăn uống ít đường, nhiều trái cây và rau xanh", Elisa Vanacore, một nha sĩ cho biết trong buổi họp báo tuần trước. Những gì người La Mã cổ đại gần 2.000 năm trước ăn cũng giống như chế độ ăn ngày nay của người Địa Trung Hải - khu vực người dân có tuổi thọ cao hơn miền nam châu Âu.
Các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu về phần còn lại của người La Mã cổ được lưu giữ trong những người đá này.
"Quá trình nghiên cứu sẽ tiết lộ nhiều về các nạn nhân như: tuổi tác, giới tính, thức ăn, thậm chí là bệnh tật họ từng mắc phải và giai cấp xã hội", Masimo Osanna, quản lý khu di khảo Pompeii cho biết. "Đây sẽ là bước tiến lớn của chúng ta trong nghiên cứu xã hội cổ xưa".
Chế độ ăn ít đường của người La Mã cổ đồng nghĩa với việc họ gặp ít rắc rối về răng miệng hơn con người hiện đại. Tiêu thụ nhiều đường được cho là gây ra các bệnh sâu răng, béo phì, tim mạch và tiểu đường.
Nữ hoàng Elizabeth I nổi tiếng vì hàm răng xấu do thích ăn đồ ngọt. Ảnh: CNN
Nữ hoàng Elizabeth I nổi tiếng vì hàm răng xấu, do thích ăn đồ ngọt. Đường là chất phụ gia được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm ngày nay. Tuy nhiên, cho đến thể kỷ 16, nó mới bắt đầu được phổ biến ở Tây Ấn và châu Mỹ. Đến năm 19750, nó đã vượt qua các loại ngũ cốc, trở thành mặt hàng giá trị nhất ở châu Âu, chiếm một phần năm trong tổng số các mặt hàng nhập khẩu vào châu lục này. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, lượng tiêu thụ đường toàn cầu dự báo đạt 173,4 triệu tấn năm nay.